Gian lận thương mại tràn lan
Hơn nửa năm trôi qua kể từ khi Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) phản ánh tình trạng nhập khẩu ồ ạt
thép cuộn vào Việt Nam và nghi ngờ việc này nhằm lẩn tránh thuế tự vệ thương mại nhưng tình hình vẫn tiếp diễn. Cụ thể, những tháng cuối năm 2016, lượng thép cuộn nhập khẩu theo các mã HS (mã số phân loại hàng hóa xuất nhập khẩu) đang bị áp thuế tự vệ thương mại giảm mạnh, nhưng lượng thép cuộn theo các mã HS không thuộc đối tượng áp thuế tăng lên đột biến. Khi thay đổi mã HS của sản phẩm, doanh nghiệp (DN) chỉ bị áp thuế 3% so với mức thuế tự vệ 15,4 - 35,4% tùy mã theo quy định áp thuế tự vệ. Đi kèm với hiện tượng này là số
doanh nghiệp chuyên nhập khẩu các loại thép cuộn không thuộc danh mục bị áp thuế được thành lập.
Vì thế, VSA kiến nghị Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công thương) xem xét mở rộng phạm vi áp dụng thuế tự vệ đối với các mặt hàng thép cuộn; đưa các mã số HS của sản phẩm thép cuộn còn lại vào danh mục hàng hóa cần quản lý chặt. Tháng 3 vừa rồi, Tổng cục Hải quan đã có văn bản yêu cầu cục hải quan các tỉnh, thành chỉ đạo các chi cục hải quan thực hiện nghiêm túc, đúng quy định việc lấy mẫu phân tích, giám định, kiểm tra thực tế hàng hóa và chứng nhận chất lượng thép nhập khẩu sau khi có phản ánh của VSA. Đồng thời, giám sát chặt chẽ việc lấy mẫu để giám định, kiểm tra chuyên ngành, không để xảy ra trường hợp mẫu được gửi đi phân tích, giám định không phải là hàng hóa thực nhập. Tuy nhiên, trả lời Thanh Niên, Phó chủ tịch VSA Nguyễn Văn Sưa cho biết đến nay tình trạng này vẫn đang tiếp diễn.
Ước tính,
giá thép nhập khẩu từ Trung Quốc và nếu không bị áp thuế tự vệ thì sẽ rẻ hơn từ 30 - 40% so với thép sản xuất trong nước. “Thậm chí trước đây các doanh nghiệp khi nhập khẩu thép cuộn còn đưa ra lý do trong nước chưa sản xuất được nhưng thực tế đây là những mặt hàng Việt Nam đã sản xuất và nguồn cung còn cao hơn lượng tiêu thụ. Vì vậy các doanh nghiệp trong nước đã phải cạnh tranh vất vả, đặc biệt với tình trạng gian lận thương mại như trên”, ông Nguyễn Văn Sưa nói.
Đại diện một số doanh nghiệp thép cho biết tình trạng nhập khẩu các sản phẩm thép có yếu tố “hợp kim” để hưởng thuế nhập khẩu 0% thay vì mức 5 - 10% (tùy loại) đã được phản ánh nhiều năm qua nhưng vẫn diễn ra liên tục. Giám đốc một doanh nghiệp sản xuất thép tại phía nam cho biết trong quá trình sản xuất, sản phẩm đã được bỏ nguyên tố boron (nguyên tố Bo) hoặc crom để có tên là “thép hợp kim” nhằm hưởng thuế suất nhập khẩu 0%, nhưng thực tế toàn bộ loại thép này khi nhập khẩu về Việt Nam đều dùng để xây dựng. Tất nhiên, sản phẩm này rẻ hơn so với thép xây dựng có thương hiệu trong nước và chủ yếu được tiêu thụ mạnh ở các tỉnh thành, vùng sâu vùng xa. Quan trọng hơn, có những sản phẩm bị ăn gian về nguyên phụ liệu như giảm bớt độ dày của sản phẩm, trộn tạp chất sẽ khiến cho chất lượng thép bị giảm. Thậm chí có đơn vị khi nhập khẩu thép nhưng khai báo sản phẩm hoàn toàn khác như là sản phẩm đá hoa, bồn cầu…
Thay đổi mã hàng khi nhập khẩu, cho thêm chất phụ gia hoặc núp dưới dạng phế liệu..., hàng triệu tấn sắt thép ngoại đã và đang ồ ạt vào Việt Nam.
