Cá cược game - Game Thể Thao 24H

Thông báo Việc làm Hỏi đáp chuyên ngành

Cát, Đá, Sỏi

Cát là tài nguyên đang được “săn lùng” nhiều nhất trên thế giới

03/05/2017 - 03:02 CH

Trong khi thế giới đang tập trung sự chú ý của mình vào những nguồn tài nguyên chiến lược như dầu mỏ, lương thực, nước sạch thì một loại tài nguyên khác không kém phần quan trọng đang bị cạnh tranh khốc liệt, đó là đất cát.
>> Khai thác tràn lan, báo động cạn kiệt cát
>> Cơn sốt cát toàn cầu gây hại thế nào?
>> Thế giới đang lên cơn sốt cát

Nhu cầu sử dụng đất cát trên toàn cầu đang tăng chóng mặt. Tại nhiều nơi trên thế giới, thậm chí những thế lực ngầm cũng sẵn sàng đâm chém nhau để có thể sở hữu loại tài nguyên tưởng chừng không đáng giá này.

Tại Ấn Độ, các băng đảng xã hội đen đe dọa người dân địa phương để khai thác và vận chuyển trái phép loại tài nguyên này. Ở Marocco và vùng biển Caribbean, những kẻ trộm cát hoàng hành trên các bãi biển cạn. Số liệu của Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) thì cho thấy một nửa số cát dùng cho các công trình ở Morocco đến từ các bãi khai thác trái phép.

Theo chương trình môi trường của Liên hiệp quốc (UNEP), dù không thể tính toán chính xác lượng đất cát khai thác trái phép nhưng loại tài nguyên này chiếm 85% lượng khai thác toàn cầu mỗi năm, tương đương hơn 40 tỷ tấn và trở thành loại tài nguyên được khai thác nhiều nhất thế giới.

Nguồn tài nguyên chiến lược

Với tốc độ phát triển đáng kinh ngạc của nền kinh tế Châu Á, nhu cầu đất cát trong trộn bê tông và làm nhựa đường ngày một cao và không có gì đáng ngạc nhiên khi Châu Á trở thành thị trường nóng bỏng của cuộc đại chiến ngành đất cát. Nền kinh tế lớn nhất khu vực này là Trung Quốc chiếm đến 50% nhu cầu đất cát của toàn thế giới khi đầu tư mạnh tay cho cơ sở vật chất hạ tầng. Tính riêng trong khoảng 2011-2014, Trung Quốc đã xây 32,3 triệu ngôi nhà cùng 4,5 triệu km đường xá.

Ngoài tác dụng lớn trong ngành xây dựng, đất cát cũng được sử dụng rộng rãi trong công nghiệp khi là nguyên liệu chủ chốt để làm kính, làm các thiết bị điện tử hoặc đóng vai trò quan trọng trong khai thác dầu mỏ.

Đặc biệt tại một số quốc gia như Singapore, đất cát còn là tài nguyên chiến lược cần được dự trữ để lấp biển mở rộng đất liền. Kể từ thập niên 1960 tới nay, Singapore đã mở rông diện tích thêm 20% nhờ phương pháp này và phần lớn cát được nhập từ các nước láng giềng như Campuchia, Indonesia, Malaysia hay Thái Lan. Trong vòng 20 năm qua, quốc gia này đã nhập khoảng 517 triệu tấn cát.

Mặt khác, những quần đảo như Maldives hay Kiribati cũng nhập khẩu cát để nâng nền đất trước hiện tượng nước biển dâng cao.

Tồi tệ hơn, Liên hiệp quốc (UN) dự báo vào năm 2030, thế giới sẽ có hơn 40 siêu thành phố với dân số bình quân 10 triệu người mỗi đô thị, cao hơn so với 31 siêu thành phố năm 2016. Năm 2015, khoảng 54% dân số hiện nay sống tại các đô thị và tỷ lệ này sẽ đạt 66% vào năm 2050.
 

