Cá cược game - Game Thể Thao 24H

Thông báo Việc làm Hỏi đáp chuyên ngành

VLXD hoàn thiện tường, trần

Ứng dụng của đá - Từ vật liệu hoàn thiện đến trang trí phong thủy

05/05/2024 - 02:13 CH

Mùa nóng bắt đầu, và cái nóng ngày càng dữ dội. Thời tiết Việt Nam không chỉ tuân theo quy luật nhiệt đới, mà càng ngày càng chịu tác động biến đổi khí hậu gay gắt hơn. Nắng đó rồi mưa đó, ngôi nhà cũng ngày càng chịu nhiều áp lực để có thể tồn tại bền vững, linh hoạt và hữu dụng.

Đá ốp lát, cây xanh, mặt nước... khéo phối hợp nhau làm nên nét đẹp riêng cho dù nhà hiện đại hay cổ điển.

Việc chọn vật liệu nào để xây dựng và hoàn thiện nhà cửa lâu nay đã dần qua thời kỳ cần “đủ ăn đủ mặc” mà đi vào “ăn ngon mặc đẹp” hơn. Thế nhưng, song hành với các vấn đề thích ứng khí hậu đang ngày càng biến đổi, chuyện phong thủy trong chọn lựa vật liệu lại nổi lên nhu cầu tìm về bản chất tự nhiên, tìm sự hòa hợp, tìm sự bền vững theo cách thức văn minh và có văn hóa.

Ngôi nhà xây gạch trần, nhà bọc kính kín mít, nhà mái hiên rộng lợp tranh tre rơm rạ… dễ dàng tìm thấy trên các phương tiện truyền thông. Nhưng hiếm nhà nào chỉ ra hết các “nỗi khổ thầm kín” của người dùng bên trong, của tốn kém và kỳ công trong xây dựng, của xả thải môi trường trong chế tác và sử dụng, và những “hy sinh vì nghệ thuật” của gia chủ lẫn nhà chuyên môn để có được các công trình “độc, lạ, thu hút triệu view” đó.
 
Vốn là bạn đồng hành trong mọi công trình xây dựng, từ chốn trú ngụ ban sơ thuở hồng hoang nơi những hang đá tiền sử, cho đến lâu đài, cung điện phong kiến, hay biệt thự nghỉ dưỡng hiện đại… Dù góp mặt trực tiếp tại cấu trúc sơ khởi, hay gián tiếp nhấn nhá trong khâu hoàn thiện, hầu như đá và các biến thể của chất liệu này đã khẳng định ưu điểm bền chắc, vững chãi, bề thế, hoành tráng. Không cần dẫn chứng ra bao nhiêu liên tưởng, hoài niệm, xúc cảm… của con người với đá đến độ vượt qua cả tính chất lý hóa thông thường của một loại chất liệu để xây dựng, chỉ riêng khả năng che chở chống chọi với thời tiết, và tính chất làm mát tự nhiên của chất liệu này cũng đáng để lưu tâm.

Từ chuyện “nhà mát nhờ đá”

Đá và sỏi cũng là chất liệu được ưa chuộng khi hoàn thiện trong và ngoài nhà ở. Cấu trúc nhà cửa các vùng miền Việt Nam ta khá phong phú đa dạng do có nhiều điều kiện địa hình khác nhau, nguồn vật liệu phong phú và giao thoa về văn hóa qua nhiều thời kỳ lịch sử. Việc sử dụng đá tự nhiên, và sau này là đá nhân tạo cũng đa dạng, tuy nhiên đang có khuynh hướng “cào bằng” giữa các vùng miền về cấu trúc nhà cửa khiến không chỉ làm phai nhạt đặc trưng địa phương vốn được hình thành từ sự “khôn ngoan bản địa”, mà còn nảy sinh ra kiểu sử dụng vật liệu thiếu cân nhắc đặc thù khí hậu, khiến tốn kém gia tăng mà các bất tiện, nóng nực không hề thuyên giảm. 

Những làng cổ như Đường Lâm ở Sơn Tây, Hà Nội với những ngôi nhà có tuổi thọ lên tới vài trăm năm được xây hoàn toàn từ đá ong. So với các loại đá tự nhiên khác như đá xanh, đá hoa cương… thì đá ong có kết cấu xốp hơn, bề mặt lỗ chỗ nhiều lỗ rỗng, được xem là một trong số ít vật liệu có khả năng “điều hòa nhiệt độ” cho công trình. Khi nhiệt độ ngoài trời cao nhưng lượng nhiệt đá ong hấp thụ ít nên không gian trong nhà luôn mát mẻ. Còn khi mùa đông lạnh giá thì đá ong cũng giúp nhà bớt lạnh nhờ đặc tính kể trên. Nhà cửa trên cao nguyên đá Đồng Văn cũng theo kiểu “hè mát đông ấm” như vậy

Nhưng không phải vùng nào cũng sẵn đá tự nhiên, cộng thêm cạn kiệt tài nguyên khi khai thác quá mức, nên chuyện “nhà mát nhờ đá” cần hiểu trên nguyên tắc cách nhiệt của nhóm vật liệu có độ xốp rỗng do hạn chế được các hình thức truyền nhiệt cơ bản, có thể đúc kết cách xử lý qua một số nguyên tắc như sau:
 

Hiệu quả giải nhiệt tạo nên từ bề mặt xốp rỗng, cách sắp xếp, phối kết đá với mái, tường, cửa, sân…

- Nếu hình khối và kết cấu không thể, thì ít nhất bề mặt vật liệu hướng ra vùng chịu nắng gắt phải có khả năng tạo nên bóng râm bề mặt. Bóng bản thân do mặt lồi lõm, nhiều lỗ rỗng, do cách lát đá đan xen nhiều kích cỡ và chiều hướng sắp xếp đa dạng… đều giúp giảm bức xạ nhiều hơn so với mặt đá nhẵn lì. Các mảng tường tô đá rửa giản dị, hay thậm chí dùng mảng cây xanh leo trên bề mặt cũng là một cách tạo bóng râm hiệu quả.

