Mục tiêu tổng quát của Chiến lược nhằm tập trung đầu tư và phát triển các sản phẩm vật liệu xây dựng có thế mạnh của thành phố. Nghiên cứu phát triển đa dạng các chủng loại sản phẩm vật liệu vây dản xuất vật liệu xây dựng, các sản phẩm có hiệu quả kinh tế cao. Đưa công nghệ tiên tiến hiện đại vào sản xuất để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm.
Phát triển vật liệu xây dựng đảm bảo nguồn cung vật liệu cho xây dựng cho công trình hạ tầng kỹ thuật, phát triển kinh tế trên địa bàn thành phố, khu vực đồng thời kiểm soát chặt chẽ hoạt động xuất khẩu vật liệu xây dựng.
Phân bố đồng đều mạng lưới cơ sở tập kết, kinh doanh vật liệu xây dựng; khai thác, chế biến khoáng sản làm vật liệu xây dựng đảm bảo cân đối cung - cầu trên cơ sở nguồn khoáng sản của thành phố; cân đối sử dụng để đảm bảo dự trữ tài nguyên khoáng sản phục vụ nhu cầu phát triển ngành vật liệu xây dựng trước mắt và lâu dài. Loại bỏ hoàn toàn công nghệ sản xuất lạc hậu.
Định hướng đến năm 2050 ngành sản xuất vật liệu xây dựng của thành phố được tự động hóa hoàn toàn trong quá trình sản xuất; tận dụng tối đa phế thải, rác thải làm nguyên liệu, nhiên liệu trong sản xuất và trở thành ngành công nghiệp xanh, bền vững.
Cạnh đó, căn cứ từ tiềm năng khoáng sản làm vật liệu xây dựng, tập quán sử dụng vật liệu xây dựng của Nhân dân và nhu cầu thị trường trong và ngoài nước thành phố, Chiến lược đề ra mục tiêu phát triển cụ thể đối với một số chủng loại vật liệu gồm: xi măng; gạch đất sét nung; vật liệu xây không nung; gạch gốm ốp lát; kính xây dựng và các sản phẩm kính; vật liệu lợp; cát sỏi xây dựng; bê tông; vật liệu san lấp và một số chủng loại vật liệu xây dựng khác.
Để thực hiện hiệu quả các mục tiêu nói trên, Chiến lược đề ra 7 nhóm giải pháp thực hiện:
Về công tác tuyên truyền, phổ biến và xây dựng cơ chế chính sách, cần phổ biến rộng rãi cho các ngành, các cấp chính quyền, các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh biết hiếu rõ nội dung Chiến lược và thực hiện; Phân cấp rõ ràng để tăng cường hiệu lực quản lý và hoạt động sản xuất, khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng.
Đồng thời, xây dựng cơ chế chính sách, sửa đổi các văn bản pháp luật, khuyến khích nâng cấp chuyển đổi công nghệ mới để tăng năng suất, chất lượng; sử dụng tiết kiệm tài nguyên, năng lượng; nâng cao tỷ lệ sử dụng nguyên liệu phi truyền thống, giảm lượng phát thải để bảo vệ môi trường. Có lộ trình hạn chế, tiến tới dừng hoạt động các cơ sở sản xuất công nghệ lạc hậu, kém hiệu quả kinh tế gây ô nhiêm môi trường; Tăng cường giám sát để chấm dứt các hoạt động sản xuất vật liệu xây dựng không phép, trái phép và sử dụng các công nghệ lạc hậu, gây ô nhiễm môi trường; Tuyên truyền, phổ biến các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến lĩnh vực vật liệu xây dựng, chính sách ưu đãi, hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư sản xuất và sử dụng vật liệu xây dựng xanh, thân thiện môi trường.
Kiểm soát chặt chẽ việc thực hiện các cam kết bảo vệ môi trường, việc thực hiện kiểm soát các chỉ tiêu môi trường, kịp thời xử lý các doanh nghiệp vi phạm để phát triển ngành sản xuất vật liệu xây dựng an toàn và bền vững;
Tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh và năng lực cạnh tranh; quan tâm đào tạo và phát triển lao động có kỹ thuật cao; Có chính sách khuyến khích, ưu đãi các nhà đầu tư vào phát triển vật liệu xây dựng, đầu tư đổi mới công nghệ sản xuất. Đặc biệt ưu tiên cho các sản phẩm có hàm lượng khoa học kỹ thuật cao, các sản phẩm mới có giá trị kinh tế cao.
