Mỏ đất tại xã Thành Thọ, huyện Thạch Thành của Công ty Cổ phân Minh Thành TH có trữ lượng 1 triệu m³ đất, thời gian khai thác 16 năm. Mỗi năm hạn mức khai thác của mỏ đất này có thể đạt 60.000 m³, mỗi tháng được khai thác 5.000 m³. Lượng hóa đơn giá trị gia tăng công ty được xuất ra cũng tương ứng với hạn mức khai thác. Đây là lý do mà trong thời gian vừa qua, công ty này phải từ chối nhiều hợp đồng cung cấp đất san lấp do hạn mức khai thác và lượng hóa đơn xuất ra không đáp ứng được yêu cầu của bên mua.
Ông Bùi Mạnh Cường, Giám đốc Công ty Cổ phần Minh Thành TH, huyện Thạch Thành, tỉnh Thanh Hóa cho biết, với hạn mức khai thác thấp như hiện nay, công ty chúng tôi sẽ rất khó trong tổ chức hoạt động khai thác. Vì thế chúng tôi mong muốn được nâng công suất khai thác lên từ 90.000 - 120.000 m³/ năm, vì với hạn mức đó doanh nghiệp mới có thể chủ động trong sản xuất.
Hạn mức khai thác hiện đang là khó khăn chung của các mỏ vật liệu trên địa bàn tỉnh. Quy định chặt chẽ về hạn mức khai thác và những ràng buộc kèm theo về hóa đơn, chứng từ đang gây khó khăn cho doanh nghiệp trong việc tổ chức hoạt động sản xuất kinh doanh. Đối với các mỏ cát, trình tự, thủ tục thực hiện việc thăm dò, đánh giá trữ lượng còn lại và xin nâng công suất còn khó khăn hơn. Hiện tại, hạn mức bình quân của mỗi mỏ cát trên địa bàn tỉnh là khoảng 20.000 m³/ năm. Ông Nguyễn Vĩnh Hà, Công ty Cổ phần Thương mại Đức Lộc, huyện Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hóa chia sẻ, đơn vị chúng tôi hoàn toàn có thể tự bỏ tiền để thuê đơn vị độc lập thăm dò, đánh giá trữ lượng qua đó để đề nghị tăng công suất khai thác.
Cũng do quy định về hạn mức khai thác đã dẫn đến sự thiếu hụt về nguồn cung vật liệu trên thị trường. Theo báo cáo mới nhất của sở Xây dựng tỉnh Thanh Hóa, nhu cầu về vật liệu xây dựng phục vụ các dự án, công trình trong giai đoạn 2023 - 2025 là khoảng 90,4 triệu m³ đất san lấp, 14,3 triệu m³ cát và khoảng trên 26 triệu m³ đá. Con số thống kê này dựa trên những dự án đã nằm trong kế hoạch, vì thế trên thực tế, nhu cầu về vật liệu xây dựng sẽ cao hơn.
Trong khi với công suất hiện tại, hàng năm các chủ mỏ chỉ khai thác được khoảng 4,1 triệu m³ đất san lấp, 8,2 triệu m³ đá và 0,8 triệu m³ cát. Điều này cho thấy, nguồn cung khoáng sản làm vật liệu xây dựng đang thiếu hụt rất nhiều so với thực tế. Vì thế ngoài việc quy hoạch, cấp mới các mỏ vật liệu thì việc xem xét, tạo điều kiện thuận lợi cho các chủ mỏ nâng công suất khai thác là rất cần thiết.
Ông Nguyễn Thế Hùng, Trưởng phòng Tài nguyên Khoáng sản, Sở Tài nguyên và Môi trường Thanh Hóa cho biết thêm, trong thời gian tới, Sở Tài nguyên sẽ tham mưu UBND có chủ trương cho các mỏ vật liệu được nâng công suất khi các nhà thầu có hợp đồng mua vật liệu với khối lượng lớn; tham mưu tỉnh cắt giảm thời gian thẩm định, xử lý hồ sơ còn 2/3 thời gian từ 40 ngày xuống còn 27 ngày và cho phép một số thủ tục được thực hiện đồng thời thay vì tuần tự như hiện nay.
Song song với những cải thiện về thủ tục nâng công suất cho các mỏ, trong thời gian tới, sở Tài nguyên môi trường tỉnh Thanh Hóa sẽ tăng cường các biện pháp quản lý, đảm bảo cho các đơn vị được nâng công suất phải đảm bảo đẩy đủ các điều kiện về cơ sở vật chất, phương tiện, máy móc và phương án khai thác theo quy định.
VLXD.org (TH/ TH Thanh Hóa)