Gạch, ngói không nung là những loại vật liệu xây dựng xanh, thân thiện với môi trường. Tuy nhiên, hiện người tiêu dùng vẫn theo thói quen lựa chọn loại gạch, ngói đỏ truyền thống nên doanh nghiệp sản xuất loại vật liệu này gặp khó khăn trong việc tìm đầu ra cho sản phẩm.
Gạch, ngói không nung gặp nhiều khó khăn về thị trường tiêu thụ .Ảnh: Hiệp Hưng - TN.
Tính đến hết năm 2023, Việt Nam có khoảng 2.500 cơ sở sản xuất gạch không nung với tổng công suất thiết kế khoảng 15 tỷ viên/năm. Sản lượng tiêu thụ vật liệu xây không nung (VLXKN) ngày càng sụt giảm nghiêm trọng.
Sản lượng tiêu thụ VLXKN năm 2019 là 4,8 tỷ viên thì đến cuối năm 2023 sản lượng sản xuất VLXKN ước đạt khoảng 2,8 tỷ viên (giảm khoảng 5% so với năm 2022).
Trong khi đó, nếu như tổng công suất gạch đỏ khoảng 25 tỷ viên/năm với khoảng 4.000 nhà máy thì con số của VLXKN là 2.500 nhà máy với 15 tỷ viên/năm. Như vậy, mục tiêu đẩy mạnh sản xuất và sử dụng VLXKN thay thế một phần gạch đất sét nung đạt tỷ lệ 35 - 40% vào năm 2025, 40 - 45% vào năm 2030 của Chính phủ đang gặp khó.
Ông Nguyễn Hiệp Hưng, Giám đốc một DN sản xuất gạch, ngói không nung tại Nghệ An cho biết, gạch không nung có nhiều ưu điểm như: khả năng chịu lực tốt hơn nên độ bền cũng cao hơn; về tính năng, gạch không nung có cách âm, cách nhiệt, chống thấm tốt hơn gạch nung; về trọng lượng, gạch không nung nhẹ hơn gạch đỏ truyền thống khoảng 3, 4 lần; đặc biệt, trong quá trình sản xuất, gạch không nung không thải khí gây ô nhiễm môi trường, không khai thác đất sét nên không ảnh hưởng đến đất sản xuất nông nghiệp.
Tuy có nhiều ưu điểm nhưng đầu tư cho một dây chuyền sản xuất gạch, ngói không nung cao gấp 4 lần dây chuyền sản xuất gạch, ngói nung. Việc sử dụng gạch không nung đòi hỏi thợ xây phải có kiến thức, kỹ thuật.
Bên cạnh đó, người dân vẫn có thói quen sử dụng gạch đỏ truyền thống để làm vật liệu xây dựng nên việc thuyết phục họ sử dụng gạch không nung gặp nhiều khó khăn. Điều đó dẫn đến việc tiêu thụ sản phẩm này trên thị trường gặp nhiều khó khăn.
Đánh giá tình hình thị trường VLXDKN hiện nay, TS Thái Duy Sâm - Phó Chủ tịch Hội Vật liệu xây dựng Việt Nam cho biết, thời gian qua, thị trường bất động sản trầm lắng kéo theo nhu cầu vật liệu xây dựng bao gồm VLXDKN giảm mạnh.
Khó khăn về thị trường ở cả trong và ngoài nước đã tác động tiêu cực tới tình hình hoạt động của các DN sản xuất vật liệu xây dựng trong nước. Sản lượng sản xuất và tiêu thụ các loại sản phẩm vật liệu xây dựng liên tục suy giảm, lĩnh vực VLXDKN gặp không ít khó khăn, sản phẩm tiêu thụ chậm, tồn kho lớn đã ảnh hưởng đến hoạt động của các DN và tiến độ thực hiện Chương trình phát triển VLXDKN của Chính phủ.
“Để khắc phục khó khăn hiện tại, chúng tôi đang chú trọng mở rộng thị trường phân phối sản phẩm vào các tỉnh Miền Nam như TP Hồ Chí Minh, Long An, Bình Dương, Đồng Nai…, bởi đây là thị tường có nhiều công trình hạ tầng cơ sở phát triển mạnh. Tuy nhiên, Nhà nước cần quan tâm hỗ trợ có chế cho những DN sản xuất vật liệu xây dựng xanh. Đó là, những công trình sử dụng vốn nhà nước nên ưu tiên sử dụng VLXDKN; đẩy mạnh tuyên tuyền về lợi ích của việc sử dụng VLXDKN đến người dân; đồng thời hỗ trợ thêm về thuế, lãi suất để giảm giá thành sản phẩm nhằm thuyết phục người dùng” - ông Hưng đề xuất.
Dưới góc độ chuyên môn, TS Thái Duy Sâm cho hay, để thúc đẩy mạnh mẽ hơn các loại vật liệu thân thiện môi trường, Việt Nam cần quan tâm đến tổng thể lĩnh vực sản xuất vật liệu xanh.
Cụ thể, cần tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung các chính sách nhằm thúc đẩy sản xuất và sử dụng vật liệu xây dựng có phát thải thấp và hiệu quả năng lượng; Hỗ trợ DN sản xuất vật liệu xây dựng xanh về đầu tư, tài chính, thuế góp phần giảm giá thành sản phẩm...
VLXD.org (TH)