Điển hình về sự phát triển năng lực sản xuất và xuất khẩu vật liệu xây dựng của Việt Nam có thể kể tới là xuất khẩu xi măng. Theo công bố năm 2022 của Cục Khảo sát địa chất Mỹ (USGS), công suất sản lượng xi măng của Việt Nam vào năm 2022 đạt khoảng 100 triệu tấn, đứng thứ 3 thế giới và đặc biệt là đứng hạng nhất về xuất khẩu xi măng. Những doanh nghiệp lớn về sản xuất xi măng tại Việt Nam có thể kể tới Tập đoàn Xi măng The Vissai, Tổng Công ty Vicem…
Đáng chú ý, Australia đang là thị trường tích cực đẩy mạnh nhập khẩu mặt hàng này khi chi hơn 23,4 triệu USD để nhập khẩu 470.000 tấn clinker và xi măng từ Việt Nam, tăng 135% về lượng và tăng 120% về giá trị trong năm 2023. Theo Hiệp hội Xi măng Việt Nam, tuy nhu cầu sử dụng xi măng tại Australia tăng nhưng do giá thành sản xuất cao nên hàng năm Australia vẫn nhập khẩu một lượng lớn xi măng từ Việt Nam.
Với ngành Gỗ, mỗi năm, Việt Nam xuất khẩu trung bình trên 10 tỷ USD, là quốc gia thứ 5 trên thế giới về chế biến, xuất khẩu gỗ và đứng thứ hạng cao nhất xuất khẩu vào thị trường Mỹ. Thị trường xuất khẩu đồ gỗ Việt Nam được mở rộng đến trên 120 quốc gia và vùng lãnh thổ. Các sản phẩm chế biến chủ yếu là đồ gỗ nội thất, ngoại thất, sân vườn và các sản phẩm khác (như dăm mảnh, viên nén). Thị trường tiêu thụ chính là Mỹ, EU, Anh, Australia, Nhật Bản...
Hiện tại, ngành Gạch ốp lát tại Việt Nam cũng vươn lên vị trí thứ 4 trong top 10 nước sản xuất gạch ốp lát hàng đầu thế giới và đứng đầu ASEAN. Theo Hiệp hội Gốm sứ xây dựng Việt Nam, Việt Nam đang có khoảng hơn 80 doanh nghiệp sản xuất gạch men ốp lát với công suất khoảng 700 triệu m²/năm. Về tạo hình sản phẩm gạch ốp lát, một số cơ sở sản xuất đã sử dụng công nghệ cán ép liên tục (công nghệ Continua+) để tạo ra các sản phẩm tấm phẳng kích thước lớn trên 5 m²/tấm; sử dụng công nghệ in men màu kỹ thuật số cho sản phẩm với chất lượng và thẩm mỹ.
Ngành Thép cũng ghi nhận nhiều sự phát triển đột phá trong thời gian gần đây. Số liệu vừa công bố của Tổng cục Hải quan cho thấy, tổng sản lượng sắt thép xuất khẩu từ đầu năm đến giữa tháng 2 của Việt Nam đạt 1,54 triệu tấn, kim ngạch đạt gần 1,1 tỷ USD. Như vậy, so với cùng kỳ 2023, lượng sắt thép xuất khẩu tăng 65%, trong khi kim ngạch tăng 66,2%.
Trong những năm gần đây, lĩnh vực gia công lắp đặt kết cấu thép tại Việt Nam cũng có những bước tiến lớn. Những doanh nghiệp Việt Nam đã đầu tư nhà máy lớn với công nghệ dây chuyền sản xuất, máy móc thiết bị hiện đại, có thể cung cấp giải pháp trọn gói.
Với quy mô thị trường vật liệu xây dựng ngày càng mở rộng tới nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ, trong những năm gần đây, ngành Vật liệu xây dựng Việt Nam đã chú trọng đầu tư công nghệ tiến tiến, thiết bị hiện đại tiệm cận các nước lớn trên thế giới, từ đó cải tiến chất lượng, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, nâng cao khả năng cạnh tranh trên trường quốc tế.
Sản phẩm vật liệu xây dựng của Việt Nam ngày càng đa dạng hóa về chủng loại, mẫu mã, chất lượng được nâng cao rõ rệt, giúp nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp vật liệu xây dựng Việt Nam so với những doanh nghiệp ngoại khác. Điển hình là gạch xi măng Secoin, gạch thạch anh Á Mỹ.
Dự báo trong thời gian tới, vật liệu xanh sẽ lên ngôi và thu hút các nhà đầu tư có xu hướng phát triển công trình xanh. Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đã tạo điều kiện cho các doanh nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng Việt Nam có cơ hội bứt phá bằng việc ứng dụng công nghệ để nghiên cứu và sản xuất ra các loại vật liệu mới, thân thiện với môi trường.
VLXD.org (TH)