- Chọn lựa tông màu sáng, trắng xám, vàng nhạt… cho các mảng ốp lát đá bị “phơi” dưới vùng bức xạ nhiệt lớn, cụ thể là các hướng từ nam, tây nam, vòng qua tây, tây bắc để tránh hút nhiệt, tăng phản xạ nhiệt. Với các hướng bắc, đông bắc, đông thì có thể dùng đá màu đậm hơn, xám hay đen…

- Giảm độ dẫn nhiệt của mảng tường bằng cách cấu tạo liên kết đá có lớp đệm không khí ở giữa. Ví dụ như nên làm - thậm chí là phải làm - hệ khung để giữ lớp đá trên tường hoặc sàn mái, thay vì ốp lát trực tiếp. Việc tích tụ nhiệt trong lớp kết cấu sẽ gây nứt vỡ và thấm, ngấm, bong tróc. Lớp khung liên kết giúp các tấm đá (hay gạch) ổn định và co giãn được dưới cường độ nhiệt, biên độ nhiệt nóng lạnh thay đổi đột ngột. Một kiểu làm khác cũng tuân theo triết lý “lớp đệm, lớp khung, lớp chuyển tiếp” này là xen vào giữa lớp tường xây với mảng ốp đá là lưới thép, tấm cách nhiệt.

Đến chuyện dùng đá như yếu tố phong thủy

Trong nhóm vật liệu hoàn thiện nhà cửa được cho là sang trọng và khá “nặng ký” về khối lượng lẫn chi phí, đá vẫn đứng đầu. Giữa bối cảnh biến đổi khí hậu ngày càng rõ nét, liệu đá có khả năng đáp ứng yếu tố bền vững, thân thiện và tiết kiệm năng lượng để làm mát cho không gian sống không? Vấn đề là cho dù dùng vật liệu nào, chắc chắn lời giải để làm mát cho không gian sống, tăng tiện nghi và thẩm mỹ phải đi từ kinh nghiệm truyền thống đến thực nghiệm hiện đại, và cân bằng được nhiều mặt các lợi ích kinh tế, công năng cũng như thẩm mỹ, cụ thể các yếu tố sau:
 

Đá và nước biểu tượng cho sự bền vững và tài lộc nên hay được dùng như giải pháp phong thủy.

- Yếu tố kết hợp: Do đặc thù tư duy tổng hợp của cư dân nông nghiệp lúa nước, nên nhà Việt xưa nay không thuần một dạng vật liệu, mà hay kết hợp nhiều chủng loại, quy cách. Gạch, gỗ, đá thường phối hợp thành nhóm và kết hợp cùng cảnh quan - nội thất như dạng chất liệu trang trí, có tỷ lệ và độ thay đổi thêm bớt. 

- Yếu tố linh hoạt: Người Việt luôn muốn đưa thiên nhiên vào gần hơn nơi sống, cho nên nếu gặp diện tích nhỏ hẹp thì gia chủ vẫn có các giải pháp bố trí linh hoạt. Một số gia đình có điều kiện thì dùng trang trí bằng đá như tượng đá, trụ đá, cầu đá… nơi sân vườn, nhưng đa số ít câu nệ vào số lượng mà thiên về chọn lọc kỹ hơn. Việc dùng mảng trang trí bằng đá thô cũng đòi hỏi cân nhắc kỹ lưỡng cả về mẫu mã lẫn khả năng duy trì, vệ sinh… và đá nhân tạo làm bàn bếp, quầy bar… đang dần chiếm ưu thế.

- Yếu tố Quân bình: Vườn Việt thường giữ tỷ lệ hợp lý của các thành phần đá và cây cỏ, không quá thiên lệch như vườn đá Nhật Bản. Tính chất Dịch lý đề cao yếu tố cân bằng động chứ không chia đều, quan tâm đến tương tác của nhiều thành phần, bù trừ qua lại để xếp đặt đá sỏi và cây cỏ hài hòa nhau. 

- Yếu tố Tâm linh: Xem trọng yếu tố tín ngưỡng và đời sống tinh thần, trong nếp nhà Việt thường gặp nhiều tính biểu tượng và ẩn dụ, như một bàn thờ thiên nhỏ, một góc đặt tượng Phật, hay các trang trí gỗ, đá, gốm… có tên gọi liên quan đến may mắn, phúc lộc, bình an. Nước cũng được người Việt xem như biểu trưng cho tài lộc nên có nhiều giải pháp kết hợp đá với nước như dùng cối đá chứa nước, thác nước ghép bằng đá… để kết hợp với nhau trở thành kiểu phối hợp đem lại sự mát mẻ cả về thị giác lẫn vật lý trong không gian sống.

Tóm lại, ngôi nhà Việt với cách dùng vật liệu thô mộc (về khai thác cũng như kỹ thuật thi công) là nét đặc trưng làm nên văn hóa sống thích ứng tốt. Trong toàn bộ các vật liệu góp mặt cho ngôi nhà Việt, cấu trúc đá không phải chiếm tỷ lệ lớn nhưng khá nhất quán với các chất liệu khác (gỗ, tre, ngói, gốm…) làm nên nét đặc sắc thông qua kỹ thuật xây dựng bản địa rất khôn khéo, đáng để ngày nay học hỏi, kế thừa.

VLXD.org (TH/ NĐT)
 

Ý kiến của bạn

Thương hiệu vật liệu xây dựng