Theo đó, đến nay, các huyện Đông Anh, Thanh Oai, Hoài Đức, Thanh Trì, Gia Lâm, Thường Tín, Thạch Thất không còn tồn tại các lò thủ công cải tiến, lò vòng. Các huyện còn lại vẫn còn tồn tại các loại lò trên. Việc tồn tại các lò gạch này ở thời điểm hiện nay là không phù hợp. Các huyện Phúc Thọ, Ứng Hòa, Mỹ Đức, Quốc Oai, Ba Vì kiến nghị UBND thành phố cho phép duy trì hoạt động của các lò cải tiến, lò vòng đến hết năm 2020. Huyện Sóc Sơn đề nghị UBND thành phố chỉ đạo lộ trình xử lý các loại lò gạch nung không đủ điều kiện trên địa bàn huyện. Các huyện Mê Linh, Phú Xuyên, Chương Mỹ, Đan Phượng không đề xuất lộ trình xóa bỏ các loại lò gạch này. Lý do chủ yếu để các huyện đề xuất kéo dài thời gian hoạt động của các loại lò: Đáp ứng nhu cầu sử dụng gạch của nhân dân địa phương và phục vụ chương trình nông thôn mới; tạo điều kiện để các chủ lò thu hồi vốn đầu tư; tạo thêm công ăn việc làm cho người dân địa phương.
Đến thời điểm này, việc xây dựng lộ trình để xóa bỏ hoàn toàn các lò cải tiến, lò đứng, lò vòng là cần thiết. Từ thực trạng trên, Sở Xây dựng đề xuất UBND thành phố giao UBND các huyện: Chỉ đạo dừng ngay việc tiếp tục đầu tư, khai thác đất để sản xuất gạch đối với các lò cải tiến, lò đứng, lò vòng sử dụng nhiên liệu hóa thạch, đề xuất với UBND thành phố lộ trình thực hiện của từng địa phương đảm bảo xóa bỏ hoàn toàn việc hoạt động của các loại lò này; kiểm tra, xử lý nghiêm các cơ sở sản xuất cố tình vi phạm, báo cáo kết quả thực hiện về Sở Xây dựng và UBND thành phố.
Đối với các khu vực đã được quy hoạch nhà máy gạch tuynel phải chuyển đổi, đầu tư công nghệ lò tuynel hiện đại và dừng đầu tư mới, đầu tư mở rộng các cơ sở sản xuất gạch đất sét nung (trong đó có công nghệ lò tuynel) theo Thông báo số 14/TB-VPCP ngày 9/1/2018 của Văn phòng Chính phủ về kết luận của Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng tại Hội nghị toàn quốc về vật liệu xây dựng năm 2017.
Kiên quyết, xóa bỏ các cơ sở gạch nung tự phát, không có trong quy hoạch. Thống kê, tổng hợp số lượng lao động có hộ khẩu thường trú tại địa phương đang lao động tại các lò gạch, có nhu cầu học nghề, chuyển đổi nghề. Sở Lao động, Thương binh và Xã hội phối hợp, hướng dẫn UBND các huyện trong việc thực hiện cơ chế hỗ trợ đối với việc chuyến đổi nghề.
Sở Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn UBND các huyện về thủ tục sử dụng đất và quan trắc môi trường. Sở Kế hoạch và Đầu tư không thẩm định các dự án đầu tư mới, đầu tư mở rộng nhà máy sản xuất gạch nung và không cấp mới giấy phép đăng ký kinh doanh đối với các cơ sở sản xuất gạch nung trên địa bàn thành phố. Các sở, ngành liên quan phối hợp chặt chẽ với các huyện, Sở Xây dựng trong việc đề xuất lộ trình xóa bỏ hoạt động của các lò vòng, lò đứng, lò cải tiến trên địa bàn; căn cứ chức năng, nhiệm vụ quản lý, hướng dẫn UBND huyện thực hiện.
VLXD.org (TH/ hanoi.gov)