Cá cược game - Game Thể Thao 24H

Thông báo Việc làm Hỏi đáp chuyên ngành

Chuyên đề vật liệu xây dựng

Giải pháp hạn chế nứt trên khối xây gạch xi măng cốt liệu

14/09/2024 - 03:09 CH

Bài viết tập trung nghiên cứu về nguyên nhân gây nứt và giải pháp hạn chế hiện tượng nứt trên khối xây sử dụng loại gạch xi măng cốt liệu đang được sử dụng phổ biến ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). Trên cơ sở thực nghiệm xác định nguyên nhân gây nứt trên khối xây sử dụng gạch xi măng cốt liệu, bài báo đề xuất xem xét thêm hai chỉ tiêu kỹ thuật quan trọng khi nghiệm thu gạch xi măng cốt liệu (ngoài các chỉ tiêu kỹ thuật đã đề cập trong TCVN 6477: 2016), đó là: hệ số mềm và biên độ co - nở.
Vấn đề nghiên cứu chế tạo và ứng dụng gạch không nung đã được thực hiện nhiều trong và ngoài nước. Tuy nhiên, ở nước ta, việc ứng dụng gạch không nung hiện nay đang gặp thách thức lớn do tình trạng xuất hiện nhiều vết nứt trên khối xây, đặc biệt là khối xây sử dụng gạch xi măng cốt liệu có kích thước nhỏ và câu trả lời cho nguyên nhân nứt nêu trên vẫn chưa rõ ràng. Trên địa bàn các tỉnh khu vực ĐBSCL, gạch xi măng cốt liệu loại có hình dáng tương tự như gạch đất sét nung (gạch 4 lỗ, 2 lỗ có kích thước 8x8x18 cm) được sử dụng phổ biến do người dân đã quen với hình dáng nhỏ gọn của viên gạch đất sét nung.

1. Giới thiệu

Năm 2011, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 567/QĐ-TTg về việc phê duyệt Chương trình phát triển vật liệu xây không nung đến 2020. Theo Quyết định này, khuyến khích phát triển vật liệu xây từ gạch xi măng cốt liệu và gạch nhẹ thay thế cho 50% gạch đất sét nung năm 2015 và thay thế 70% gạch đất sét nung năm 2020 [4,5].

Trong quá trình sử dụng gạch không nung, đã xuất hiện nhiều vấn đề trên khối xây như [6]: nứt, bong tróc vữa xây tô. Về nguyên nhân gây nứt và giải pháp khắc phục hiện tượng nứt trên khối xây sử dụng gạch không nung, năm 2015, PGS.TS Trần Văn Miền và các cộng sự [7] đã thực hiện nghiên cứu vấn đề này trên cơ sở các công trình bị sự cố nứt của UBND TP. Bến Tre.

Ở các dự án này, chủng loại gạch xi măng cốt liệu được sử dụng là gạch 80x80x180 mm có 4 lỗ, đây là loại gạch phổ biến sử dụng trên thị trường vùng ĐBSCL.

Từ những hiện tượng và kết quả thí nghiệm nêu trên, nhóm nghiên cứu nhận định nguyên nhân gây nứt khối xây của tường bao che công trình sử dụng gạch xi măng cốt liệu là do:

- Cường độ của gạch không nung suy giảm nhiều khi gạch hút ẩm;

- Gạch giãn nở khi hút ẩm trong điều kiện khung bê tông cốt thép ngàm xung quanh, từ đó gây ứng suất nội trong khối xây và làm nứt gạch.

2. Tính chất cơ lý của gạch xi măng cốt liệu sử dụng ở vùng ĐBSCL

Bảng 1. Các tính chất cơ lý của gạch không nung loại 4 lỗ, kích thước 80x80x180 mm

Các tính chất cơ lý của gạch xi măng cốt liệu loại 4 lỗ có kích thước 80x80x180 mm, hiện đang được sản xuất và sử dụng phổ biến ở các tỉnh vùng ĐBSCL, được trình bày ở Bảng 1. Kết quả kiểm tra độ co khô của gạch xi măng cốt liệu như thể hiện ở Hình 1 cho thấy rằng, gạch xi măng cốt liệu đạt đỉnh co khô sau khi sản xuất khoảng 45 ngày.


Hình 1. Độ co khô của gạch xi măng cốt liệu theo thời gian.

