Một khu vực tập trung nhiều lò gạch, gốm Mang Thít. Ảnh internet
Bộ Xây dựng có công văn 3852/BXD-QHKT cho ý kiến đối với đồ án Điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng Khu lò gạch, gốm Mang Thít, huyện Mang Thít, tỉnh Vĩnh Long đến năm 2045.
Theo Bộ Xây dựng, Quy hoạch hệ thống du lịch thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã xác định huyện Mang Thít là một trong những địa điểm tiềm năng phát triển du lịch quốc gia và được định hướng bảo tồn, phát triển khu lò gạch, gốm huyện Mang Thít. Vì vậy, việc UBND tỉnh Vĩnh Long tổ chức lập Quy hoạch chung xây dựng Khu lò gạch, gốm Mang Thít, huyện Mang Thít, tỉnh Vĩnh Long đến năm 2045 là cần thiết và có cơ sở.
Để đảm bảo phù hợp với quy định pháp luật hiện hành, Bộ Xây dựng đề nghị UBND tỉnh Vĩnh Long chỉ đạo, rà soát, xác định nội dung của đồ án là Quy hoạch chung xây dựng Khu du lịch Khu lò gạch, gốm Mang Thít, huyện Mang Thít, tỉnh Vĩnh Long đến năm 2045 trên cơ sở định hướng tại Quy hoạch tỉnh Vĩnh Long được duyệt và Quyết định số 509/QĐ-TTg ngày 13/6/2024 của Thủ tướng Chính phủ.
Bộ Xây dựng lưu ý nội dung quy hoạch cần đáp ứng yêu cầu phát triển trong bối cảnh mới, nhưng vẫn phải đảm bảo giữ gìn, bảo vệ và phát huy các giá trị đặc trưng hiện hữu về cảnh quan, môi trường tự nhiên, văn hóa truyền thống đa dạng và đặc sắc tại khu vực nghiên cứu. Bảo vệ môi trường, bảo vệ nguồn nước và hệ sinh thái động, thực vật đa dạng, phát triển bền vững và giữ gìn bản sắc riêng của khu vực.
Đồng thời cần rà soát đảm bảo tính chính xác các dự báo phù hợp về dân số, đất xây dựng, phát triển du lịch, cơ sở lưu trú, đảm bảo khả thi, không phát triển quá tải về hạ tầng và ảnh hưởng tiêu cực tới môi trường, cảnh quan. Kiểm soát chặt chẽ các chỉ tiêu quy hoạch sử dụng đất, đảm bảo quy chuẩn và tiêu chuẩn quy hoạch xây dựng liên quan.
Bên cạnh đó, cần luận cứ xác định cụ thể phạm vi các khu vực bảo vệ cảnh quan, các vùng không được phép xây dựng, các khu vực di sản kiến trúc và văn hóa lịch sử, các khu vực bảo tồn, phạm vi bảo vệ nguồn nước cấp sinh hoạt, hành lang cây xanh bảo vệ hệ thống kênh, rạch tự nhiên; tổng hợp rõ các loại công trình kiến trúc đô thị và nông thôn nhằm bảo vệ và phát huy giá trị kiến trúc, bản sắc độc đáo của địa phương.
Làm rõ giải pháp về không gian công cộng gồm: quảng trường, công viên, vườn hoa; đề xuất nghiên cứu bổ sung về điểm nhấn kiến trúc cảnh quan, các giải pháp nâng cấp cải tạo các trung tâm xã, chợ, vườn hoa, sân chơi trung tâm, tạo cơ chế khuyến khích hỗ trợ cộng đồng tham gia đầu tư phát triển du lịch sinh thái, trải nghiệm cộng đồng, nhà ở kết hợp lưu trú (homestay).
Ngoài ra, cần nghiên cứu giải pháp phù hợp đối với nguồn cung cấp nước sinh hoạt, hệ thống thoát nước; hệ thống xử lý chất thải rắn. Hệ thống giao thông vận tải cần nghiên cứu bổ sung, cải tạo nâng cấp phù hợp, tăng cường giao thông công cộng, khuyến khích sử dụng phương tiện giao thông thân thiện môi trường, hạn chế mật độ giao thông cơ giới tại trung tâm Khu du lịch.
Bộ Xây dựng lưu ý thêm, hồ sơ cần bảo đảm theo quy định tại Thông tư số 04/2022/TT-BXD ngày 24/10/2022 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng quy định về hồ sơ nhiệm vụ và hồ sơ đồ án quy hoạch xây dựng vùng liên huyện, quy hoạch xây dựng vùng huyện, quy hoạch đô thị, quy hoạch xây dựng khu chức năng và quy hoạch nông thôn.
Đặc biệt, UBND tỉnh Vĩnh Long chịu trách nhiệm về tính pháp lý của các số liệu hiện trạng sử dụng đất và các dự án, không hợp thức hóa sai phạm (nếu có) trong nội dung quy hoạch.
VLXD.org (TH)