Tham dự diễn đàn có bà Phan Thị Mỹ Linh - Thứ trưởng Bộ Xây dựng; ông Nguyễn Quang - Giám đốc UN - Habitat Việt Nam; ông Lê Trí Thanh - Phó Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân tỉnh Quảng Nam và gần 150 đại biểu các cơ quan quản lý Trung ương và địa phương, chính quyền đô thị, các tổ chức, chuyên gia trong nước và quốc tế, các đối tác phát triển của Việt Nam.
Diễn đàn được tổ chức nhằm triển khai các định hướng phát triển đô thị của Chính phủ, hỗ trợ các cơ quan Trung ương và chính quyền địa phương trong thực hiện mục tiêu quy hoạch và phát triển đô thị bền vững.
Diễn ra trong hai ngày 23 - 24/8, Diễn đàn tập trung vào các nội dung như: thúc đẩy các sáng kiến địa phương trong việc triển khai các mục tiêu về đô thị và cộng đồng bền vững, phát triển bền vững, đóng góp cho xây dựng Chương trình đô thị mới trong Habitat III là Hội nghị Liên hợp quốc về phát triển nhà ở và đô thị bền vững được tổ chức tại Quito, Ecuador trong năm này.
Phát biểu tại Diễn đàn, Thứ trưởng Phan Thị Mỹ Linh cho rằng, các nghiên cứu về tăng trưởng xanh và ứng phó biến đổi khí hậu gần đây đều khẳng định khu vực đô thị có vai trò hết sức đặc thù trong việc tạo ra sự cộng hưởng giữa các mục tiêu kinh tế và mục tiêu môi trường.
Hơn bao giờ hết, những hoạt động đang diễn ra ở các đô thị đang định hình thế giới chúng ta, đã tác động mạnh mẽ tới sự phát triển về mọi mặt tại các quốc gia nhưng cũng chịu nhiều ảnh hưởng do tác động của Biến đổi khí hậu
Đây cũng là yếu tố mấu chốt trong việc thúc đẩy tăng trưởng xanh và ứng phó Biến đổi khí hậu ở cập độ Quốc gia và cũng như toàn cầu.
“Việc tổ chức sự kiện này, tôi mong sẽ đón nhận nhiều hơn nữa những sự chia sẻ và đóng góp trong lĩnh vực quy hoạch và phát triển đô thị Việt Nam theo hướng đến tăng trưởng xanh và ứng phó với biến đổi khí hậu. Tôi cũng hy vọng chúng ta có thể cùng nhau nhận biết sâu sắc về các vấn đề đô thị, cùng có quyết tâm tìm ra các giải pháp để đô thị của chúng ta phát triển bền vững, thịnh vượng”, bà Phan Thị Mỹ Linh khẳng định.
Cũng tại diễn đàn, ông Lê Trí Thanh - Phó Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân tỉnh Quảng Nam nhấn mạnh, Diễn đàn có ý nghĩa hết sức quan trọng với sự tham gia của nhiều chuyên gia, các nhà khoa học, nhà nghiên cứu, nhà quản lý của các tổ chức có uy tín trong và ngoài nước.
“Quảng Nam là địa phương tích cực thực hiện Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh theo Quyết định số 1393/QĐ-TTg ngày 25/9/2012 của Thủ tướng Chính phủ. Chúng tôi nhận thức được rằng, như nhiều địa phương khác trong cả nước, quá trình phát triển của Quảng Nam, bên cạnh những thời cơ và thuận lợi, luôn phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức về thiên tai bão lũ, Biến đổi khí hậu, sạt lở bờ sông, bờ biển, hạn hán và xâm nhập mặn. Tình trạng này ngày càng diễn ra phức tạp và khó lường, đã và đang đe dọa nghiêm trọng đến đời sống và sinh hoạt của nhân dân, gây khó khăn không nhỏ trong việc quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, nhất là sự phát triển bền vững của các đô thị và khu vực nông thôn”- ông Lê Trí Thanh nhận định.
Diễn đàn cũng là dấu ấn để các tổ chức và địa phương tăng cường cam kết thực hiện thỏa thuận Paris và Báo cáo INDC của Việt Nam; giới thiệu một số nguyên tắc, hướng dẫn về tăng trưởng xanh và thích ứng với biến đổi khí hậu trong quy hoạch và phát triển đô thị, đồng thời chia sẻ một số kinh nghiệm quốc tế trong xây dựng thành phố xanh; xác định các sáng kiến phát triển nguồn lực và cơ hội đầu tư cho các đô thị Việt Nam; thảo luận ý tưởng tăng trưởng xanh và ứng phó với biến đổi khí hậu cùng các bên liên quan; xây dựng quan hệ đối tác chiến lược trong quy hoạch và phát triển đô thị theo định hướng tăng trưởng xanh và ứng phó với biến đổi khí hậu giữa chính quyền, khối tư nhân, nhà tài trợ và các bên liên quan.
Theo Chương trình định cư của Liên hợp quốc (UN - Habitat), Việt Nam là một trong những nước có mật độ dân số cao nhất trong khu vực và trên thế giới. Những thách thức của đô thị hóa ở Việt Nam phần lớn xuất phát từ dân số đô thị tăng nhanh.
Có hơn 30% dân số ở Việt Nam sống ở đô thị (năm 2011) và tỷ lệ tăng trưởng bình quân hàng năm là 3,4%. Tỷ lệ đô thị hóa cao hơn một số vùng có ảnh hưởng vùng miền như vùng Đông Nam bộ và đồng bằng Sông Hồng. Kinh tế phát triển và sự bành trướng ở hai đô thị Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, việc đi lại thuận lợi, các khu công nghiệp tạo ra nhiều việc làm nhưng đi kèm đó là sự phân tầng, nghèo đói tăng lên và môi trường xuống cấp.
Quy hoạch và phát triển đô thị chưa đủ đáp ứng tăng trưởng kinh tế - xã hội. Các khu đô thị đang gặp phải các vấn đề do mạng lưới hạ tầng đô thị yếu kém, tiếp cận nguồn nước sạch còn hạn chế, môi trường xuống cấp, vệ sinh đô thị chưa đạt tiêu chuẩn, ngập lụt; chưa quản lý được chất thải rắn, các vấn đề giao thông, thiếu nhà ở và thị trường đất đai thiếu minh bạch. |