Nền kinh tế bước sang năm 2024 tiếp tục đối mặt với khó khăn, nhu cầu xây lắp từ các dự án bất động sản, dân dụng không khởi sắc đã ảnh hưởng nhiều tới lĩnh vực nội thất. Công việc ít, nhiều đơn vị kinh doanh tìm đủ mọi cách để duy trì kinh doanh như cắt giảm nhân sự, tung các chương trình khuyến mãi... nhưng không thể gắng gượng buộc phải đóng cửa.
Số liệu từ Hội Vật liệu xây dựng Việt Nam cho thấy, ngành Gốm, Sứ xây dựng, hiện nay cả nước đã có 83 nhà máy sản xuất gạch ốp lát được đầu tư với tổng công suất 826 triệu m²/năm. Sứ vệ sinh có 26 doanh nghiệp với 65 dây chuyền sản xuất khoảng 27 triệu sản phẩm/năm. Thế nhưng trong năm 2023, do tiêu thụ sản phẩm chậm, lượng tồn kho rất lớn, nhà máy sản xuất hầu hết đều phải dừng bớt dây chuyền, chủ động giảm sản lượng sản xuất để tránh tồn kho.
Về ngành Kính xây dựng, do khó khăn về tiêu thụ sản phẩm nên nhiều nhà máy đã phải ngừng sản xuất. Cả nước có 10 doanh nghiệp sản xuất kính với tổng công suất khoảng 5.900 tấn/ngày nhưng năm 2023 sản lượng sản xuất chỉ đạt 212 triệu m², bằng 55% so với tổng công suất thiết kế. Về tiêu thụ chỉ đạt khoảng 176 triệu m² (khoảng 83% so với sản lượng sản xuất).
Ngay cả vật liệu xây không nung, hiện nay cả nước có trên 1.600 cơ sở sản xuất với tổng công suất thiết kế đạt khoảng 10 tỷ viên/năm (chiếm khoảng gần 30% tổng công suất thiết kế sản phẩm vật liệu xây) song hoạt động các các doanh nghiệp trong lĩnh vực này hiện cũng đang gặp rất nhiều khó khăn.
Thời điểm năm 2019, trước khi xảy ra đại dịch Covid-19, sản xuất đã đạt khoảng gần 5 tỷ viên quy tiêu chuẩn (QTC), chiếm tỷ trọng 25% tổng lượng vật liệu xây. Tuy nhiên năm 2023 vừa qua, ước sản lượng chỉ đạt khoảng gần 2,8 tỷ viên QTC, chiếm khoảng 16% tổng sản lượng gạch xây, giảm 5% so với năm 2022. Sản lượng tiêu thụ 2,7 tỷ viên QTC, giảm 4,5%.
Phó Chủ tịch Hội Vật liệu xây dựng Việt Nam Phạm Văn Bắc kiến nghị, để tháo gỡ khó khăn trước mắt trong sản xuất, tiêu thụ cần tập trung giải quyết các vấn đề như thúc đẩy hoạt động đầu tư xây dựng, có chính sách ưu đãi về thuế, tín dụng cho doanh nghiệp. Cùng với đó, Chính phủ cần tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản, nhà ở và kiểm soát chặt chẽ việc nhập khẩu vật liệu xây dựng. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng cũng cần chủ động nâng cao năng lực cạnh tranh, đổi mới công nghệ, đa dạng hoá sản phẩm, tiết giảm chi phí sản xuất.
Quan điểm, mục tiêu của Chiến lược phát triển thời kỳ 2021 - 2023, định hướng đến 2050 sẽ sản xuất vật liệu xây dựng sử dụng hợp lý tài nguyên khoáng sản, tận dụng tối đa phế thải từ các ngành sản xuất khác; sử dụng tiết kiệm, hiệu quả năng lượng; tạo ra các sản phẩm xanh, tính năng cao, ông Phạm Văn Bắc cho biết.
Nhận định về xu hướng thời gian tới, các chuyên gia và doanh nghiệp trong ngành cho rằng, những tín hiệu phục hồi cho thị trường vật liệu xây dựng còn khá mờ nhạt. Trước hết là sự phụ thuộc của ngành Vật liệu xây dựng vào bất động sản còn quá lớn, trong khi ngành Bất động sản vẫn còn khó khăn. Chỉ khi nào bước qua giai đoạn khó khăn của chu kỳ kinh tế, các điểm nghẽn trên thị trường được tháo gỡ, nguồn cung bất động sản tăng trở lại hứa hẹn là thời kỳ phát triển mạnh mẽ và ổn định của .
VLXD.org (TH/ KTĐT)