Cá cược game - Game Thể Thao 24H

Thông báo Việc làm Hỏi đáp chuyên ngành

Doanh nghiệp

Doanh nghiệp chật vật “né” biến động vĩ mô

17/03/2011 - 01:39 CH

Với tình hình hiện nay, nếu chính sách chưa kiên định thì doanh nghiệp cũng “chập chờn”, khó tính toán kế hoạch sản xuất kinh doanh. Bởi vậy, “chìa khóa thực sự đang nằm trong tay Chính phủ”.
Giá cả tăng cao, tỷ giá điều chỉnh, lãi suất chưa hạ nhiệt... Những biến động vĩ mô đều hướng doanh nghiệp đến điều chỉnh trên thực tế.

Những dự báo mới nhất từ các cơ quan Chính phủ cho thấy, tăng trưởng GDP quý 1/2011 có khả năng chỉ đạt 5,4-5,6%, mức thấp nhất kể từ quý 2/2009 đến nay. Theo các chuyên gia kinh tế, đây là hệ quả từ những vấn đề vĩ mô chưa thật vững chắc, dẫn tới việc doanh nghiệp điều chỉnh quy mô sản xuất.


Ảnh minh họa

Không giương buồm to để tránh sóng lớn


Trước tình hình giá cả đầu vào tăng cao, cực chẳng đã, nhiều doanh nghiệp buộc phải tăng giá bán sản phẩm. Bà Nguyễn Thị Thanh Lâm, Phó giám đốc Công ty SG Fisco - doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh thủy sản và thực phẩm chế biến xuất khẩu - cho biết: “Chúng tôi đã phải tăng một đợt giá theo tỷ giá và sắp tới cũng sẽ tăng một đợt nữa”.

Nhưng dường như, cách giải quyết này không phải là gốc của vấn đề. Ông Trịnh Chí Cường, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Nhựa Đại Đồng Tiến lý giải, trong tình hình hiện nay doanh nghiệp phải cắt giảm chi tiêu, ra sản phẩm mới để người tiêu dùng sẵn sàng mua. “Nếu sản phẩm không tăng chất, tăng lượng mà chỉ đơn thuần tăng giá thì sẽ khó sống được qua mùa khó khăn này”, ông khẳng định.

“Với nhận định cơn bão này tương tự năm 2008, tỷ giá tăng, lãi suất tăng và giá cả tăng, chúng tôi đã họp lại để cùng nhìn nhận những biện pháp đã thực hiện vào thời điểm đó để đưa ra được đối sách vào lúc này, không giương buồm cao để tránh sóng lớn”, Phó tổng giám đốc Công ty Cổ phần Công nghiệp cao su miền Nam (Casumina) Lê Văn Trí chia sẻ với các doanh nghiệp cùng dự hội thảo chính sách kinh tế vĩ mô 2011 và giải pháp của doanh nghiệp, được tổ chức mới đây.

Chia sẻ quan điểm này, bà Bùi Thị Thúy Loan, Giám đốc Công ty Bột thực phẩm Tài Ký cũng có chung cái nhìn không mấy lạc quan về triển vọng sắp tới. Bà cho biết: “Lãi suất quá cao, áp lực về giá thành quá lớn, đương nhiên sản phẩm giá cao và như vậy thì sản lượng sẽ giảm”.

Phân tích ở góc độ vĩ mô, TS. Lê Xuân Nghĩa, Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia cho rằng lạm phát chi phí đẩy làm cho sản lượng giảm đi. Và dù các doanh nghiệp có buộc phải tăng giá bán sản phẩm thì tốc độ tăng giá đầu ra vẫn thấp hơn giá đầu vào, và như vậy doanh nghiệp tiếp tục lỗ.

Và như vậy, bài toán sản xuất kinh doanh của nhiều doanh nghiệp lúc này là ưu tiên bảo toàn vốn, chứ không còn “bay bổng” tìm cơ hội kinh doanh như trước.

Hạn chế vay ngân hàng

Tìm giải pháp cho doanh nghiệp lúc này, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho rằng, lúc này các doanh nghiệp phải “tự cứu mình”, xem xét lại chiến lược kinh doanh, thị trường và có những điều chỉnh phù hợp…

TS. Nghĩa lưu ý đây là thời điểm các doanh nghiệp phải lựa chọn và ưu tiên cho những dự định dễ làm, tốn ít tiền làm trước và tuyệt đối tránh những ý tưởng lãng mạn, rùm beng, tốn kém. “Sáng kiến tốt nhất lúc này là tạo ra lợi nhuận ngắn hạn thông qua việc giảm chi phí như tiết kiệm điện, xăng dầu, liên hoàn, hội họp…”, ông nói.