Về giải pháp thác tài nguyên khoáng sản hiệu quả, tiết kiệm, Chiến lược nêu rõ cần tổ chức thực hiện phương án bảo vệ, khai thác, sử dụng khoáng sản giai đoạn 2021 - 2030, định hướng đến năm 2050 đã được phê duyệt; Nâng cao hiệu quả sử dụng tài nguyên khoáng sản; sử dụng tiết kiệm nguyên liệu trong sản xuất vật liệu xây dựng; hoàn nguyên môi trường các khu mỏ khoáng sản khi kết thúc khai thác theo quy định hiện hành;
Sử dụng phế thải phá dỡ công trình xây dựng, phế thải giao thông, bùn thải nạo vét (nạo vét lòng sông, cửa biển, cảng biển, cảng thủy nội địa...) làm nguyên liệu thay thế cho một số nguyên liệu truyền thống trong sản xuất vật liệu xây dựng tạo thành nguồn cung cấp nguyên liệu ổn định, bền vững cho phát triển sản xuất vật liệu xây dựng của thành phố.
Đối với giải pháp về khoa học, công nghệ, cần tổ chức nghiên cứu, ứng dụng công nghệ khai thác mỏ tiên tiến, an toàn, hiệu quả, giảm thiểu các yếu tố ảnh hưởng đến môi trường; tổ chức thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng khoáng sản làm vật liệu xây dựng có tính đến hiến đổi khí hậu; Nghiên cứu phát triển sản phẩm mới, công nghệ mới, sử dụng nguyên liệu, nhiên liệu thay thế nâng cao năng suất chất lượng giảm giá thành sản phẩm, phù hợp với công nghệ thi công xây dựng hiện đại để giảm giá thành công trình xây dựng;
Khuyến khích doanh nghiệp tham gia hội nghị, hội thảo khoa học công nghệ trong nước và quốc tế, hợp tác nghiên cứu khoa học; tham gia các tổ chức về tiêu chuẩn, các Hiệp hội để trao đổi, ứng dụng, chuyển giao các tiến bộ khoa học công nghệ trong sản xuất các loại vật liệu xây dựng mới; Liên kết với các Viện nghiên cứu, các trung tâm tư vấn đầu tư phát triển vật liệu xây dựng trong nước và nước ngoài, nghiên cứu ứng dụng các loại công nghệ sản xuất vật liệu xây dựng mới;
Tiếp tục đẩy mạnh triển khai chính sách hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới công nghệ, chính sách hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, chính sách hỗ trợ đăng ký bảo hộ sở hữu trí tuệ đối với các đối tượng liên quan đến lĩnh vực phát triển vật liệu xây dựng.
Về thị trường, hiện Đà Nẵng có lợi thế giao thông đường biển, đường thủy, đường bộ, đường sắt, đường hàng không; giao thương hàng hoá của thành phố với các tỉnh, thành khác trong nước và quốc tế khá thuận lợi. Theo đó, việc vận chuyển, xuất nhập khẩu vật liệu xây dựng trên địa bàn thành phố sẽ tạo ra thị trường có tiềm năng.
Do đó, Chiến lược đề xuất các giải pháp về thị trường như: Tăng cường quảng bá sản phẩm vật liệu xây dựng của thành phố nhằm thúc đẩy thị trường tiêu thụ nội địa; đẩy mạnh xây dựng thương hiệu quốc gia cho các sản phẩm vật liệu xây dựng chủ lực của thành phố có lợi thế cạnh tranh trên thị trường trong nước và quốc tế; Nâng cao chất lượng và đa dạng hóa mẫu mã, chủng loại sản phẩm đáp ứng nhu cầu thị trường của thành phố, trong nước và xuất khẩu; Tăng cường xuất khẩu các chủng loại sản phẩm vật liệu xây dựng có giá trị kinh tế cao, sử dụng tiết kiệm tài nguyên khoáng sản, nhiên liệu, năng lượng.
Về nguồn lực lao động, thực tế hiện nay, ngành công nghiệp vật liệu xây dựng thành phố Đà Nẵng phát triển theo hướng sử dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại. Do đó, đòi hỏi phải có đội ngũ cán bộ khoa học kỹ thuật, công nhân có tay nghề, trình độ chuyên môn, ngoại ngữ cao để làm chủ công nghệ.
