Cá cược game - Game Thể Thao 24H

Thông báo Việc làm Hỏi đáp chuyên ngành

Doanh nghiệp

Nâng cao hiệu quả xuất khẩu - Bài toán cho các doanh nghiệp xi măng

22/01/2021 - 03:25 CH

Mặc dù phải đối mặt với dịch bệnh hoành hành trong cả năm nhưng xuất khẩu xi măng và clinker đã có cú lội ngược dòng để đạt được con số kỷ lục trong năm 2020, song các doanh nghiệp xi măng vẫn phải tiếp tục đối mặt với bài toán nâng cao hiệu quả xuất khẩu trong năm 2021.

Năm 2020 là năm kỷ lục về xuất khẩu của ngành xi măng nước ta, tính từ thời điểm ngành này bắt đầu tham gia xuất khẩu (năm 2010). Lần đầu tiên, sản lượng xuất khẩu đạt 39 triệu tấn, vượt xa mốc 34 triệu tấn của năm 2019, mang về 1,46 tỷ USD. Trong khi nhiều mặt hàng xuất khẩu sụt giảm rất mạnh do dịch bệnh, thì mặt hàng xi măng và clinker đã lội ngược dòng, tăng 5 triệu tấn. So với năm 2019, sản lượng xuất khẩu tăng 13% và trị giá tăng 5,5%.

Không khó để thấy, xuất khẩu xi măng, clinker tăng trưởng mạnh trong năm 2020 nhờ vào thị trường Trung Quốc. Mức tăng trưởng mạnh nhất diễn ra từ tháng 5 đến tháng 9, với tốc độ tăng trưởng 47%. Tính chung cả năm 2020, xuất khẩu sang thị trường này đạt gần 22 triệu tấn, tăng 5 triệu tấn so với năm 2019. Tuy nhiên, điểm đáng lưu ý là giá xuất khẩu xi măng trung bình sang Trung Quốc chỉ đạt khoảng 33,2 USD/tấn, thấp hơn giá xuất khẩu trung bình trong năm 2020 (đạt khoảng 37,2 USD/tấn).



Thị trường chủ lực tiếp theo là Philippines, tăng 26% so với cùng kỳ, với khoảng 7,3 triệu tấn; trong khi xuất khẩu sang Bangladesh bị sụt giảm tới 46%, với sản lượng chỉ 2 triệu tấn. Các thị trường còn lại là Đài Loan, Pêru… Cần phải nói thêm, sau nhiều năm nhập khẩu, từ năm 2010, Việt Nam bắt đầu xuất khẩu xi măng và clinker. Xuất khẩu xi măng tăng trưởng nhanh và ấn tượng, đưa Việt Nam trở thành quốc gia xuất khẩu xi măng đứng đầu khu vực Đông Nam Á.

Năm 2018 và 2019 chứng kiến tốc độ tăng trưởng xuất khẩu mạnh mẽ của ngành xi măng, với sản lượng vượt 30 triệu tấn/năm. Năm 2018 là năm đầu tiên, xi măng, clinker gia nhập “câu lạc bộ” xuất khẩu tỷ USD, với tổng kim ngạch đạt 1,246 tỷ USD và sản lượng 32 triệu tấn. Năm 2019, xi măng, clinker xuất khẩu đạt sản lượng xấp xỉ 34 triệu tấn, trị giá 1,394 tỷ USD. Đến năm 2020, xuất khẩu xi măng tiếp tục đạt được những con số ấn tượng.
 
TS. Nguyễn Quang Cung, Chủ tịch Hiệp hội Xi măng Việt Nam đánh giá, hoạt động xuất khẩu tăng trong thời gian qua, nhưng không ổn định, tiềm ẩn rủi ro lớn. Ngoài Việt Nam, nhiều quốc gia đang gia tăng cạnh tranh trên thị trường xuất khẩu như Indonesia, Thổ Nhĩ Kỳ và các nước Trung Đông. Đây là những quốc gia mặc dù có chi phí sản xuất cao hơn so với xi măng Việt Nam, nhưng do áp lực dư thừa sản xuất tại các nước này quá lớn, nên đã giảm mạnh giá bán để cạnh tranh thị phần xuất khẩu. 

