Tên cuốn sách lấy từ tên thành phố Tampa ở bang Florida (Mỹ), nơi đặt bối cảnh của câu chuyện. Sách viết bằng tiếng Anh, ra hồi tháng 7. Chỉ tới đầu tháng 8, nó đã bị cấm ở Australia.
Lấy nguyên mẫu từ đời thựcNhân vật chính của cuốn sách là Celeste Price, một cô giáo 26 tuổi đã kết hôn, rất xinh đẹp, dạy ở một trường ngoại ô Tampa. Celeste dạy thêm tiếng Anh cho một cậu học sinh 14 tuổi, nhưng thực chất chỉ tìm kiếm quan hệ xác thịt.
Sách mô tả các cảnh quan hệ trần trụi, chi tiết, diễn ra ở nhiều nơi: phòng học, nhà riêng, xe hơi. Theo Guardian, tiểu thuyết này nhận được rất nhiều lời bình luận "ghê tởm" hay "bệnh hoạn" và là cuốn sách tai tiếng nhất mùa hè năm nay.
Bìa tiểu thuyết Tampa
Nội dung và bối cảnh Tampa lấy ý tưởng từ một trường hợp ngoài đời: vụ giáo viên nữ Debra Beasley sinh năm 1980, có quan hệ bất chính với một nam sinh 14 tuổi (được giấu tên) vào năm 2005, tại chính thành phố này.
Debra Beasley cũng rất xinh đẹp, là nguyên mẫu của nhân vật Celeste Price. Cuối cùng, giáo viên này đã không bị tù mà chỉ phải chịu 3 năm quản thúc tại gia và 7 năm quản chế. Tại phiên tòa xử cô, luật sư biện hộ đã dùng đến lý lẽ: "Cô ấy quá xinh đẹp để phải ngồi tù".
Mặc dù tiểu thuyết Tampa bị cấm ở Australia hoặc dán nhãn 18+ ở vài nước khác nhưng theo tờ The Age, khó có thể ngăn chặn thanh thiếu niên đọc cuốn sách, nhất là khi nó có bản điện tử bán trên mạng.
Mục tiêu là gây sốc và châm biếm xã hộiTác giả Alissa Nutting mới vừa làm mẹ. Cô nói với tờ The Times rằng mục tiêu của cuốn sách là gây sốc và châm biếm xã hội. Tác giả muốn chỉ ra rằng đánh giá của dư luận có sự khác nhau trước các trường hợp quấy rối có thủ phạm là nam giới, so với những trường hợp có thủ phạm là nữ giới.
"Nếu thủ phạm là nữ giới, chúng ta thường có cách nhìn bao dung và tha thứ hơn chứ không ghê tởm và lên án như khi thủ phạm là nam giới" - Nutting nói. Câu biện hộ "quá xinh đẹp để phải ngồi tù" kể trên là một ví dụ.
Nếu Tampa chỉ là một cuốn "sách bẩn" không hơn thì báo chí đã không tốn giấy mực đến thế, dù cũng không tờ báo nào ca ngợi giá trị văn học của nó. Trong một bài viết, tờ Guardian đã so sánh Tampa với tiểu thuyết kinh điển Lolita ở một điểm tương đồng: Đều nói về chứng ấu dâm.
Tác giả trẻ Alissa Nutting
Đây thực chất là một vấn đề xã hội phổ biến. Theo thống kê của Mỹ vào năm 2005, 7% học sinh Mỹ từng bị giáo viên quấy rối. Trong số học sinh đó, 22% bị giáo viên nữ quấy rối.
Có một trường hợp gây chấn động ở Mỹ: Cô giáo Mary Kay Letorneau, từng dạy trung học, có quan hệ với một nam sinh 12 tuổi tên Villi Fualaau. Cô phải ngồi tù sau khi chuyện giữa họ bị phát hiện. Nhưng khi ra tù ở tuổi 43, Letorneau đã kết hôn với Fualaau, lúc này 22 tuổi. Họ có với nhau 2 đứa con.
Và không thể không nhắc đến bộ phim nổi tiếng Notes On A Scandal (2006) của Mỹ, có ngôi sao Cate Blanchett đóng vai chính. Blanchett vào vai một cô giáo có quan hệ với nam sinh (Andrew Simpson đóng). Bộ phim nhấn mạnh đó là hành vi sai trái nhưng cũng khai thác rất sâu tâm lý dằn vặt của nhân vật.
Càng không thể không kể đến tiểu thuyết kinh điển Lady Chatterley's Lover (Người tình của phu nhân Chatterley) của tác gia Mỹ D.H. Lawrence. Cuốn sách này từng bị coi là khiêu dâm và cũng bị cấm, nhưng chỉ khiến độc giả đổ xô đi tìm đọc.
Viết trên The Age, nhà văn kiêm giảng viên văn học Christopher Bantick cho rằng cuốn tiểu thuyết "có vấn đề" nói trên nên được đưa vào chương trình giảng dạy hoặc thảo luận với học sinh sinh viên thay vì cấm đoán. "Không nghi ngờ gì cả, Tampa sẽ được nhiều người đọc. Lệnh cấm sẽ khiến cuốn sách bán rất chạy" - Bantick nhận định.
Theo Thể thao & Văn hóa