Theo số liệu từ Tổng cục Hải quan, trong 6 tháng đầu năm 2024, chỉ có 44.600 tấn clinker và xi măng được xuất sang Trung Quốc, mang về dòng ngoại tệ chưa đến 1,6 triệu USD, trong khi nửa đầu năm 2023 là 24 triệu USD. Sự sụt giảm mạnh mẽ này đã được ghi nhận từ trước đó.
Ảnh minh họa (Baodautu)
Cụ thể, năm 2023, Trung Quốc - từng là thị trường xuất khẩu trọng điểm của ngành xi măng đã giảm nhập khẩu tới 90%, do nhu cầu yếu trên thị trường bất động sản.
Không chỉ vậy, quốc gia này cũng đẩy mạnh xuất khẩu xi măng sang các thị trường mua nhiều xi măng của Việt Nam, khiến sự cạnh tranh về giá tại thị trường xuất khẩu trở nên khốc liệt hơn.
Thống kê tình hình xuất khẩu nửa đầu năm cho thấy, cả nước xuất được 15,7 triệu tấn clinker và xi măng, thu về 603 triệu USD, giảm 0,2% về lượng và 11,8% về giá trị so với cùng kỳ năm 2023. Trước khi gặp khó từ những biến động của thị trường Trung Quốc, viễn cảnh cạnh tranh của ngành xi măng đã sớm được dự báo từ nhiều năm trước.
Gần 10 năm trước, ngành xi măng Việt Nam đã chứng kiến sự tăng trưởng mạnh về công suất thiết kế khi hàng loạt nhà máy mới đi vào hoạt động.
“Dù nhu cầu trong nước tăng mạnh và Việt Nam nỗ lực xuất khẩu, thị trường xi măng Việt Nam sẽ tiếp tục chứng kiến sự dư cung trong vòng 10 năm tới”, chuyên gia từ hãng phân tích dữ liệu lớn nhận định trong một cuộc hội thảo hồi năm 2016.
Tình trạng dư cung cùng biến số mới xuất phát từ tình hình ảm đạm của thị trường bất động sản Trung Quốc khiến thị trường khó càng thêm khó. Thị trường trong nước được kỳ vọng hưởng lợi nhờ đẩy mạnh giải ngân đầu tư công, nhưng tình hình tiêu thụ cũng chưa ghi nhận tín hiệu đi lên rõ nét.
Theo ông Nguyễn Quang Cung, Chủ tịch Hiệp hội Xi măng Việt Nam (VNCA), tăng trưởng tiêu thụ xi măng trong nước 12 năm gần đây chỉ đạt bình quân 2,3%/năm. Riêng năm 2022 và 2023, sản lượng tiêu thụ nội địa thậm chí tăng trưởng âm. Thị trường bất động sản chưa có dấu hiệu phục hồi, các công trình dự án chậm triển khai, giải ngân đầu tư công tại nhiều địa phương còn chậm, phân khúc xây dựng dân sinh cũng trầm lắng… tác động tiêu cực đến việc tiêu thụ xi măng.
Cuộc sàng lọc thêm gay gắt
Trước tình hình thị trường ảm đạm kéo dài, mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu đẩy mạnh cung cấp xi măng cho các dự án đầu tư công, nhà ở xã hội, Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và các công trình quan trọng, nhằm tháo gỡ khó khăn cho lĩnh vực công nghiệp quan trọng này.
Ngoài yếu tố đầu ra, giá nhiên liệu, năng lượng tăng cao, đặc biệt là giá than đã đẩy chi phí sản xuất xi măng tăng, thuế xuất khẩu clinker tăng từ 5 lên 10% từ đầu năm trước, sức ép môi trường với các nhà máy cũng được nêu ra. Thủ tướng chỉ đạo, Bộ Tài chính xem xét kiến nghị của VNCA trong quá trình tiếp thu, hoàn thiện Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 26/2023/NĐ-CP ngày 31/5/2023.
Tuy nhiên, kể cả khi “ngấm” hơn sự hỗ trợ của chính sách và sự đi lên của thị trường, không phải doanh nghiệp nào cũng có thể đứng vững tại cuộc chơi trong tương lai. Ông Nguyễn Quang Cung từng nhấn mạnh, doanh nghiệp xi măng đứng trước nguy cơ phá sản hoặc bán một phần nhà máy cho nước ngoài.
Năng lực tài chính một số doanh nghiệp nội vốn đã không mấy vững, lại càng “nguy” hơn trong bối cảnh khó khăn. Đặc biệt, với các cơ sở sản xuất xi măng công suất thiết kế dưới 1 triệu tấn/năm, hiệu quả sẽ rất khó đạt được khi tính đến chi phí điện, bảo trì và các chi phí cố định khác. Công ty cổ phần Xi măng Phú Thọ có quy mô vài vạn tấn/năm liên tục kinh doanh dưới giá vốn các năm qua, tích dần khoản lỗ lũy kế lên tới 463 tỷ đồng, gấp 3,7 lần vốn điều lệ.
VLXD.org (TH)