Kết hợp bê tông cốt liệu và bê tông bọt khí, các sinh viên đã chế tạo thành công sản phẩm gạch bê tông mới với nhiều ưu điểm vượt trội. Dự án được nhóm sinh viên trường Đại học Giao thông vận tải (UTC) nghiên cứu trong gần 2 năm.
Gạch bê tông V-Bricks được phát triển theo công nghệ châu Âu.
Gạch bê tông V-Bricks là dự án khởi nghiệp nhằm chế tạo một loại gạch thân thiện môi trường và tiết kiệm năng lượng, phù hợp với xu thế xây dựng hiện đại. Đây là một dự án khó, đòi hỏi sự bền bỉ và đầu tư khá cao, tuy nhiên, dự án cũng có tính khả thi cao và có thể đem lại giá trị to lớn cho xã hội.
Dự án V-Bricks được thầy Nguyễn Đăng Hanh, giảng viên khoa Công trình, trường Đại học Giao thông vận tải lên ý tưởng ban đầu và kêu gọi sinh viên trong trường tham gia nghiên cứu khoa học. Các bạn đều học cùng lớp và may mắn được thầy chọn để làm việc cùng nhau suốt 2 năm qua.
Ý tưởng của V-Bricks nhằm chế tạo sản phẩm gạch bê tông mới thân thiện với môi trường, với các ưu điểm như: cách âm, cách nhiệt hiệu quả, từ đó giảm nhu cầu thiểu tiêu thụ điện năng; cũng như góp phần hạn chế sử dụng gạch đất sét nung truyền thống.
Tính độc đáo của sản phẩm gạch V-Bricks nằm ở cấu tạo 2 lớp: bê tông cốt liệu bên ngoài và bê tông bọt khí ở bên trong. Bê tông cốt liệu (cellular concrete) được cấu tạo từ đá mạt, xi măng và các chất phụ gia. Các nguyên liệu này được phối trộn với nhau theo tỷ lệ nhất định rồi ép thành hình, sau đó trải qua quá trình dưỡng hộ bê tông để cho ra thành phẩm. Bê tông bọt (foamed concrete) được sản xuất từ xi măng, cát sạch, tro bay, chất tạo bọt, phụ gia bê tông, nước và trong cấu tạo nhiều lỗ rỗng nhân tạo thông qua tạo ra các bọt khí từ chất tạo bọt trong quá trình sản xuất.
Cận cảnh cấu tạo 2 lớp của gạch thông minh V-Bricks.
Trọng lượng riêng của gạch V-Bricks nhẹ nên có thể giảm được tải trọng công trình. Gạch có tính lắp ghép tự khoá, giúp tăng tốc thời gian thi công công trình.
Các nguyên liệu như xi măng, cát đá, chất tạo bọt đều dễ tìm kiếm, có khả năng tái chế và tính phát thải thấp. Điều này phù hợp với nội dung của Quyết định số 2171/QĐ-TTg năm 2021 của Thủ tướng Chính phủ về chương trình phát triển vật liệu xây không nung tại Việt Nam đến năm 2030 và Công ước quốc tế về biến đổi khí hậu mà Việt Nam tham gia.
Về mặt môi trường, gạch V-Bricks góp phần giảm ô nhiễm môi trường và giảm lượng phát thải từ đó thay đổi dần nhận thức và thói quen của người tiêu dùng. Về mặt kinh tế, V-Brick giúp tiết kiệm chi phí điện năng và chi phí bảo trì công trình xây dựng.
Trong quá trình hoàn thành dự án, nhóm cũng nhận được sự đồng hành của Tiến sĩ Thạch Minh Quân, giảng viên khoa Vận tải - Kinh tế (UTC). Với kinh nghiệm giảng dạy và tư vấn chiến lược cho nhiều doanh nghiệp, Tiến sĩ Quân đã giúp nhóm vạch ra các kế hoạch tài chính, phân tích tính khả thi của dự án, cũng như đưa ra những ý kiến góp ý để nhóm hoàn thành tốt các công việc.
Ở giai đoạn nghiên cứu thử nghiệm thực tế, nhóm V-Bricks được một số công ty trong lĩnh vực xây dựng trên địa bàn Hà Nội giúp đỡ. Kết quả ban đầu được các doanh nghiệp đánh giá kết quả khả quan và tiềm năng.
Hiện tại, nhóm đang tiến hành mua sắm các thiết bị phục vụ thí nghiệm sản phẩm với dự định sản xuất những sản phẩm bê tông chất lượng. Trong thời gian tới, sản xuất sẽ cần thêm một số thay đổi về vật liệu và các chi phí khác để hoàn thiện hơn. Vì vậy, nhóm cũng muốn nhanh chóng đưa ra những số liệu sát với thực tế triển khai để các chỉ tiêu đánh giá dự án được chính xác nhất.
VLXD.org (TH/ SVVN)
Ý kiến của bạn