Cải tiến công nghệ, thay thế nguyên liệu
Nhiều năm trước, các doanh nghiệp sản xuất gạch tuynel sử dụng 100% đất sét để làm gạch, than là nhiên liệu làm khô gạch. Doanh nghiệp thường sử dụng công nghệ ép bán dẻo để sản xuất gạch tuynel. Thực tế này đã phát sinh nhiều hạn chế, bất cập như tốn nhiều nhân công, nguyên liệu, nhiên liệu đầu vào lớn, chi phí tăng cao. Quá trình đốt lò bằng than cũng phát sinh lượng khí CO2 ra môi trường lớn. Những năm gần đây, các doanh nghiệp sản xuất gạch tuynel đã có những cải tiến, đổi mới để khắc phục tình trạng này nhằm sản xuất bền vững hơn.
Nhà máy sản xuất gạch tuynel của Công ty TNHH Đồng Tâm ở xã Kỳ Sơn (Tứ Kỳ) đi vào hoạt động từ năm 2004. Từ năm 2018 đến nay, công ty đã đầu tư dây chuyền công nghệ, máy móc hiện đại hơn, chuyển đổi công nghệ sản xuất từ ép bán dẻo sang công nghệ ép bán khô. Công ty cũng từng bước thay thế nguồn nhiên liệu than bằng xít than, tro thải xỉ của các nhà máy nhiệt điện. Năm 2019, doanh nghiệp đầu tư lắp đặt các biến tần tại các mô tơ để tiết kiệm điện, giảm tiêu thụ điện năng, góp phần bảo vệ môi trường.
Là một trong những doanh nghiệp đi sau trong ngành sản xuất gạch tuynel nên trước khi đầu tư nhà máy tại Hải Dương, lãnh đạo Công ty CP Sản xuất và Dịch vụ thương mại vật liệu xây dựng Cường Thịnh 68 ở xã Tiền Tiến (TP Hải Dương) đã tìm hiểu hoạt động sản xuất gạch tuynel tại nhiều nước. Từ khi đi vào hoạt động năm 2018, công ty đã đầu tư 2 robot chuyên tạo khuôn gạch, là doanh nghiệp sản xuất gạch tuynel đầu tiên trong tỉnh sử dụng robot trong quá trình sản xuất. Ông Hoàng Thế Nhiên, Giám đốc công ty cho biết: “Trong bối cảnh nguồn lao động ngày càng khan hiếm, 2 robot tạo khuôn gạch thay thế cho gần 50 lao động, giúp công ty giảm khoảng 10 triệu đồng chi phí mỗi ngày”.
Từ năm 2021 khi Nhà máy Nhiệt điện BOT đi vào hoạt động ổn định, Công ty CP Bến Triều ở phường Thất Hùng (Kinh Môn) đã tận dụng chất thải xỉ của nhà máy để làm nguyên liệu sản xuất gạch tuynel. Ông Nguyễn Văn Hưng, Giám đốc công ty chia sẻ, trước đây trung bình mỗi tháng doanh nghiệp sử dụng 4.000 - 5.000 m3 đất sét nhưng từ khi sử dụng nguyên liệu thay thế, lượng đất sét sử dụng giảm khoảng 40%. “Công ty cũng đã sử dụng công nghệ tuần hoàn khí thải trong sản xuất gạch tuynel. Lượng nhiệt, khí thải thoát ra trong quá trình nung gạch được thu trở lại để phục vụ việc sấy khô. Vì vậy, chỉ có hơi nước thoát ra môi trường”, ông Hưng nói.
Toàn tỉnh Hải Dương hiện có khoảng 30 nhà máy sản xuất gạch tuynel, kết quả quan trắc môi trường định kỳ cho thấy các chỉ số đều bảo đảm quy định.
Hiệu quả thiết thực
Việc chuyển đổi công nghệ từ ép bán dẻo sang ép bán khô của Công ty TNHH Đồng Tâm giúp giảm tỷ lệ nước trong gạch mộc, giảm thời gian phơi sấy khô, tiết kiệm được 40% số nhân công. “Sử dụng công nghệ mới và nhiên liệu thay thế đã giúp công ty nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng sức cạnh tranh trên thị trường, đồng thời tiết kiệm được từ 25 - 30% chi phí đầu vào”, ông Vũ Văn Hạt, Giám đốc công ty cho biết.
Bên cạnh mục tiêu về sản lượng, doanh thu, Công ty CP Sản xuất và Dịch vụ thương mại vật liệu xây dựng Cường Thịnh 68 còn hướng tới mục tiêu phát triển bền vững, thân thiện môi trường. Vì vậy từ năm 2020, công ty đã tận dụng phế thải làm nguyên liệu sản xuất gạch tuynel. Công ty mua gạch vỡ, vật liệu thải hồi trong ngành xây dựng để nghiền nhỏ trộn với đất sét làm nguyên liệu sản xuất gạch. Đơn vị đã cắt giảm được khoảng 30% khối lượng đất sét sử dụng trong sản xuất. Từ năm 2020 đến nay, công ty đã thay thế 100% nguyên liệu than bằng tro bay, xỉ thải của các nhà máy nhiệt điện. Doanh nghiệp cũng đầu tư lò sấy gạch dài khoảng 150 m, dài hơn 50% so với lò sấy truyền thống, đồng thời nâng cao chiều dài ống khói. Các giải pháp này đã góp phần xử lý triệt để lượng khí CO2 thoát ra môi trường và tiết kiệm nguồn nhiên liệu sử dụng.
Những năm qua, việc thực hiện xóa bỏ các lò gạch thủ công đã được Hải Dương thực hiện rất quyết liệt, trên địa bàn tỉnh không còn cơ sở sản xuất gạch bằng lò thủ công lạc hậu. Hiện toàn tỉnh có khoảng 30 nhà máy sản xuất gạch tuynel. Việc cải tiến công nghệ, sử dụng nguyên liệu thay thế, tiết kiệm năng lượng của các doanh nghiệp sản xuất gạch tuynel nói trên là hướng phát triển bền vững, đem lại hiệu quả kinh tế, được tỉnh khuyến khích.
Ông Vũ Mạnh Tưởng, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường (Sở Tài nguyên và Môi trường) cho biết: “Nhiều năm nay, việc phản ánh về tình trạng ô nhiễm môi trường của các nhà máy sản xuất gạch tuynel đã giảm mạnh. Đặc biệt là hơn 2 năm nay, chi cục chưa nhận được phản ánh nào của người dân về việc nhà máy sản xuất gạch tuynel được tỉnh chấp thuận gây ô nhiễm môi trường. Các doanh nghiệp này đều tuân thủ việc quan trắc môi trường định kỳ. Kết quả quan trắc cho thấy các chỉ số môi trường đều bảo đảm quy định”.
VLXD.org (TH/ Báo Hải Dương)