Cơ sở khai thác đá làm vật liệu xây dựng thông thường của Công ty CP Thanh Nhàn, xã Thạch Khoán, huyện Thanh Sơn được quản lý hoạt động theo quy định của pháp luật.
Đồng chí Nguyễn Khắc Định, Trưởng Phòng Khoáng sản và Tài nguyên nước, Sở TN&MT cho biết, trên cơ sở Luật Khoáng sản và các nghị định hướng dẫn thi hành, Sở TN&MT đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành nhiều văn bản cụ thể hóa các văn bản của Trung ương, Tỉnh ủy, HĐND tỉnh về việc thực hiện chính sách pháp luật trong công tác quản lý, khai thác, sử dụng khoáng sản, trong đó có nhóm khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường như: Quy chế phối hợp và trách nhiệm các ngành, các cấp, các tổ chức, cá nhân trong hoạt động khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh Phú Thọ; phê duyệt phương án bảo vệ khoáng sản chưa khai thác. Các cơ quan chức năng, UBND cấp huyện, cấp xã đã nghiêm túc triển khai, tổ chức thực hiện công tác quản lý các hoạt động khoáng sản theo quy định của pháp luật, các văn bản chỉ đạo của cấp trên.
Công tác quản lý hoạt động khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường của tỉnh được triển khai thực hiện đồng bộ, đảm bảo hiệu quả ở các khâu, trong đó việc lập, trình, phê duyệt quy hoạch thăm dò, khai thác, sử dụng, khoanh định khu vực khoáng sản vật liệu xây dựng thông thường được chú trọng, làm cơ sở cho việc quản lý cấp phép khai thác đảm bảo đúng quy định của pháp luật. UBND tỉnh đã phê duyệt Quy hoạch thăm dò, khai thác, sử dụng khoáng sản nói chung trên địa bàn tỉnh đến năm 2020 định hướng 2030 và riêng nhóm khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường. Địa bàn tỉnh hiện có 96 giấy phép khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường còn hiệu lực. Song hành với đó, UBND tỉnh cũng đã chỉ đạo các sở, ngành lập, rà soát khu vực cấm, tạm cấm hoạt động khoáng sản trên địa bàn tỉnh.
Công tác đấu giá quyền khai thác khoáng sản đã được Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh tăng cường chỉ đạo; các sở, ngành, cơ quan, đơn vị liên quan phối hợp thực hiện, đảm bảo đúng nguyên tắc, trình tự, thủ tục theo quy định của pháp luật, góp phần đảm bảo tốt quyền lợi của khách hàng tham gia đấu giá, tăng thu ngân sách địa phương. Theo thẩm quyền, tỉnh đã phê duyệt kế hoạch đấu giá quyền khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng tại 37 khu vực; trong đó đã thực hiện đấu giá thành công 34 khu vực, thu ngân sách khoảng 77.000 tỷ đồng.
Nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động khai thác, sử dụng khoáng sản vật liệu xây dựng thông thường và Nhân dân, tạo thuận lợi trong công tác quản lý của các cơ quan chuyên môn, cấp chính quyền, công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về khoáng sản được quan tâm thực hiện. UBND cấp huyện, xã có nhiều nỗ lực thực hiện các biện pháp; các tổ chức chính trị - xã hội, đoàn thể đã vào cuộc, thường xuyên tuyên truyền, vận động Nhân dân không tham gia khai thác, mua bán, vận chuyển trái phép khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường... Từ đó, các vụ việc khai thác, vận chuyển khoáng sản trái phép ở nhiều nơi đã được phát hiện, ngăn chặn, giải quyết kịp thời.
Thời gian tới, tỉnh tiếp tục chỉ đạo các cấp, ngành nâng cao năng lực, hiệu quả công tác quản lý hoạt động khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường, tạo thuận lợi phát triển ngành công nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng theo hướng bền vững, đảm bảo hài hòa các yếu tố về hiệu quả kinh tế, hiệu quả xã hội, bảo vệ môi trường.
VLXD.org (TH/ Báo Phú Thọ)