Cá cược game - Game Thể Thao 24H

Thông báo Việc làm Hỏi đáp chuyên ngành

Vật liệu và Kiến trúc

4 xu hướng kiến trúc hiện đại Việt Nam

24/05/2018 - 02:27 CH

Kiến trúc hiện đại Việt Nam ra đời vào đầu thế kỷ 20, khi các KTS Pháp mang phong cách kiến trúc Hiện đại quốc tế đến An Nam cùng với kiến trúc Cổ điển Pháp. Tuy nhiên, mốc lịch sử về sự ra đời của kiến trúc hiện đại Việt Nam có thể được tính bắt đầu từ khi Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương được thành lập, năm 1925.
Vị hiệu trưởng đầu tiên của trường này, Victor Tardieu, một nhà sư phạm lỗi lạc, đã viết về sứ mạng của Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương rằng: “Tư tưởng tổng quát không phải là tạo ra một ngôi trường mà ở đó vận dụng các hình thức cổ xưa không có sự suy xét cũng như không có tinh thần phê phán. Vấn đề là, vừa phải biết tôn trọng các truyền thống mang tính bản địa, vừa phải biết thích ứng với các nhu cầu mang tính hiện đại”. Tư tưởng đó của Tardieu đã soi sáng con đường nghệ thuật Việt Nam, dù là dòng chính thống hay dòng dân gian (hoặc miền Nam trước năm 1975) và đến tận ngày hôm nay – Tôn vinh tinh thần truyền thống để thích ứng với hiện tại, đó luôn là kim chỉ nam của các KTS bậc thầy Việt Nam trong gần một trăm năm qua.
 

Chùa Đá – Nhóm thiết kế A21 Studio.

 
Mạch truyền thống là cái được sáng tạo từ bên trong, rất mãnh liệt, đầy ma lực và thần thánh, chứ không thể đi từ bên ngoài bằng sự đối chiếu, học hỏi, gán ghép…

Về việc định hình các trào lưu kiến trúc hiện đại Việt Nam, ta không nên phân chia các xu hướng dựa theo quan điểm mỹ học hiện đại và đương đại phương Tây (như Art Deco, Bauhaus, Cấu trúc, Tượng trưng, Tối giản, Thô mộc, Hậu hiện đại, Phi kết cấu, High-tech, Bền vững…). Bởi vì điều này không phù hợp với thực tế xã hội và nhu cầu thiết yếu nội tại của kiến trúc Việt Nam. Nếu phân chia như vậy, ta chỉ có sự sao chép vô duyên từ giới phê bình phương Tây mà không bắt trúng được bản chất tư duy kiến trúc của người Việt Nam.

Nhìn chung, kiến trúc Việt Nam được soi chiếu bởi hai cực: Thứ nhất, truyền thống – bản địa; thứ hai, hiện đại – quốc tế. Giữa hai cực này có vùng giao thoa. Trong vùng giao thoa có hai xu hướng: Thứ nhất, xu hướng chiết trung, tổng hợp từ hai cực trên ở hình thức bên ngoài; thứ hai, xu hướng sáng tác hiện đại dựa trên mạch truyền thống dân tộc.

Như vậy, ta có thể tạm định hình kiến trúc hiện đại Việt Nam bao gồm 4 xu hướng chính:

1. Xu hướng kiến trúc bảo thủ

Kiến trúc truyền thống Việt Nam có rất nhiều thành tựu, dù quy mô không đồ sộ nhưng tính thẩm mỹ có thể sánh ngang với các nền kiến trúc châu Á rực rỡ khác như Trung Quốc, Nhật Bản, Campuchia, Ấn Độ… Phải chăng vì nó đã đạt đến đỉnh cao rồi nên có sức ì nhất định, cản trở những phát kiến mới? Sự bảo thủ đó cũng có thể là ưu điểm, khi giúp duy trì cái đẹp đã được kiểm định qua hàng nghìn năm trước đây, giống như cho tới tận bây giờ người phương Tây vẫn không bỏ rơi kiến trúc cổ điển của mình – Họ đặt ra một cái tên nghe có vẻ có triết lý là Tân – Cổ điển.

