Đại diện Hiệp hội Gốm sứ xây dựng Việt Nam cho biết, tình hình sản xuất, kinh doanh lĩnh vực gốm sứ xây dựng đang gặp nhiều khó khăn, thác thức. Với tổng công suất thiết kế gạch ốp lát hiện là 839 triệu m², sứ vệ sinh 26 triệu sản phẩm, Việt Nam đang đứng đầu ASEAN và đứng thứ 4 thế giới về ngành hàng này.
So sánh với thời điểm trước khi đại dịch Covid-19 diễn ra, doanh thu toàn ngành hàng năm đạt 4 tỷ USD/năm, nhưng từ 2022 đến nay, sản lượng sản xuất thực tế sa sút, chỉ đạt 55 - 60% công suất.
Tổng giá trị xuất khẩu năm 2023 đạt 511,5 triệu USD, trong đó gạch ốp lát đạt 231,4 triệu USD, sứ vệ sinh 164 triệu USD, còn lại là xuất khẩu nguyên liệu và men frit. Quý I/2024, xuất khẩu đạt 110,5 triệu USD. Tính chung 6 tháng đầu năm 2024, sản lượng tiêu thụ gạch ốp lát đạt 188 triệu m² và 5,5 triệu sản phẩm sứ vệ sinh.
Ông Đinh Quang Huy, Chủ tịch Hiệp hội Gốm sứ xây dựng Việt Nam nhận định, đây là bước thụt lùi đáng kể của ngành, đồng thời chỉ ra loạt nguyên nhân chính khiến sản phẩm gốm sứ xây dựng khó khăn, tiêu thụ giảm, doanh thu thấp. Trước hết là do nguồn nguyên liệu (đất sét, cao lanh... ) khan hiếm dần, trong đó các nhà máy hầu như không có mỏ nên đều phải mua gom, các doanh nghiệp gặp khó khi đi thu mua nguyên liệu tại các vùng Hải Dương, Bắc Giang...
Giá gạch ốp lát và sứ vệ sinh không tăng nhưng giá nguyên nhiên liệu tăng cao, than cục tăng từ 3,75 triệu VNĐ/tấn lên 6 - 7 triệu đồng/tấn, than cám từ 2 triệu tăng lên 4 triệu đồng/tấn, khí mỏ 8,8 USD/1 triệu MMBtu đã tăng lên 14,7 USD/1 triệu MMBtu (1 MMBtu = 28,26 m³).
Thị trường bất động sản từ sau đại dịch đến nay ngưng trệ vì nhiều lý do.
Từ những khó khăn trên, Hiệp hội Gốm sứ xây dựng Việt Nam đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ gỡ vướng bằng loạt giải pháp như: Quy hoạch các vùng nguyên liệu, xét cấp mỏ gắn với nhà máy sản xuất; trong lĩnh vực gạch ốp lát, chỉ cho phép đầu tư thay thế các dây chuyền sản xuất đã lạc hậu, không cấp phép cho các dự án mới.
Hiệp hội cũng đề nghị Chính phủ chấp thuận quy trình cấp chứng chỉ với hàng nhập khẩu, cho phép kiểm tra đầu nguồn các sản phẩm gạch ốp lát nhập khẩu vào thị trường trong nước như quy trình cấp chứng chỉ của Thái Lan, Indonesia... đang thực hiện với sản phẩm gạch ốp lát Việt Nam.
Trong đó, cần thiết cử đoàn kiểm tra liên ngành tại nhà máy sản xuất để đảm bảo chất lượng hàng trước khi nhập khẩu vào thị trường. Việc kiểm tra đầu nguồn này gắn với hồ sơ hải quan, đạt yêu cầu thì hàng mới được thông quan. Ngoài ra, trước tình trạng gạch ốp lát nhập khẩu từ Ấn Độ ồ ạt vào nội địa, bán phá giá, gây khó khăn cho ngành sản xuất trong nước, Hiệp hội và các doanh nghiệp kiến nghị Chính phủ và Bộ Công thương ủng hộ trong vụ việc tiến hành điều tra bán phá giá gạch ốp lát nhập khẩu từ thị trường này.
VLXD.org (TH)