Đồng tình với quan điểm này, lãnh đạo Casumina cho biết, với lãi suất 18% thì sản xuất công nghiệp gặp khó khăn lớn. Vì vậy giải pháp là phải giảm vay và tìm cách quay vòng vốn nhanh. “Ví dụ trước năm 2008, Metro và Casumina ký hợp đồng giao hàng và sau 30 ngày mới giao tiền thì giảm xuống còn 15 ngày và điều này đang phát huy tác dụng”, Giám đốc Lê Văn Trí chia sẻ.

Đối với việc quản lý dòng tiền, Phó chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia cho rằng doanh nghiệp cần rút ngắn thời hạn các khoản thanh toán, hạn chế vay vốn ngân hàng, nhất là vay dài hạn vì lãi suất quá cao mà thay bằng sử dụng tối đa vốn tự có...

Với hoạt động sản xuất, ông Nghĩa lưu ý, doanh nghiệp cần giảm các đơn đặt hàng dài hạn vì có thể chịu rủi ro rất lớn từ tỷ giá hối đoái và giá nguyên liệu đầu vào tăng cao.

Giám đốc Casumina nhìn nhận đây là giải pháp doanh nghiệp đang tính tới, cụ thể là cố gắng thay đổi phương thức thanh toán, tiến tới giao hàng lấy tiền ngay để tránh hàng tồn kho, hoặc khi có biến động lớn khách bỏ hàng; đồng thời giảm đơn hàng dài hạn…

Ông Trí cũng cho biết, quan điểm của lãnh đạo Casumina lúc này là hạn chế sử dụng, giãn vốn vay mà dựa chủ yếu vào vốn thật, vốn của tự thân doanh nghiệp.

Khó khăn không phải không thể vượt


“Khó khăn hiện tại, tôi nghĩ không phải quá lớn để chúng ta không thể vượt qua”, TS. Lê Xuân Nghĩa nhìn nhận.

Vị chuyên gia này lưu ý rằng, sang năm nay, trước những dấu hiệu bất ổn gia tăng, Chính phủ đã đưa ra nhiều giải pháp và cam kết thực hiện quyết liệt, kiên trì hơn. “Như uống kháng sinh phải đủ liều, Chính phủ sẽ quyết liệt thực hiện các giải pháp cho đến lúc lạm phát được bình ổn vững chắc, dập tắt được kỳ vọng tăng giá của thị trường”, ông nói.

Theo các tính toán của ông Nghĩa, lạm phát cả năm nay sẽ ở mức thấp hơn năm ngoái, tăng khoảng 9-10%. Trong khi đó, tỷ giá hối đoái, theo vị này dự báo, sẽ dần ổn định trở lại; lãi suất sẽ tiếp tục ở mức cao trong quý 1-2 nhưng bắt đầu giảm nhẹ từ quý 3-4.

“Dấu hiệu giảm nhẹ không phải do thắt chặt tiền tệ mà do phân bố lại nguồn tài chính, do cắt giảm đầu tư công chi tiêu công và dành nhiều vốn cho khu vực tư nhân hơn”, ông Nghĩa phân tích hiệu ứng của chính sách cắt giảm đầu tư vừa được ban hành.

Trước kịch bản lạc quan này, vẫn chưa hết ý kiến còn lo ngại. Theo chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, việc các giải pháp ổn định vĩ mô được đưa ra nhưng thực thi thế nào còn là dấu hỏi.

“Có tình trạng, chính sách đưa ra rất hay, rất đẹp nhưng thực hiện mỗi nơi mỗi kiểu, dẫn tới chia cắt. Kết cục là không tạo được hiệu quả chính sách”, bà nói. “Không tránh khỏi sẽ có những điều chỉnh tiếp tục trong quá trình thực hiện”.

Một lưu ý khác cũng được chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan đề cập. Với tình hình hiện nay, nếu chính sách chưa kiên định thì doanh nghiệp cũng “chập chờn”, khó tính toán kế hoạch sản xuất kinh doanh. Bởi vậy, “chìa khóa thực sự đang nằm trong tay Chính phủ”.

Đức Minh_Theo TBKT VN

Ý kiến của bạn

Thương hiệu vật liệu xây dựng