Những ngôi chùa, đền hoành tráng bằng gỗ hoặc bê tông xây mới nhưng theo hình dáng kiến trúc cổ được thực hiện khá phổ biến hiện nay, ví dụ như chùa Bái Đính, Đại Nam Quốc Tự… là những nơi “kinh doanh tâm linh” phát đạt. Ngoài ra, có một trào lưu thịnh hành trong giới nhà giàu nước ta là xây nhà nghỉ dưỡng và nhà thờ theo đúng kiểu truyền thống với những loại gỗ đắt tiền nhập khẩu từ nước ngoài. Bảo thủ trong kiến trúc, đó cũng là một cách “chơi” ngày nay, cũng như người ta “chơi” thư pháp chữ Hán Nôm ngày xưa, chả cần biết cái chữ đó ra sao, chỉ quan niệm: Cái cổ là cái quý. Vì thế mà những hình thức kiến trúc đã được chắt lọc qua hàng nghìn năm thì có thể thuyết phục người Việt hiện nay, điều này không khó hiểu.

Xu hướng bảo thủ không phải bây giờ mới có, mà nó vẫn là một dòng chảy không ngừng ngay từ khi người Pháp du nhập kiến trúc cổ điển Pháp vào An Nam. Không ít những KTS Việt Nam nhận ra rằng kiến trúc Pháp cũng không quá vượt trội hơn kiến trúc bản địa, nên họ vẫn tự tin tiếp tục với những hình thức quen thuộc: Mái cong, hệ cột, vì kèo, hoa văn uốn lượn. Những ví dụ công trình tôn giáo nổi bật có thể kể đến Chùa Quán Sứ (1942, Hà Nội) của Nguyễn Ngọc Ngoạn, chùa Xá Lợi (thập niên 1950, Sài Gòn) của Đỗ Bá Vinh, chùa Vĩnh Nghiêm (1971, Sài Gòn) của Nguyễn Bá Lăng… Đối với nhà ở dân gian, xu hướng bảo thủ cũng tạo ra những tác phẩm kiến trúc có giá trị như Hội trường và nhà nghỉ đại biểu Đảng toàn quốc lần thứ II (1950, Thái Nguyên) của Hoàng Như Tiếp, Nhà sàn Bác Hồ (1957, Hà Nội) của Nguyễn Văn Ninh… Những tác phẩm sao chép lại nhà ở dân gian này, sau nửa thế kỷ, hóa ra lại rất “mốt” hiện nay, dưới cái tên “kiến trúc xanh, bền vững”. Rõ ràng, minh triết hàng ngàn năm của dân tộc không thể là đồ bỏ đi được.

2. Xu hướng kiến trúc hướng ngoại

Sự học hỏi kiến trúc nước ngoài của một dân tộc là điều không lạ trong lịch sử, ví dụ người La Mã học kiến trúc từ người Hy Lạp, các Hoàng đế Nga đã mời các KTS Pháp và Italia đến thiết kế các cung điện ở Saint Petersburg, Nehru đã mời Le Corbusier đến quy hoạch và thiết kế các công trình ở Chandigard… Đặc biệt, đối với một dân tộc bị áp bức và bị ảnh hưởng về chính trị như Việt Nam thì sự chịu áp đặt hoặc tự nguyện học hỏi kiến trúc bên ngoài cũng không lạ. Hướng ngoại cũng là xu hướng kiến trúc chủ đạo trong một thế kỷ qua ở nước ta.
 

Nhà nha sĩ Nghiêm Mỹ (khoảng 1940, Hà Nội) – KTS Nguyễn Cao Luyện.

