Cá cược game - Game Thể Thao 24H

Thông báo Việc làm Hỏi đáp chuyên ngành

Tin quốc tế

Thị trường đất hiếm: Thực trạng và triển vọng

31/05/2011 - 11:58 SA

Từ đầu năm 2011 đến nay, giá của một số loại đất hiếm trên thị trường thế giới đã tăng gấp đôi sau khi tăng 4 lần trong năm 2010.
Trên thị trường giao ngay, giá 1 ki lô gam neodymium, dùng trong động cơ điện của xe hơi hybrid, đã tăng lên 283 đô la Mỹ từ mức 42 đô la một năm về trước.

Tương tự, giá samarium, dùng trong tên lửa, đã tăng lên 146 đô la Mỹ/ki lô gam, từ mức 18,5 đô la Mỹ/ki lô gam. Không có loại nguyên liệu hay hàng hóa nào khác có tốc độ tăng phi mã như vậy.

Xung đột cung - cầu

Xu thế tăng giá này - phản ánh sự mất cân đối cung cầu nghiêm trọng trên thị trường - chưa có dấu hiệu dừng lại và tác động tiêu cực đến hoạt động sản xuất công nghệ cao trên khắp thế giới nhưng ít được người tiêu dùng chú ý vì dù đất hiếm được dùng trong hầu hết các thiết bị điện tử nhưng số lượng đất hiếm trong mỗi sản phẩm không nhiều.

Ông Dudley Kingsnorth, Giám đốc điều hành công ty tư vấn về khoáng sản công nghiệp của Úc (IMCOA), dự báo, nhu cầu đất hiếm sẽ tăng gấp đôi trong mười năm tới, từ 124.000 tấn năm 2010 lên 250.000 tấn năm 2020; các công ty Nhật tiêu thụ một nửa số đó. Trong khi đó, ở phương diện cung, Trung Quốc - nước cung cấp 95% sản lượng đất hiếm của thế giới - đang ra sức hạn chế xuất khẩu mặt hàng này, để dành cho các ngành công nghiệp kỹ thuật cao của chính họ.

Số liệu của Hải quan Trung Quốc cho thấy từ tháng 9 đến tháng 11 năm ngoái, khi xảy ra vụ tranh chấp chủ quyền Nhật-Trung liên quan tới đảo Senkaku-Điếu Ngư, việc xuất khẩu đất hiếm sang Nhật Bản hoàn toàn bị đình trệ. Sang đầu năm nay, Trung Quốc vừa hạ thấp hạn ngạch xuất khẩu đất hiếm vừa tăng thuế, theo đó, thuế xuất khẩu đất hiếm tăng từ 15% lên 25%, thuế tài nguyên tăng từ 0,5 đô la Mỹ/ki lô gam lên 8 đô la Mỹ/ki lô gam, có hiệu lực từ ngày 1-4 vừa qua. Có những nguồn tin cho biết Trung Quốc đang nỗ lực xây dựng nguồn dự trữ đất hiếm chiến lược nhằm qua đó tăng cường sự kiểm soát đối với thị trường đất hiếm.

Chính sách hạn chế xuất khẩu của Trung Quốc khiến nguồn cung đất hiếm trên thị trường toàn cầu bị sụt giảm nghiêm trọng, đẩy giá cả lên cao và khiến thế giới phải phụ thuộc nhiều hơn vào Trung Quốc. Thực trạng này đã gióng lên hồi chuông báo động ở nhiều nước công nghiệp phát triển, nhất là sau khi Trung Quốc đơn phương “cấm vận” việc cung cấp đất hiếm cho Nhật Bản tháng 10 năm ngoái.

Nền công nghiệp kỹ thuật cao của Nhật bị ảnh hưởng nặng nhất vì 92% lượng đất hiếm mà các tập đoàn này sử dụng được nhập khẩu từ Trung Quốc. Theo số liệu mà Công ty Sojitz - một trong những nhà nhập khẩu đất hiếm lớn nhất Nhật Bản - công bố trước khi xảy ra động đất thì nhu cầu đất hiếm của nước này đang tăng rất nhanh, trong khi lượng nhập khẩu từ Trung Quốc ngày càng giảm. Năm 1995, Nhật Bản tiêu thụ 7.654 tấn đất hiếm, tăng lên 13.690 tấn năm 2000 và 18.855 tấn năm 2005. Tháng 12 năm ngoái, sau khi Trung Quốc nối lại việc xuất khẩu đất hiếm, Nhật Bản nhập khẩu được 4.080 tấn; nhưng con số này giảm xuống 1.783 tấn trong tháng 1-2011 và 1.138 tấn trong tháng 2-2011; dự báo năm nay Nhật Bản cần tới 32.000 tấn đất hiếm (xem bảng).