Nhà nước thất thu thuế, doanh nghiệp lao đao
Số liệu từ Tổng cục Hải quan công bố 5 tháng đầu năm nay, kim ngạch nhập khẩu
sắt thép các loại vào Việt Nam đạt 6,83 triệu tấn, trị giá 3,97 tỉ USD. Dù trị giá nhập khẩu chung giảm 18,9% so với cùng kỳ năm trước nhưng trị giá sắt thép các loại nhập khẩu từ Trung Quốc 5 tháng qua vẫn tăng 24% với trị giá 1,89 tỉ USD, nhập khẩu từ thị trường Hàn Quốc đạt 492 triệu USD, tăng 32,5%...
Thế nhưng, con số thực tế có thể khác rất nhiều. Theo một chuyên gia kinh tế, năm 2016, số liệu công bố của Việt Nam kim ngạch nhập khẩu từ Trung Quốc là 49,4 tỉ USD, nhưng số liệu của phía Trung Quốc thì xuất khẩu từ nước này vào Việt Nam đạt 66,5 tỉ USD. Như vậy một số liệu hàng hóa trị giá 17 tỉ USD đã được đưa vào thị trường Việt Nam theo những con đường “ngầm”, trong đó nhóm hàng kim loại sắt thép chiếm một tỷ trọng khá lớn. Đồng thời, thống kê nhập khẩu trong vòng 5 năm qua của cơ quan hải quan cũng cho thấy số lần vi phạm trong nhập khẩu kim loại sắt thép dẫn đầu với 83 lần, hóa chất là 37 lần, dệt may là 12 lần…
Để bảo vệ sản xuất trong nước, Việt Nam đã áp dụng thuế chống bán phá giá đối với các mặt hàng sắt thép nhập khẩu vào Việt Nam như thép mạ, thép hình chữ H, phôi thép và thép dài, thép không gỉ cán nguội... Nhưng các biện pháp này hầu như không có tác dụng. Theo ông Nguyễn Văn Sưa, việc khai báo gian lận hay nhập khẩu không qua con đường không chính ngạch làm méo mó cán cân cung cầu, méo mó thị trường thép nội địa. Bản thân nhiều doanh nghiệp thép trong nước phải cầm cự khó khăn khi đối đầu với sản phẩm giá rẻ từ Trung Quốc tràn vào.
Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long đánh giá việc gian lận thương mại khi nhập khẩu khiến cho chính sách phòng vệ thương mại nhằm hỗ trợ ngành sản xuất trong nước bị phá sản. Ngoài việc ảnh hưởng tiêu cực đến sản xuất trong nước thì Chính phủ đã bị thất thu thuế trầm trọng. Đáng lo ngại, thép liên quan đến an toàn công trình xây dựng, tính mạng của người dân nên việc nhập lậu, gian lận nếu không kiểm soát chặt sẽ gây ra những hệ lụy lớn.
“Việc kiểm tra hàng hóa nhập khẩu là trách nhiệm đầu tiên của cơ quan hải quan. Việc áp dụng chính sách hậu kiểm cũng là kẽ hở để tình trạng gian lận thương mại xảy ra. Vì vậy khi có phản ánh từ phía doanh nghiệp và hiệp hội, hải quan phải kiểm tra chặt chẽ hơn. Bên cạnh đó, Việt Nam nên sớm ban hành bộ tiêu chuẩn về chất lượng sản phẩm sắt thép để kiểm soát chất lượng đồng nhất chung nhằm bảo vệ người dùng”, chuyên gia Ngô Trí Long chia sẻ thêm.
Siết chặt chất lượng thép nhập khẩu vào Việt Nam
Theo Thông tư liên tịch số 58/2015/TTLT-BCT-BKHCN ngày 31.12.2015 do Bộ Công thương, Bộ Khoa học - Công nghệ ban hành, thép nhập khẩu phải qua 2 bước
kiểm tra, gồm: Bước 1 đánh giá sự phù hợp về chất lượng của thép do các tổ chức đánh giá sự phù hợp được chỉ định thực hiện. Bước 2, kiểm tra nhà nước về chất lượng do cơ quan kiểm tra nhà nước thực hiện. Cơ quan hải quan chỉ thông quan hàng hóa khi tổ chức, cá nhân nhập khẩu cung cấp bản thông báo kết quả kiểm tra chất lượng hàng hóa nhập khẩu đáp ứng yêu cầu chất lượng theo quy định. Riêng đối với các mặt hàng thép hợp kim có chứa nguyên tố Bo từ 0,0008% trở lên, thép hợp kim có chứa nguyên tố crom từ 0,3% trở lên, hoặc thép sản xuất que hàn, ngoài các chứng từ quy định về kiểm tra chất lượng nêu trên, doanh nghiệp nhập khẩu thép phải bổ sung bản đăng ký mục tiêu, năng lực sản xuất có xác nhận của Bộ Công thương (trường hợp tổ chức, cá nhân nhập khẩu thép đồng thời là người sử dụng thép) khi làm thủ tục nhập khẩu. |
Theo Thanh niên