Ngay từ đầu thế kỷ 20, khi đã nắm chắc quyền lực ở xứ An Nam, người Pháp bắt đầu áp đặt nền kiến trúc chính thống của họ lên nước ta. Rất nhiều các công trình kiến trúc cổ có giá trị bị họ đập phá và xây lên những cơ quan, dinh thự, nhà hát, nhà thờ… Nhưng dẫu sao, người Pháp vốn giỏi về nghệ thuật nên họ đã để lại những tác phẩm kiến trúc có giá trị. Nếu như các thuộc địa của Anh như Hong Kong, Singapore, được thừa hưởng nền tài chính tiên tiến của mẫu quốc, và sau khi độc lập, các xứ đó đã phát triển thành các trung tâm tài chính toàn cầu; thì các thuộc địa của Pháp, như Việt Nam, lại được thừa hưởng một nền nghệ thuật hàng đầu thế giới, đặc biệt là kiến trúc và hội họa. Đó là một trong những lý do vì sao hội họa và kiến trúc Việt Nam sau khi thoát khỏi ách thực dân, nếu như so với các nước thuộc địa cũ trong khu vực, đạt được những kết quả tốt hơn. Nếu so sánh với các đô thị hoành tráng trong khu vực như Hong Kong, Singapore, thì kiến trúc và đô thị của Hà Nội rõ ràng là có “gu” hơn, dù cho hạ tầng còn yếu kém. Kiến trúc Pháp được mang tới Việt Nam bằng các công trình công cộng lộng lẫy và tân tiến, cũng như thông qua những người thầy ở trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương, không thể không tác động mạnh mẽ đến các KTS non trẻ. Họ nhanh chóng học theo những người thầy và đồng nghiệp Pháp, với các công trình nhà ở biệt thự theo phong cách cổ điển hoặc hiện đại đang mốt ở mẫu quốc lúc bấy giờ. Những công trình được xây dựng khoảng 1930-1940 do KTS Nguyễn Cao Luyện thiết kế ở Hà Nội như Nhà bác sĩ Nguyễn Văn Luyện, Nhà nha sĩ Nghiêm Mỹ, hoặc ở Sài Gòn do KTS Huỳnh Tấn Phát thiết kế như Câu lạc bộ Thủy quân, Biệt thự số 6 Nguyễn Huy Lượng… cho thấy kiến trúc hiện đại với cách tạo hình hoàn toàn mới từ tuyến, diện, khối đã đạt được những thành quả nhất định. Những công trình kiến trúc hiện đại với chất lượng như vậy chúng ta cũng chỉ thấy bắt đầu xuất hiện ở châu Âu hơn chục năm trước đó, qua các công trình của Gropius, Mies van der Rohe, Le Corbusier.

Sau đó, trong giai đoạn đất nước bị chia cắt, hai miền ít nhiều bị phụ thuộc kinh tế, chính trị, văn hóa vào các đồng minh, Liên Xô ở miền Bắc và Hoa Kỳ ở miền Nam. Tư tưởng hướng ngoại trong kiến trúc được đẩy lên cao trào thành dòng chủ đạo với kiến trúc hiện thực xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc và kiến trúc hiện đại Âu- Mỹ ở miền Nam. Ở miền Bắc có Đoàn Văn Minh, Trần Hữu Tiềm, Tạ Mỹ Duật… thì ở miền Nam có Ngô Viết Thụ, Nguyễn Quang Nhạc, Huỳnh Kim Mãng…
 

Biệt thự 27 Nguyễn Đình Chiểu (1938, Hà Nội) – KTS Tạ Mỹ Duật.

Sau khi đất nước thống nhất và tiến hành Đổi mới, sự giao lưu với kiến trúc thế giới tiếp tục lan rộng. Các trào lưu đương đại như high-tech, tối giản, hậu hiện đại, kiến trúc xanh, bền vững… mau chóng được “cập nhật” ở Việt Nam. Các hãng kiến trúc toàn cầu cũng thừa cơ “tấn công” thị trường Việt Nam, từ các công trình quan trọng của nhà nước tới những tòa nhà văn phòng, chung cư của các chủ đầu tư tư nhân. Với sự am hiểu công nghệ, vật liệu xây dựng mới, hành nghề chuyên nghiệp hơn. Họ cũng mang tới những hình thức nhàm chán đã hiện diện khắp nơi trên thế giới. Những công trình quan trọng gần đây do tư vấn nước ngoài thiết kế như Trung tâm hội nghị quốc gia, Bảo tàng Hà Nội, Tòa nhà Quốc hội… cho thấy hình thức kiến trúc không có gì mới lạ hay xuất sắc, và cũng không thấy được cái hồn cốt của người Việt. Là người Việt Nam, khi đứng trước các công trình quan trọng đó của đất nước, ta chỉ thấy sự “choáng nhẹ” ban đầu, rồi sau đó là cảm giác xa lạ, vô hồn. Chính vì thế, dù được xây dựng với kinh phí rất lớn nhưng chưa bao giờ chúng trở thành một “nơi chốn” thực thụ. Nhưng trong các cuộc thi tuyển, các phương án thiết kế của KTS Việt Nam cũng không nổi bật hơn, và cũng dựa theo thẩm mỹ nước ngoài, nên người ta cứ chọn nước ngoài cho “yên tâm” – Đó là nỗi đau của nền kiến trúc Việt Nam hiện nay. KTS chưa có ý thức rõ ràng về mạch kiến trúc dân tộc, còn người lãnh đạo có mấy ai thấy được vai trò của kiến trúc đối với chính trị và văn hóa như Chủ tịch Hồ Chí Minh hay Thủ tướng Võ Văn Kiệt trước đây?

