Trong bối cảnh hiện nay, việc đẩy mạnh xuất khẩu xi măng và clinker có thể giúp ngành xi măng tận dụng được năng lực sản xuất trong nước. Song đây không phải giải pháp lâu dài và bền vững vì quá trình sản xuất 2 mặt hàng trên chủ yếu dựa trên việc khai thác, sử dụng tài nguyên không tái tạo.
Bên cạnh đó, việc tăng xuất khẩu sẽ làm cạn kiệt tài nguyên trong nước, gây ra nhiều tác động xấu đến môi trường trong quá trình khai thác. Mặt khác, sản xuất xi măng và clinker tại Việt Nam hiện đang sử dụng diện với giá thấp.
Hiện nay, sản lượng clinker và xi măng được điều chỉnh phù hợp với tốc độ tiêu thụ xi măng dựa trên tăng trưởng kinh tế và chiến lược phát triển ngành xây dựng. Nhưng nguồn cung xi măng trong nước tiếp tục tăng cao do các nhà máy liên tục mở rộng sản xuất.
Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, năm 2020 Việt Nam xuất khẩu gần 33 triệu tấn xi măng và clinker, trong đó xuất khẩu clinker đạt 24 triệu tấn (chiếm tỷ trọng 73%), xuất khẩu xi măng đạt 8,7 triệu tấn (chiếm tỷ trọng 27%). Trong 4 tháng đầu năm, cả nước xuất khẩu 15 triệu tấn xi măng và clinker.
Để hạn chế xuất khẩu mặt hàng này, mặt hàng clinker (nhóm 25.23, mã số 2523.10.10 và 2523.10.90) phải chịu mức thuế suất thuế xuất khẩu 5%. Riêng đối với mặt hàng xi măng, do không có trong biểu khung thuế nên không chịu thuế xuất khẩu.
Chiến lược phát triển vật liệu xây dựng Việt Nam giai đoạn 2021 - 2030, định hướng đến năm 2050 cũng định hướng hạn chế xuất khẩu những sản phẩm sử dụng nhiều nguyên liệu, nhiên liệu là tài nguyên khoảng sản không tải tạo.
Cụ thể, trong giai đoạn 2021 - 2030 cần hạn chế xuất khẩu và tỷ lệ xuất khẩu clinker và xi măng không vượt quá 30% tổng công suất thiết kế. Giai đoạn 2031 - 2050 cần hạn chế xuất khẩu, tỷ lệ xuất khẩu clinker và xi măng không vượt quá 20% tổng công suất thiết kế.
VLXD.org (TH)