Như vậy, công tác đào tạo nguồn nhân lực có vai trò quan trọng trong công nghiệp hóa, hiện đại hóa ngành, trong đó tập trung vào các lĩnh vực chủ đạo: Đào tạo đội ngũ công nhân kỹ thuật, ngoại ngữ, quản lý kinh tế, marketing, pháp luật, hội nhập quốc tế, xuất nhập khẩu cho đội ngũ quản lý và chủ doanh nghiệp, để nắm bắt thời cơ, chủ động cạnh tranh và hội nhập thị trường trong nước và quốc tế; Đa dạng hoá hình thức hợp tác đào tạo theo hướng gắn kết giữa các trường đại học, cao đẳng với các doanh nghiệp để đào tạo lý thuyết và thực hành tại nhà máy sản xuất, tiếp cận tiến bộ khoa học công nghệ ngay từ khi đào tạo;
Song song với việc đào tạo, sử dụng lao động, các doanh nghiệp cần có các chính sách tiền lương, đãi ngộ tốt với người lao động, để thu hút, tuyển dụng các nhân sự chất lượng cao về làm việc tại địa phương. Phân công công tác, sắp sếp lao động phù hợp vói trình độ chuyên môn, tạo điều kiện để người lao động phát huy năng lực và gắn bó lâu dài với công việc.
Đối với nguồn vốn đầu tư cho phát triển sản xuất vật liệu xây dựng, các dự án đầu tư sản xuất vật liệu xây dựng nói chung ít thuộc phạm vi đều chỉnh của nguồn vốn ngân sách, vốn tín dụng ưu đãi của Nhà nước. Nguồn vốn đầu tư trong lĩnh vực vật liệu xây dựng chủ yếu là nguồn huy động trong và ngoài thành phố của mọi thành phần kinh tế cũng như kêu gọi nguồn vốn đầu tư nước ngoài.
Trong đó, để thu hút các nguồn vốn đầu tư nước ngoài cần xúc tiến đầu tư, chuẩn bị danh mục các dự án kêu gọi đầu tư, hướng dẫn cụ thể về thủ tục đầu tư, địa điểm, hạ tầng cơ sở, khả năng cung ứng nguyên, nhiên liệu, tiện ích giao thông, chính sách ưu đãi đầu tư và kèm theo yêu cầu chuyển giao công nghệ mới, sản phẩm vật liệu xây dựng mới;
Đối với huy động vốn đầu tư trong nước, cần định hướng đầu tư xây dựng trong các khu công nghiệp và sản xuất các chủng loại vật liệu xây dựng có giá trị kinh tế cao như: vật liệu lợp thông minh, tấm ốp nhôm, ván sàn, cửa nhựa, vật liệu composite, vật liệu trang trí hoàn thiện…
Về công tác bảo vệ môi trường trong hoạt động sản xuất, cần tăng cường phổ biến rộng rãi các văn bản quy phạm pháp luật về bảo vệ môi trường.
Để phát triển bền vững, các dự án đầu tư mới, nâng cấp công nghệ phải có định hướng và kiểm soát chặt chẽ về công nghệ sản xuất tiên tiến, hiện đại và bố trí vào các khu công nghiệp tập trung để có phương án xử lý ô nhiễm về bụi, tiếng ồn và chất thải; Thực hiện giám sát công tác bảo vệ môi trường tại các cơ sở khai thác khoáng sản, chế biến nguyên liệu, các nhà máy sản xuất vật liệu xây dựng theo đúng quy định; tiến tới áp dụng các phương pháp giám sát hiện đại, tự động, kết nối trực tuyến với cơ quan chức năng quản lý môi trường;
Đồng thời, tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc thực hiện các cam kết trong báo cáo đánh giá tác động môi trường, kế hoạch bảo vệ môi trường và an toàn lao động của các cơ sở khai thác nguyên liệu và sản xuất vật liệu xây dựng. Xử lý nghiêm các cơ sở sản xuất không thực hiện đầy đủ các quy định pháp luật về bảo vệ môi trường;
Các doanh nghiệp cần chú ý cải thiện không gian làm việc, thiết kế nhà xưởng đảm bảo thông thoáng, thông gió tự nhiên kết hợp với thông gió cưỡng bức, vệ sinh nhà xưởng, kho bãi thường xuyên để thu gom sản phẩm và nguyên liệu rơi vãi, tạo môi trường làm việc tốt cho người lao động.
Nguồn: ximang.vn (TH/ CTT Đà Nẵng)