3. Xu hướng kiến trúc chiết trung

Chiết trung là một dạng tư duy kiến trúc khá phổ biến trong lịch sử kiến trúc thế giới khi người ta kết hợp các hình thức truyền thống khác nhau vào trong một công trình. Chiết trung cũng có nhiều cấp độ, từ thô thiển kiểu “đầu Ngô mình Sở” cho đến sự dung hòa nhuần nhị và sáng tạo. Chủ nghĩa hậu hiện đại, ở một góc nhìn nào đó cũng là một dạng tư duy chiết trung. Bắt đầu từ năm 1920, sau khi đã xây dựng xong những cơ quan công quyền quan trọng theo phong cách Cổ điển, người Pháp bắt đầu nghĩ đến một “phong cách Đông Dương”, kết hợp kiến trúc Cổ điển Pháp với truyền thống An Nam, nhằm phục vụ ý tưởng chính trị hòa nhập và khai thác người dân bản xứ. Họ mở các viện nghiên cứu về bản địa, mở các trường đào tạo người dân bản xứ trong nhiều lĩnh vực. Viện Pasteur (1925-1930) hay Bảo tàng Louis Finot (Bảo tàng của trường Viễn Đông Bác Cổ) do Ernest Hébrard thiết kế (là những công trình nổi bật đầu tiên theo phong cách Đông Dương). Nhiều KTS trẻ tốt nghiệp trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương đã tiếp tục hướng đi đó của Hébrard và cùng nhau tạo nên một phong cách Đông Dương của người Việt, ví dụ như KTS Võ Đức Diên với Nhà Thủy Tạ (1937), KTS Tạ Mỹ Duật với Biệt thự 27 Nguyễn Đình Chiểu (1937), KTS Phạm Hoàng với Nhà ở 115 Hàng Bạc (1944-1948)… Đó là những ví dụ cho thấy phong cách chiết trung có thể đạt tới sự hòa hợp, thanh thoát, thống nhất.

Nếu như dán ghép là một phần của mỹ học hậu hiện đại nửa sau thế kỷ 20, thì có lẽ từ đầu thế kỷ 20 người Việt Nam đã trải qua, và Lăng Khải Định đã là đỉnh cao của hậu hiện đại mất rồi. Đó là công trình hỗn tạp đủ loại phong cách kiến trúc: Truyền thống Việt Nam, Cổ điển, Ấn Độ giáo, Phật giáo, Roman, Gothic… Kiểu chiết trung khoa trương màu mè đó còn thấy ở vùng đồng bằng sông Cửu Long, nơi người Hoa có ảnh hưởng rất lớn về kinh tế trước năm 1945. Những ngôi nhà của họ thường là sự pha trộn kiến trúc Việt – Pháp – Hoa, ví dụ nhà cổ Huỳnh Thủy Lê ở Sa Đéc, nhà họ Dương ở Cần Thơ…