Nhật Bản: gian nan đi tìm đất hiếm

Do sớm nhận ra nguy cơ của sự phụ thuộc này, ngay từ năm 2007, các tập đoàn công nghiệp Nhật đã nỗ lực tìm kiếm các nguồn đất hiếm khác ngoài Trung Quốc, thành lập các liên doanh hoặc ký hợp đồng với các nước có mỏ đất hiếm. Chính phủ Nhật Bản đứng đằng sau hỗ trợ các tập đoàn công nghiệp. Theo ông Shigeo Nakamura, Chủ tịch tập đoàn Advanced Material Japan, Chính phủ Nhật đã lập ra một chương trình tài trợ trị giá 1,25 tỉ đô la Mỹ giúp các doanh nghiệp ứng phó với sự gián đoạn nguồn cung đất hiếm; trong đó có 490 triệu đô la dành cho việc cải tiến sản xuất đất hiếm thông qua đổi mới công nghệ và 370 triệu đô la hỗ trợ các liên doanh khai thác đất hiếm ở nước ngoài. Nhật Bản cũng có kế hoạch đầu tư tiền bạc vào nghiên cứu và phát triển các loại vật liệu thay thế đất hiếm.

Tháng 10 năm ngoái, khi nguồn cung đất hiếm cho Nhật bị Trung Quốc “cấm vận”, hai công ty Nhật là Toyota Tsusho - đơn vị chuyên mua sắm nguyên liệu cho tập đoàn xe hơi Toyota - và Sojitz đã công bố thành lập một liên doanh với tập đoàn Than và Khoáng sản Việt Nam để khai thác đất hiếm tại mỏ Đồng Pao, tỉnh Lai Châu. Theo bà Cindy Hurst, chuyên gia về đất hiếm của quân đội Mỹ, dự án này đang gặp trở ngại về thủ tục triển khai nhưng một lãnh đạo của Toyota Tsusho hy vọng sẽ có được giấy phép hoạt động ở Việt Nam trong mùa hè này và việc sản xuất có thể khởi sự vào đầu năm 2013. Một công ty Nhật khác là Sumitomo Corporation cũng đã thực hiện nghiên cứu khả thi về một mỏ đất hiếm tại Yên Bái và cũng có thể bắt đầu sản xuất vào năm 2013.

Ngoài Việt Nam, Công ty Sojitz cũng ký hợp đồng với tập đoàn khai khoáng Lynas - chủ sở hữu mỏ đất hiếm Mount Weld ở Úc; Công ty Mitsubishi ký hợp đồng với tập đoàn Molycorp - chủ mỏ đất hiếm Mountain Pass ở California, Mỹ và nhiều hợp đồng tương tự ở Kazakhstan, Namibia, Ấn Độ và Mông Cổ.

Nhưng đáng chú ý nhất là nỗ lực đầy tham vọng xây dựng nhà máy tinh chế đất hiếm lớn nhất thế giới ở Malaysia, do Lynas, Sojitz và Sumitomo hợp tác đầu tư, dự kiến bắt đầu hoạt động vào mùa thu này.

Nhà máy ở Malaysia đang được xây dựng gần thành phố cảng Kuantan, chuyên tinh chế quặng đất hiếm khai thác ở Úc để cung cấp cho thị trường Nhật.

Tuy nhiên, theo báo New York Times, dự án đang bị ách tắc do Chính phủ Malaysia chưa phê duyệt kế hoạch xử lý hàng ngàn tấn chất thải có chứa phóng xạ ở mức độ thấp mà nhà máy sẽ thải ra hàng năm trong quá trình hoạt động và sự phản đối của người dân trong vùng. Cho dù tháo gỡ được vướng mắc này, nhà máy đất hiếm ở Malaysia cũng không thể bắt đầu hoạt động trước cuối tháng 9 năm nay.

Nhật Bản cũng nỗ lực tái chế đất hiếm từ các sản phẩm điện tử phế thải, nhưng kết quả thu được từ một nhà máy tái chế của Công ty Dowa Holdings ở vùng Tây Bắc Nhật Bản tỏ ra không được như kỳ vọng. Để thu được 1 gram neodymium cần phải tái chế 1.000 chiếc điện thoại di động cũ và đó là việc làm không kinh tế.

Cái lý của Trung Quốc


Mỹ, Liên hiệp châu Âu và Nhật Bản đang xem xét kiện Trung Quốc lên Tổ chức Thương mại thế giới WTO, cáo buộc Bắc Kinh hạn chế xuất khẩu bằng chính sách thuế và hạn ngạch, sử dụng vị thế độc quyền làm vũ khí thương mại, buộc các doanh nghiệp nước ngoài phải chuyển hoạt động sản xuất công nghệ cao tới Trung Quốc. Về phần mình, Trung Quốc giải thích rằng việc hạn chế xuất khẩu đất hiếm có mục đích bảo vệ môi trường và tài nguyên thiên nhiên vì trong thực tế, việc khai thác đất hiếm tràn lan đang gây ra những tác hại khủng khiếp cho môi trường và người dân vùng Tây Bắc.