Trên thực tế, hoạt động xuất khẩu xi măng, clinker của Việt Nam được mở rộng nhanh trong một thập kỷ trở lại đây, nhưng hiệu quả xuất khẩu lại không tỷ lệ thuận với sản lượng ngày càng gia tăng.

Cụ thể, trong 10 năm (2010 - 2019), sản lượng xi măng, clinker xuất khẩu đã tăng gấp 30 lần, đóng góp tới 32% tổng tiêu thụ toàn ngành và giúp Việt Nam dẫn đầu Thế giới về xuất khẩu xi măng. Tuy nhiên, các các doanh nghiệp chủ yếu xuất khẩu clinker (dạng sản phẩm thô của xi măng) có giá trị rất thấp. Mức giá xuất khẩu (FOB) trung bình tại cảng của Việt Nam chỉ đạt gần 38,5 USD/tấn (thấp hơn tới 10% so với giá bán xi măng trong nước), do các doanh nghiệp liên tục phải giảm mạnh giá thành để cạnh tranh trên thị trường xuất khẩu.

Theo nhận định của Công ty cổ phần Chứng khoán SSI, dù dịch bệnh Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp tại nhiều quốc gia, nhưng sản lượng xuất khẩu trong năm 2021 được kỳ vọng duy trì ổn định, do nhu cầu xi măng của thị trường Trung Quốc sẽ vẫn tích cực nhờ hoạt động đầu tư hạ tầng tại quốc gia này. Tuy nhiên, xuất khẩu sẽ khó đạt được mức tăng trưởng mạnh mẽ như trong năm 2020, do nguồn cung ở Trung Quốc dần ổn định trở lại, chưa kể, do giá xuất khẩu xi măng bình quân sang Trung Quốc thấp hơn các thị trường khác, nên việc tăng xuất khẩu vào thị trường này sẽ không hiệu quả.

Nhưng, xét về cung cầu xi măng, trong điều kiện nguồn cung trong nước dư thừa khoảng 40 triệu tấn/năm, nếu không xuất khẩu, các doanh nghiệp trong ngành sẽ gặp hệ lụy lớn vì tồn kho, nợ xấu. Vì vậy, dù giá không hấp dẫn, Việt Nam vẫn lựa chọn xuất khẩu hơn là chấp nhận cảnh dư thừa, hàng sản xuất ra nằm trong kho.

Mặt trái của xuất khẩu xi măng mà ai cũng thấy là mức tăng trưởng nhanh về xuất khẩu trong những năm qua phần lớn đến từ Trung Quốc cũng ẩn chứa nhiều rủi ro.

Sự phụ thuộc xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc ngày càng tăng có thể là một mối lo ngại, đặc biệt là khi chính sách tài khóa tại quốc gia này có thể bị thắt chặt lại trong tương lai, Công ty Chứng khoán SSI nhận định. Trong khi đó, cơ hội để mở rộng xuất khẩu sang một số thị trường mới và có nhu cầu nhập xi măng lớn như Ấn Độ, Mỹ lại chưa được doanh nghiệp xi măng khai thác thành công và cũng không dễ thành hiện thực trong tương lai gần.

Đồng thời, những năm tới, với xu hướng thị trường xi măng Thế giới bão hòa nhanh, nhu cầu nhập khẩu xi măng sẽ suy giảm và có xu hướng chuyển sang cạnh tranh về xuất khẩu. Không loại trừ, Trung Quốc có thể sẽ quay lại thời kỳ xuất siêu xi măng trong những năm tới, trở thành một khu vực cạnh tranh mạnh về xuất khẩu xi măng và ảnh hưởng tới triển vọng xuất khẩu của các doanh nghiệp Việt Nam.

VLXD.org (TH)

Ý kiến của bạn

Thương hiệu vật liệu xây dựng