Tư duy chiết trung rất phù hợp với tâm thức của người Việt Nam, một dân tộc có lịch sử hòa trộn và giao thoa văn hóa từ nhiều tộc người khác nhau: Người Việt cổ bản xứ, người Việt phía Nam sông Dương Tử, người Hán, người Chăm, người Khmer, người Pháp… Chính vì thế, phần lớn người Việt Nam hiện nay khi có tiền xây nhà thường lựa chọn phong cách kiến trúc “lai” Việt, Pháp, Hoa, Thái… Chúng ta thường hay nói đùa mang tính giễu cợt rằng kiểu cách đó “cải lương” hay “tân cổ giao duyên”, nhưng thực tế đang diễn ra ở nông thôn và ngoại thành cả nước cho thấy phong cách chiết trung ở mức thô thiển cũng có thể là một “mã gen” kiến trúc của người Việt Nam? – Nếu thật là như vậy, thì chính cái thô thiển đó, nếu được thúc đẩy có chủ ý sáng tạo, có thể sẽ đạt tới đỉnh cao. Chúng ta hãy chờ xem.

4. Xu hướng kiến trúc “mạch dân tộc”


Thư viện Quốc gia miền Nam Việt Nam (1972, Sài Gòn) – KTS Nguyễn Hữu Thiện.

Đây là con đường khó khăn nhưng có thể sẽ là vinh quang nhất của kiến trúc Việt Nam. Đó là xu hướng xuất phát từ chính văn hóa, tinh thần, mã gen của dân tộc để thích ứng và khai phá thời cuộc. Đây cũng chính là con đường mà trong hội họa đã tạo ra những danh họa Nguyễn Gia Trí, Nguyễn Tư Nghiêm, Nguyễn Sáng…; nhìn ra thế giới thì đây cũng là hướng đi của kiến trúc đương đại Nhật Bản, đã chứng minh với những thành quả nhất định. Tuy hiện nay chưa có KTS nào dẫn lối hay nằm trọn hoàn toàn ở xu hướng này, nhưng vẫn có một số công trình kiến trúc khiến ta phải xếp chúng vào. Đó là Bảo tàng Việt Bắc (1963, Thái Nguyên) của KTS Hoàng Như Tiếp, Dinh Độc Lập (1966, Sài Gòn) của KTS Ngô Viết Thụ, Thư viện Quốc gia miền Nam Việt Nam (1972, Sài Gòn) của KTS Nguyễn Hữu Thiện, và đặc biệt là Đài tưởng niệm Bắc Sơn (1994, Hà Nội) của KTS Lê Hiệp… Các công trình này tuy mới chỉ dừng lại ở việc sáng tạo những chi tiết đắt giá chứ chưa hợp thành một lối tạo hình mới, nhưng cũng đủ cho ta thấy sự khác biệt với phần còn lại của thế giới. Một số công trình của các KTS trẻ gần đây theo xu hướng kiến trúc bền vững, sử dụng vật liệu địa phương, như Võ Trọng Nghĩa, Hoàng Thúc Hào, Nguyễn Hòa Hiệp… cũng có chút ít tinh thần của xu hướng này nhưng chưa rõ và chưa mạnh, cần thêm thời gian để đánh giá. Xin nhắc lại, mạch truyền thống là cái được sáng tạo từ bên trong, rất mãnh liệt, đầy ma lực và thần thánh, chứ không thể đi từ bên ngoài bằng sự đối chiếu, học hỏi, gán ghép.

Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói với cụ Huỳnh Thúc Kháng răng: “Dĩ bất biến ứng vạn biến”. Nếu như giữ chắc cái tinh thần cốt cách được thử thách và được di truyền hàng ngàn năm của dân tộc, thì khi gặp những hiện tượng mới ta sẽ biến chúng thành của mình và làm phong phú thêm cho chính mình. Kiến trúc đương đại thế giới đang vận động mạnh mẽ, như những con sóng to có thể nuốt chửng bất cứ một nền kiến trúc bản địa bạc nhược nào. Trước những hình khối đầy thách thức và dọa dẫm đó, trước những trang viết lý luận phê bình muốn khuynh loát tư tưởng mỹ học của cả thế giới kia, chúng ta, các KTS Việt Nam, nên bình tĩnh và tỉnh táo, chọn đúng vũ khí “bất biến” của mình để chống lại cái “vạn biến” bên ngoài.
 
VLXD.org (TH/ Tạp chí Kiến trúc)

Ý kiến của bạn

Thương hiệu vật liệu xây dựng