Theo hãng tin Pháp AFP, ở Nội Mông - nơi tập trung trữ lượng đất hiếm lớn nhất thế giới, hóa chất độc hại dùng cho việc khai thác và chế biến đất hiếm, cùng với rác phế thải có chứa chất phóng xạ, sinh ra trong quá trình chế biến, đã làm nhiễm độc đất đai và nguồn nước, cây cỏ không mọc được và sinh vật thường bị dị tật. Ở một vài làng mạc trong vùng Baotu, cạnh sa mạc Gobi, nơi hoạt động khai thác và chế biến đất hiếm diễn ra rầm rộ, người ta đo được nồng độ thorium và uranium cao gấp 36 lần những nơi khác.

Hãng tin này cũng trích dẫn các nguồn tin báo chí Trung Quốc cho biết, chính quyền đã có chủ trương di dời người dân làng Dalahai - nơi bị ô nhiễm nặng nề nhất - đến một nơi cư trú khác và đền bù 60.000 nhân dân tệ (khoảng 220 triệu đồng Việt Nam) cho mỗi mẫu ruộng (667 mét vuông) nhưng người dân chưa chấp nhận.

Việc hạn chế khai thác và xuất khẩu đất hiếm của Trung Quốc còn do nước này mong muốn loại bỏ các hoạt động khai thác bất hợp pháp, sắp xếp lại ngành công nghiệp khai khoáng. Một số chuyên gia Trung Quốc còn tin rằng Nhật Bản đang lợi dụng giá rẻ để đầu cơ tích trữ đất hiếm; họ cho biết các công ty Nhật chỉ sử dụng một phần ba lượng đất hiếm nhập khẩu từ Trung Quốc, phần còn lại để dành trong các kho dự trữ chiến lược.

Triển vọng thị trường

Xem ra, mâu thuẫn giữa hai nước láng giềng chung quanh bài toán đất hiếm rất khó hòa giải được, nghĩa là nguồn đất hiếm xuất khẩu của Trung Quốc sẽ không dồi dào như trước nữa. Tuy nhiên, theo một số chuyên gia, thế giới - và nhất là Nhật Bản - không nhất thiết phải lo ngại.

Giá đất hiếm tăng cao đã kích thích đầu tư vào lĩnh vực này, thúc đẩy Mỹ và Úc khôi phục việc khai thác các mỏ đất hiếm trước đây đã đóng cửa do không cạnh tranh nổi với đất hiếm giá rẻ từ Trung Quốc. Trên các thị trường chứng khoán Mỹ, Nhật Bản và châu Âu, chưa bao giờ việc huy động vốn cho các hoạt động khai thác và chế biến đất hiếm lại thuận lợi như hiện nay khi nguồn vốn rất dồi dào và nhà đầu tư sẵn sàng bỏ vốn vào một mặt hàng có tốc độ tăng giá cao. Nhiều quốc gia khác cũng bắt đầu tham gia cuộc chạy đua cung cấp đất hiếm.

Giá đất hiếm tăng vọt cũng thúc đẩy xu thế mua bán, sáp nhập doanh nghiệp trong ngành. Ngày 4-4 vừa qua, Công ty Solvay - một tập đoàn hóa công nghiệp lớn của Vương quốc Bỉ, công bố sẽ bỏ ra 4,8 tỉ đô la Mỹ mua lại Công ty Rhodia của Pháp - một công ty có kỹ thuật tiên tiến trong việc chế tạo những hóa chất phức tạp từ các nguyên tố đất hiếm. Cũng trong ngày 4-4 đó, Công ty Molycorp - công ty duy nhất của Mỹ hoạt động trong lĩnh vực khai thác và chế biến đất hiếm, công bố đã bỏ ra 89 triệu đô la Mỹ mua 90% cổ phần của Công ty Silmet ở Estonia - một công ty nhỏ nhưng là đối thủ châu Âu duy nhất cạnh tranh với tập đoàn Rhodia trong lĩnh vực chế biến đất hiếm.

Ông Kingsnorth của IMCOA dự báo, trong ba năm tới, sản lượng đất hiếm ngoài Trung Quốc có thể tăng 10 lần, từ mức 6.000 tấn/năm hiện nay lên khoảng 40.000-60.000 tấn/năm và đến năm 2020, vị thế độc quyền của Trung Quốc trong lĩnh vực đất hiếm sẽ bị xóa bỏ, khi thế giới có thể tự túc được nguồn nguyên liệu quý giá này với sản lượng đạt mức 180.000 tấn/năm.

Đất hiếm là tên gọi chung của 17 nguyên tố hóa học, rất thiết yếu cho việc sản xuất các sản phẩm công nghệ hiện đại, từ máy điện thoại di động, máy nghe nhạc, đĩa cứng máy vi tính, động cơ điện dùng trong xe hơi, động cơ điện gió đến các hệ thống vũ khí tối tân.

 PA- Theo Thời báo KT SG

Ý kiến của bạn

Thương hiệu vật liệu xây dựng