Vật liệu xây dựng được bày bán tràn lan trên các tuyến phố nhưng vắng bóng khách hàng.
Anh Tuấn, chủ cửa hàng bán gạch ốp lát, gạch trang trí, thiết bị vệ sinh Tuấn Mạnh trên đường Khuất Duy Tiến, Thanh Xuân, Hà Nội cho biết: Vài năm trước, do
thị trường BĐS “đóng băng” thì
thị trường VLXD cũng trầm lắng theo. Sang năm 2016 thì
bất động sản có khởi sắc,
VLXD cũng tiêu thụ được nhưng không nhộn nhịp mấy. Hầu như không có khách hàng lớn mới nào đến đặt hàng cả mà chỉ có mối khách cũ hoặc lác đác các khách hàng nhỏ lẻ đến mua VLXD để sửa chữa, cải tạo nhà cửa. Chưa kể, năm nào cũng thế, vào tháng cô hồn thì nhân viên của cửa hàng chỉ “ngồi chơi, xơi nước” thôi…
Tương tự như vậy, tại khu vực chuyên VLXD trên đường Đê La Thành với 5, 6 cửa hàng kinh doanh sắt thép, hầu hết vẫn trong tình trạng thưa thớt người mua. Còn tại các cửa hàng kinh doanh
gạch men,
gạch xây dựng,
xi măng… cũng khá vắng vẻ.
Chị Dũng, chủ cửa hàng
sắt thép tại đường Minh Khai, Hà Nội cho biết, hiện nay do sức mua không cao nên giá bán ra của các mặt hàng chỉ tăng nhẹ. Vì vậy, đối với các đơn hàng có giá trị lớn còn có chút lãi, còn với những người mua lẻ, số lượng nhỏ thì chỉ là bán để giữ khách là chủ yếu.
Sức mua kém nên giá các loại VLXD chỉ tăng nhẹ.
“Tình hình giao dịch của cửa hàng mình vẫn chỉ đều đều, không tăng. Chỉ duy nhất có tháng 2, tháng 3 (âm lịch) là giao dịch cao nhưng rồi lại giảm xuống, mua bán cầm chừng. Đối với mặt hàng sắt thép nếu so với năm ngoái (2015) thì lượng hàng nhập vào, xuất đi thấp, giá cả không ổn định. Ví dụ, có lúc đầu năm lên hơn 1 nghìn đồng/kg thép nhưng lúc xuống hơn 1,5 nghìn đồng/kg thép nên hầu như cả người bán lẫn người mua đều đang trong tình trạng nghe ngóng thị trường” - chị Dũng chia sẻ.
Theo một số
doanh nghiệp, đặc biệt là những doanh nghiệp mới tham gia vào thị trường VLXD thì hiện tại hoạt động mua bán của họ chủ yếu trông chờ vào những công trình nhỏ là chủ yếu. “Các công trình lớn ngày càng ít đầu tư xây dựng, còn những công trình đang xây thì cũng đã có “mối” hết rồi. Chúng tôi là những người mới chân ướt chân ráo chỉ trông chờ vào những hộ dân xây nhà ở cá nhân thôi. Buôn bán thời điểm này mà lúc nào cũng phải điều chỉnh giá để cạnh tranh với các cửa hàng khác nhằm thu hút người mua thì đủ biết là rất khó khăn rồi ” – anh Khoa, chủ cửa hàng kinh doanh gạch lát nền, thiết bị vệ sinh trên đường Nguyễn Xiển cho biết.
Khu vực đường Phạm Văn Đồng, Phạm Hùng, nhiều cửa hàng sắt thép, VLXD cũng đang trong cảnh đìu hiu. Doanh số mỗi cửa hàng giảm 15 – 20% so với những tháng đầu năm. Các mặt hàng như cát sỏi, gạch vôi, thiết bị vệ sinh cũng trong tình trạng tương tự. Hầu hết các đơn đặt hàng nhỏ lẻ là những nhà xây dựng đang trong quá trính hoàn thành, sửa chữa cửa hàng, cơi nới thêm diện tích.
Sản phẩm Trung Quốc ồ ạt tràn vào thị trường khiến sản phẩm của các hãng nổi tiếng tiêu thụ chậm.
Một lý do nữa cũng khiến thị trường VLXD trong đó các sản phẩm gạch ốp lát, thiết bị vệ sinh sản xuất trong nước hoặc của các hãng nổi tiếng như Ceasar, American Standard… tiêu thụ chậm là do các sản phẩm Trung Quốc nhái được bày bán tràn lan với mẫu mã đa dạng, đẹp mắt lấn át hàng nội.
Khảo sát quanh các tuyến phố chuyên về VLXD như: Cát Linh, Trường Chinh, Khuất Duy Tiến, Phạm Văn Đồng… đối với mặt hàng gạch ốp lát cho thấy, hàng Trung Quốc giá bán thường rẻ hơn hàng Việt từ 20 - 40% cùng loại.
Anh Dương Duy Mạnh, chủ cửa hàng VLXD số 101 Phạm Văn Đồng cho biết: Hầu hết các sản phẩm có xuất xứ từ Trung Quốc đều được người mua ưu tiên lựa chọn. Bên cạnh ưu thế giá rẻ, VLXD hàng Trung Quốc còn đa dạng về mẫu mã, màu sắc so với các mặt hàng sản xuất trong nước, đặc biệt vật liệu Trung Quốc nhái mẫu mã rất nhanh. Do đó, dù muốn hay không đa số cửa hàng vẫn bán hàng Trung Quốc. Riêng cửa hàng của anh Mạnh, gạch ốp lát được tiêu thụ nhiều nhất trong đó gạch xuất xứ Trung Quốc chiếm khoảng 40% lượng hàng…
Theo Báo Xây dựng