3. Nguyên nhân nứt khối xây sử dụng gạch xi măng cốt liệu

Nghiên cứu này khảo sát 2 công trình đặc trưng ở Vĩnh Long sử dụng gạch xi măng cốt liệu:

- Trường THCS và THPT Đông Thành, Vĩnh Long.

- Nhà Bia kỷ niệm thành lập chi bộ Đảng đầu tiên tỉnh Vĩnh Long.

Đánh giá nguyên nhân nứt tường gạch xi măng cốt liệu:

Quy trình xác định nguyên nhân gây nứt trên khối xây sử dụng gạch xi măng cốt liệu ở Vĩnh Long được thực hiện theo hướng dẫn của Viện Nghiên cứu Bê tông Nhật Bản (Japan Concrete Institute: Practical Guideline for Investigation, Repair and Strengthening of Cracked Concrete Structures, 2009) [8].

Các kết quả khảo sát tập hợp về những nguyên nhân gây nứt được thể hiện trong Bảng 2.
 
Bảng 2. Tập hợp các kết quả khảo sát

Bảng tổng hợp 2 cho thấy, các nguyên nhân gây nứt có thể là: 

- A2: Nhiệt thuỷ hoá của xi măng khi bê tông trong gạch đang trong quá trình ninh kết. Loại trừ nguyên nhân này vì hỗn hợp bê tông là dạng bán khô, gạch sản xuất sau khoảng 14 ngày mới sử dụng, gạch có kích thước nhỏ nên nhiệt hydrat hóa gây ảnh hưởng căng kéo gây nứt là hầu như không đáng kể. 

- A9 - A10: Kìm hãm co ngót - giãn nở của bêtông trong quá trình gạch đưa vào sử dụng. Co ngót của bê tông khi gạch đưa vào sử dụng chủ yếu là dạng co khô.

- B7: Tác động rung lắc trong giai đoạn bê tông đang ninh kết. Loại trừ nguyên nhân này vì khối xây không chịu tác động rung lắc.

- B17: Không có hoặc đặt khe lún sai, tường quá dài. Loại trừ nguyên nhân này vì khối xây có kích thước phù hợp, không quá dài, không quá cao.

Vì vậy, nguyên nhân chính của việc gây khối xây gạch xi măng cốt liệu của công trình là:

• Kìm hãm co ngót - giãn nở của bêtông trong quá trình gạch đưa vào sử dụng. Co ngót của bê tông khi gạch đưa vào sử dụng chủ yếu là dạng co khô.

4. Giải pháp hạn chế nứt khối xây sử dụng gạch xi măng cốt liệu 

Từ kết quả thực nghiệm khảo sát nguyên nhân nứt khối xây sử dụng gạch xi măng cốt liệu, khảo sát tính chất cơ lý của gạch xi măng cốt liệu đang sử dụng phổ biến ở vùng ĐBSCL, các giải pháp sau được đề xuất để hạn chế hiện tượng nứt trên khối xây sử dụng gạch xi măng cốt liệu xem Bảng 3:

- Bổ sung, cải tiến yêu cầu kỹ thuật của gạch xi măng cốt liệu.

- Cải tiến quy trình xây tô khối xây sử dụng gạch xi măng cốt liệu.

Gạch xi măng cốt liệu phải đáp ứng yêu cầu kỹ thuật của TCVN 6477:2016, ngoài ra gạch xi măng cốt liệu cần phải đáp ứng các chỉ tiêu cụ thể như sau:


Quy trình tô vữa xi măng khối xây gạch xi măng cốt liệu như sau:

• Đóng lưới thép (loại lưới thép có mắt lưới hình thoi, vuông hoặc chữ nhật, ô lưới 20 - 30 mm, sợi thép có đường kính 0,2 - 0,5mm) tại vị trí liên kết giữa cột - tường, và tường - dầm (Hình 2). Bề rộng lưới thép đóng 100 mm.


Hình 2. Đóng lưới thép và tạo khe co giãn tại vị trí cột - tường, và tường - dầm.
 
• Dùng hồ dầu xi măng tưới ẩm bề mặt tường trước khi tô.

• Sàng cát sông để loại bỏ mùn, bùn sét vón cục.

• Trộn đều vữa xi măng để tô tường với tỷ lệ như sau (theo khối lượng): 1 xi măng + 4 cát + 0,6 - 0,8 nước.