Kể từ năm 1950, số lượng dân cư tại thành thị đã tăng gấp 4 lần trên toàn thế giới lên 4 tỷ người, chiếm hơn 50% tổng dân số thế giới. Thậm chí UN dự đoán sẽ có thêm 2,5 tỷ người nữa chuyển đến các thành phố trong 30 năm tới.

Điều này đồng nghĩa với việc sẽ có thêm nhà cửa, công trình được xây và nhu cầu đất cát sẽ còn tăng mạnh nữa.

Riêng tại Trung Quốc, hơn 500 triệu người dân đang sống tại các vùng thành thị, nhiều gấp 3 lần so với cách đây 60 năm và bằng tổng dân số thành thị của cả Mỹ, Canada và Mexico cộng lại.

Theo tờ Guardian, một thương lái ngành cát tại Thượng Hải-Trung Quốc có thể thu nhập đến 200.000 USD/năm nhờ sự bùng nổ xây dựng tại những thành phố lớn như thế này. Kể từ năm 2000, thành phố này đã có thêm 7 triệu dân và đã xây nhiều nhà cao tầng hơn cả thành phố New York trong 10 năm qua.

Ngoài ra, mực nước biển đang ngày một dâng cao do biến đổi khí hậu và đất cát dường như là giải pháp hiệu quả nhất để đối phó với tình trạng này.

Vậy tại sao đất cát lại đắt giá đến như vậy khi chúng ta thấy chúng khắp mọi nơi? Nguyên nhân rất đơn giản, cát sa mạc quá mềm và trơn nên không thể dùng cho xây dựng trong khi những ngành công nghiệp lại đòi hỏi các loại đất cát khác nhau tùy vào nhu cầu.

Những ngành như bê tông hay làm kính đều cần những loại cát nằm sâu dưới biển hay ở lòng sông. Hệ quả là dù đất cát có ở khắp mọi nơi nhưng không phải loại nào cũng được khai thác để tiêu thụ.

Bên cạnh đóm ngành xi măng cũng tiêu thụ rất nhiều đất cát. Khảo sát của tổ chức USGS cho thấy ngành xi măng tại Mỹ đã tiêu thụ khoảng 11 tỷ tấn đất cát năm 1994 và con số này tăng lên 26 tỷ tấn vào năm 2012.
 

Trên toàn thế giới, sản lượng ngành xi măng đã tăng gấp 3 lần từ 1,37 tỷ tấn năm 1994 lên 3,7 tỷ tấn năm 2012. Trong đó tăng mạnh nhất là Châu Á và Trung Quốc. Tính trong vòng 20 năm đến năm 2013, nhu cầu sử dụng xi măng của Trung Quốc đã tăng 437,5%. Trong vài năm qua, tổng lượng xi măng nước này sử dụng bằng tổng số nước Mỹ đã dùng trong thế kỷ 20.

Một ngành nữa cũng ngày càng sử dụng nhiều đất cát là khai thác dầu mỏ khi các nhà sản xuất phát hiện ra dùng cát trong khai thác dầu đá phiến sẽ giúp nâng năng suất. Số liệu của USGS cho thấy tỷ lệ dùng cát trong khai thác dầu đá phiến Mỹ đã tăng mạnh từ 5% năm 2003 lên 72% năm 2014.

Thông thường, các công trình không mua cát quá đắt vì chúng không kinh tế mà sử dụng nguồn cát từ những nơi gần đó, hoặc từ những nhà môi giới. Tuy nhiên, các quốc gia giàu có như Singapire hay Qatar lại nhập khẩu rất nhiều cát cho xây dựng và lấp biển. Rất nhiều đất cát ở Australia đã được vận chuyển bằng đường biển, qua các vùng sa mạc để xây tòa tháp nổi tiếng Burj Khalifa nổi tiếng của Dubai.

Những hệ lụy tai hại

Hầu hết các quốc gia hiện nay đều có quy định về nơi được phép khai thác cát và bao nhiêu cát được phép lấy. Tuy nhiên, nhu cầu ngày một tăng cao khiến tình trạng khai thác cát trái phép vẫn lan rộng tại nhiều nước đang phát triển.

