Cá cược game - Game Thể Thao 24H

Thông báo Việc làm Hỏi đáp chuyên ngành

Bảo vệ người tiêu dùng

Chỉ số giá tiêu dùng tăng thấp: Nửa mừng, nửa lo

26/06/2013 - 01:59 CH

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 6-2013 của cả nước đã tăng 0,05% so với tháng trước và ghi nhận một thực tế là CPI đã tăng trưởng trở lại sau vài tháng giảm liên tiếp. Đây có thể là tín hiệu chứng tỏ nền kinh tế đã bắt đầu hồi phục.
Trong tháng 6, không có đột biến nào xảy ra như đã từng có trong những tháng trước đối với các nhóm hàng thành phần dùng để tính CPI. Một số yếu tố gây đột biến cho CPI trong các tháng trước như giá cả dịch vụ y tế, xăng dầu đã kịp bão hòa và đi vào cuộc sống. Cụ thể, giá dịch vụ y tế không đổi so với tháng trước, giá xăng dầu giảm nhẹ trong tháng 5 đã làm chỉ số giá nhóm giao thông giảm 0,09% (việc tăng giá xăng dầu ngày 14-6 chưa ảnh hưởng đến chỉ số giá tháng 6). Diễn biến giá cả của các nhóm hàng khác gần tương tự như tháng trước. Như vậy, tính chung 6 tháng đầu năm, CPI chỉ tăng 2,4% so với tháng 12-2012 và là mức thấp. Vậy, thực tế trên có đáng mừng hoặc có gây quan ngại gì không để bảo đảm sự vận hành suôn sẻ, lành mạnh của nền kinh tế trong thời gian tới, đồng thời tạo đà cho năm sau?
 
Xi măng là một trong những mặt hàng có lượng tồn kho nhiều, phần nào chứng tỏ hoạt động kinh tế thời gian qua chưa có nhiều khởi sắc. Ảnh: Thanh Hải

Phân tích tình hình thực tế, các chuyên gia đã đưa ra một số nhận định rất đáng quan tâm. Trước hết, CPI tăng rất thấp là một tín hiệu "tốt bởi nó thể hiện tình hình thị trường đang ổn định, nhất là đáp ứng được mục tiêu kiềm chế lạm phát vốn là yêu cầu hàng đầu trong chủ trương điều hành theo hướng ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội của Chính phủ xuyên suốt từ hơn hai năm qua. CPI tăng thấp đã và đang hỗ trợ phần lớn người dân duy trì mức sống thường nhật và vượt qua những khó khăn về thu nhập, việc làm (nhất là với người làm công ăn lương) trong thời buổi chi phí đầu vào luôn biến động, khó dự báo như thời gian qua. Mặt khác, khi giá cả tăng thấp sẽ tạo ra điều kiện tốt cho việc thực thi các biện pháp điều hành của Chính phủ, chính quyền cấp tỉnh, thành phố từ đó phát huy được các cơ chế ưu đãi, hỗ trợ và hiện thực hóa mục tiêu phát triển KT-XH trên diện rộng.

Chủ tịch Hội siêu thị Hà Nội Vũ Vinh Phú cho rằng, ngược với xu hướng CPI giảm trong các tháng trước, chỉ số này đã tăng rất thấp trong tháng 6 nhưng vẫn là tín hiệu mong manh, cho thấy nền kinh tế chưa thực sự phục hồi tăng trưởng. Thực tế cho thấy, CPI phải tăng khoảng 4-5% thì nhà sản xuất và kinh doanh mới "sống được" và có cơ hội chấm dứt tình trạng tồn kho vốn là mối đe dọa doanh nghiệp (DN) suốt hơn một năm qua. Thực tế đang đặt ra vấn đề là cơ quan chức năng cần có thêm biện pháp phù hợp để kích cầu tiêu dùng, kết hợp chống buôn lậu, hàng giả và thực hiện quyết liệt những giải pháp hỗ trợ DN một cách đồng bộ; đặc biệt là kích thích để tổng cầu tăng lên. Nếu CPI tiếp tục tăng thấp hoặc đảo chiều giảm xuống sẽ thật sự là mối đe dọa cho DN, thậm chí là tạo ra tâm lý e ngại về khả năng rơi vào giảm phát của nền kinh tế bởi tính chung CPI trong 6 tháng mới chỉ tăng có 2,4% so với tháng 12-2012. Ông Phú nhận định, có thể hy vọng ít nhiều vào chủ trương thực hiện lộ trình tăng lương trong thời gian tới cùng với những nỗ lực nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng sức cạnh tranh cho hàng hóa, dịch vụ của cộng đồng DN từ nay đến cuối năm.

Một số chuyên gia khác cũng nhất trí rằng, CPI tăng thấp là không kích thích được sản xuất cũng như tiêu dùng, khiến mức lợi nhuận của DN suy giảm trong khi họ đang rất cần vốn để thanh toán công nợ, tái cơ cấu đầu tư và đa dạng sản phẩm nhằm phục hồi sau khoảng thời gian sa sút vừa qua. CPI tăng thấp cũng là tác nhân gây ra sự trì trệ của hoạt động giao thương, nhất là buôn bán các mặt hàng nhu yếu phẩm; từ đó gây ảnh hưởng đến doanh thu của các hộ, đơn vị kinh doanh, nhà hàng, siêu thị và được phản ánh thông qua thực tế là tổng mức bán hàng hóa và doanh thu dịch vụ chỉ tăng ở mức rất thấp. Điều này sẽ quay lại tác động tiêu cực tới đời sống của những cá nhân, gia đình hoạt động trong lĩnh vực này.

Dự báo, nếu không có những biến động lớn trên thị trường quốc tế, nhất là về giá nguyên liệu phục vụ sản xuất trong nước gồm vải, phụ liệu ngành may, đặc biệt là xăng dầu và gas; kết hợp với việc giá gạo và thực phẩm trong nước vẫn ổn định như thời gian qua thì CPI cả năm 2013 có thể chỉ tăng khoảng 5-6%. Đây sẽ là mức thấp hơn mục tiêu của Quốc hội đề ra và thấp nhất trong gần 10 năm trở lại đây.
Theo Hanoimoi

Ý kiến của bạn

Thương hiệu vật liệu xây dựng