• Tô tường với chiều dày mỗi lớp tô không quá 1,5 cm. Nếu chiều dày lớp vữa tô quá 1,5 cm thì sẽ tiến hành tô làm nhiều lớp.

Kết quả nghiên cứu độ co khô của gạch xi măng cốt liệu cho thấy, độ co khô của gạch xi măng cốt liệu tăng dần theo thời gian, đạt đỉnh co khô và ổn định sau 45 ngày từ lúc sản xuất (Hình 1). Vì vậy, nên lựa chọn gạch xi măng cốt liệu có tuổi từ 45 ngày trở lên để thi công khối xây, hoặc dùng phương pháp dưỡng hộ nhiệt ẩm (Hình 3) để rút ngắn thời gian lưu gạch trong bãi sản phẩm của nhà máy khi đẩy nhanh quá trình hydrat hóa của xi măng từ đó làm ổn định độ co khô của gạch khi đưa vào thi công khối xây.

Hình 3. Công ty CP Vật liệu xanh Đại Dũng dùng công nghệ dưỡng hộ gạch xi măng cốt liệu bằng hơi nước nóng.

5. Kết luận

Từ kết quả nghiên cứu, khảo sát thực nghiệm về nguyên nhân gây nứt khối xây sử dụng gạch xi măng cốt liệu ở vùng ĐBSCL, tác giả rút ra những kết luận như sau:

• Hiện tại, ở vùng ĐBSCL, loại gạch xi măng cốt liệu 4 lỗ với kích thước 8x8x18 cm có mác gạch dao động từ 5 - 10 MPa, hệ số mềm hóa mềm của gạch dưới 75%, độ thấm nước của gạch trên 16 Lit/m².h và độ co nở tương đối trên 1 mm/m; 

• Giải pháp hạn chế nứt trên khối xây gạch xi măng cốt liệu tập trung vào: yêu cầu kỹ thuật của sản phẩm gạch xi măng cốt liệu và quy trình xây tô khối xây sử dụng gạch xi măng cốt liệu;

• Cần xem xét thêm hai chỉ tiêu kỹ thuật quan trọng khi nghiệm thu gạch xi măng cốt liệu (ngoài các chỉ tiêu kỹ thuật đã đề cập trong TCVN 6477:2016), đó là hệ số mềm và biên độ co - nở;

• Nên lựa chọn gạch xi măng cốt liệu có tuổi từ 45 ngày trở lên để thi công khối xây, hoặc dùng phương pháp dưỡng hộ nhiệt ẩm để đẩy nhanh quá trình hydrat hóa của xi măng từ đó làm ổn định độ co khô của gạch trước khi đưa vào thi công khối xây.

Tài liệu tham khảo
 
[1] Mohamed Abdalla Almherigh, Common Causes of Cracking in Masonry Walls - Diagnosis and Remedy, International Journal of Sciences: Basic and Applied Research, Vol.14, No.1, 2014.

[2] Concrete Foundations Association of North America, Cracking in Concrete Walls, Tech Notes, CFA-TN-004, 2004.

[3] The American Istitute of Architects, Crack Control in Conrete Masonry Walls, 2005.

[4] Bạch Đình Thiên, Giải pháp công nghệ nâng cao chất lượng gạch không nung, Phát triển vật liệu xây và cấu kiện không nung cho các công trình xây dựng - thực trạng và giải pháp, TP.HCM, 2019.

[5] Trần Văn Miền, Đặc điểm sử dụng vật liệu xây và cấu kiện không nung cho nhà cao tầng tại TP.HCM, Phát triển vật liệu xây và cấu kiện không nung cho các công trình xây dựng - thực trạng và giải pháp, TP.HCM, 2019.

[6] Công nghệ sàn xuất vật liệu xây và cấu kiện xây không nung, Dự án tăng cường sản xuất và sử dụng gạch không nung ở Việt Nam, NXB, 2019.

[7] Trần Văn Miền, Nguyên nhân gây nứt và giải pháp khắc phục nứt khối xây dùng gạch không nung trên địa bàn TP Bến Tre, Báo cáo kỹ thuật, 2015.

[8] Viện Nghiên cứu bê tông Nhật Bản: Hướng dẫn thực hành khảo sát, sửa chữa và gia cố các kết cấu bê tông cốt thép bị nứt, 2009.

[9] TCVN 6477:2016. Gạch bê tông.

 
Nguồn: TC Xây dựng

Thương hiệu vật liệu xây dựng