Hậu quả của tình trạng này là nhiều khu vực bị khai thác quá đà không kịp tái tạo một cách tự nhiên, qua đó làm ô nhiễm môi trường, hủy hoại nguồn sống và gián tiếp tạo nên các vụ thiên tai.

Trên thực tế, việc Singapore là một trong những quốc gia nhập khẩu nhiều cát nhất trên thế giới đang khiến các nước láng giềng không hài lòng. Hầu hết các nước láng giềng của Singapore đã có những biện pháp siết chặt quản lý, thậm chí cấm xuất khẩu đất cát nhưng chính điều này lại khiến tệ nạn khai thác trái phép bùng phát

Theo các nhà hoạt động môi trường ở Campuchia, khoảng 500 triệu tấn đất cát đã bị khai thác trái phép tại tỉnh Koh Kong để vận chuyển đến Singapore bất chấp điều này gây ô nhiễm môi trường cũng như làm giảm nguồn cá của ngư dân nơi đây.


Một bức ảnh phản đối việc khai thác cát trái phép của các tổ chức xã hội

Mỗi ngày, hàng trăm chiếc phà khai thác cát trái phép hoạt động trong vùng Koh Kong, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống của người dân. Mặc dù Thủ tướng Hun Sen đã ban hành lệnh cấm khai thác cát vào năm 2009 sau khi 1.500 ngư dân cùng nộp đơn khiếu nại lên chính phủ nhưng quy định này chỉ giới hạn trong các dòng sông cũng như không có nhiều hiệu quả với các băng đảng khai thác trái phép.

Nhà vận động xã hội người Tây Ban Nha, ông Alex Gonzalez Davidson cho biết mỗi năm ngành cát giao dịch khoảng 70 tỷ USD và có ít nhất 15 tỷ USD là đến từ các mỏ khai thác trái phép.

Vụ việc ngày càng nghiêm trọng hơn khi Malaysia xét xử công khai nhiều quan chức vào năm 2010 vì tội nhận hối lộ, bảo kê cho các băng đảng khai thác cát trái phép để bán cho Singapore. Nguồn nhập khẩu cát chính hiện nay của Singapore đến chủ yếu từ Myanmar, Campuchia và Philippines. Theo UNEP, do công cuộc lấp biển mở đất mà tính bình quân đầu người, Singapore là quốc gia sử dụng nhiều cát nhất thế giới hiện nay.

Không riêng gì Đông Nam Á, Trung Quốc cũng đang chịu ảnh hưởng nặng từ việc khai thác cát. Vùng hồ Poyang thuộc tỉnh Giang Tây nổi tiếng là môi trường sinh thái cho nhiều loài sinh vật, nhưng giờ đây mọi thứ đã thay đổi khi tình trạng khai thác cát lậu đã khiến nhiều loài biến mất ở vùng hồ này. Trong khi đó, ngư dân quanh đây ngày càng đánh bắt được ít hơn do các loài thủy sản đã biến mất do ô nhiễm môi trường.


Vùng hồ Poyang-Trung Quốc bị ô nhiễm nặng do khai thác cát trái phép

Trong khi đó tại Ấn Độ, ngành khai thác cát trái phép đã trở thành tệ nạn khó giải quyết khi dẫn đến các vụ đâm chém, giết người tranh giành quyền khai thác. Tổng số lượng cát dùng cho ngành xây dựng hàng năm đang tăng gấp 3 lần kể từ năm 2000 và vẫn còn tiếp tục tăng mạnh.

Hiện nay, chính phủ các nước đã có chính sách mạnh tay hơn với ngành khai thác cát nhưng có lẽ nhu cầu ngày một tăng cao với loại tài nguyên này đang khiến công cuộc quản lý ngày một khó khăn hơn. Với đà khai thác như hiện nay, trong tương lai không xa có lẽ không phải dầu mỏ mà chính nguồn nước và cát mới là loại tài nguyên dẫn đến nhiều xung đột trên thế giới.

Nguồn: CafeF
 

Ý kiến của bạn

Thương hiệu vật liệu xây dựng