Sân bay Vân Đồn giành giải kiến trúc thế giới.
Trong hạng mục dành cho kiến trúc sân bay lần đầu tiên được đưa vào hệ thống giải thưởng của năm nay, Hội đồng thẩm định của Prix Versailles - liên kết với UNESCO và liên đoàn kiến trúc quốc tế (UIA), gồm các các kiến trúc sư và nhà thiết kế nổi tiếng thế giới đã chọn 6 công trình sân bay tiêu biểu trên toàn thế giới để đưa vào danh sách thẩm định và bình chọn tại vòng chung kết. Trước đó, hệ thống giải thưởng thường niên này chỉ tập trung vào lĩnh vực du lịch, lưu trú, tôn vinh những thiết kế khách sạn, nhà hàng và cửa hiệu ấn tượng trên thế giới.
Theo đó, 6 cái tên được lựa chọn trở thành ứng viên của hạng mục kiến trúc thế giới Prix Versailles cho kiến trúc sân bay gồm: Sân bay quốc tế Vân Đồn (Quảng Ninh, Việt Nam); Sân bay quốc tế Đại Hưng Bắc Kinh (Trung Quốc); Sân bay Split (Kaštela, Croatia); Nhà ga số 1 - Sân bay Casablanca Mohammed V, (Casablanca, Maroc); Sân bay khu vực Hạt Eagle (Gypsum, CO, Hoa Kỳ); Sân bay quốc tế Louis Armstrong New Orleans (New Orleans, LA, Hoa Kỳ).
Sân bay Vân Đồn có kiến trúc mang dấu ấn Vịnh Hạ Long.
Vượt qua hàng loạt tiêu chí khắt khe của Hội đồng giám khảo như sự đổi mới; sáng tạo; phản ánh di sản văn hóa, địa phương, thiên nhiên và hiệu quả sinh thái cũng như các giá trị của tương tác xã hội và những yếu tố đặc biệt khác mà Liên hợp quốc đánh giá cao, ứng viên sân bay Vân Đồn đến từ Việt Nam đã vượt qua nhiều sân bay lớn khác trên thế giới để nhận danh hiệu “Giải thưởng đặc biệt thế giới cho sân bay có thiết kế ngoại thất xuất sắc” – “The special prize Exterior World” của Prix Versailles.
Cùng với Sân bay quốc tế Vân Đồn, Sân bay khu vực Hạt Eagle của Hoa Kỳ cũng đạt giải thưởng đặc biệt về nội thất, còn sân bay quốc tế Đại Hưng Bắc Kinh (Trung Quốc) được vinh danh ở vị trí cao nhất Giải thưởng Prix Versailles 2020.
Sân bay Vân Đồn vẫn đón chuyến bay giải cứu từ vùng dịch.
Sân bay quốc tế Vân Đồn vận hành từ cuối năm 2018. Với thiết kế đặc biệt, dựa trên cảm hứng về những con tàu vượt sóng trên Vịnh Hạ Long, đội ngũ kiến trúc sư Singapore đã tinh tế lồng ghép những hình ảnh biểu trưng cho văn hóa bản địa của vùng đất di sản trong một tổng thể kiến trúc hài hòa, hiện đại. Chẳng hạn, hệ thống mái vòm tại sảnh trước nhà ga uốn cong mềm mại tựa cánh buồm no gió, vươn ra từ “cột buồm” chính là những bức tường đá thô vững chãi – với sắc màu đặc trưng của hệ thống núi đá trên khắp vịnh Hạ Long. Đài kiểm soát không lưu, nằm sừng sững như một pháo đài, nơi các “thủy thủ” quan sát toàn cảnh mặt biển rộng lớn, đảm bảo an ninh, an toàn hàng không… Nội thất kiến trúc nhà ga sân bay cũng gây ấn tượng đặc biệt với dấu ấn văn hóa Vịnh di sản trên mỗi bức tường và trong từng đồ vật như hệ thống ghế ngồi, sân vườn, bậc cửa.
Đặc biệt, nhằm định vị đẳng cấp sân bay sinh thái xanh - sạch - hiện đại hàng đầu Việt Nam, chủ đầu tư Sun Group đã dành 2/3 diện tích cho các mảng xanh sinh thái để mang tới diện mạo mới cho sân bay, bên cạnh lối kiến trúc đặc sắc. Đồng thời, vị trí ấn tượng nằm kề Vịnh Bái Tử Long xinh đẹp của sân bay cũng mang tới cho du khách trải nghiệm ngắm nhìn toàn cảnh của Vịnh và kiến trúc tổng thể sân bay mỗi khi cất, hạ cánh. Ngoài ra, Sun Group còn đầu tư hệ thống trang thiết bị kỹ thuật hiện đại, nhập khẩu từ những thương hiệu hàng đầu thế giới để tối ưu hóa các tiện ích cho du khách, biến quá trình chờ đợi làm thủ tục tại sân bay thành một hành trình trải nghiệm. Trong suốt hai năm vận hành, sân bay Vân Đồn cũng ghi dấu ấn bởi chất lượng dịch vụ tận tâm, hiệu quả.
Trước đó, ngay trong tháng 11/2020, tổ chức giải thưởng được mệnh danh “Oscar” của ngành du lịch World Travel Awards cũng đã trao tặng liên tiếp 3 giải thưởng lớn cho sân bay quốc tế Vân Đồn gồm: Sân bay khu vực hàng đầu thế giới - World's Leading Regional Airport 2020; Sân bay khu vực hàng đầu châu Á - Asia's Leading Regional Airport 2020 và "Sân bay có hệ thống phòng chờ thương gia hàng đầu châu Á - Asia's Leading Airport Lounge 2020". Năm 2019, Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn cũng vinh dự giành 2 giải thưởng là “Sân bay mới hàng đầu châu Á”; “Sân bay mới hàng đầu thế giới” do World Travel Awards trao tặng và nhiều giải thưởng trong nước khác.
Sân bay Vân Đồn có không gian xanh mát.
Ông Phạm Ngọc Sáu - Giám đốc Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn cho biết, cơn mưa giải thưởng mà các tổ chức quốc tế uy tín trao tặng cho sân bay quốc tế Vân Đồn trong 2 năm qua là niềm tự hào và là động lực để sân bay tiếp tục hoàn thiện, nâng cao chất lượng dịch vụ hơn nữa, đem tới cho khách hàng những trải nghiệm tốt nhất. Đặc biệt, giải thưởng lớn về kiến trúc thế giới Prix Versailles chính là sự khẳng định của giới chuyên môn thế giới đối với sân bay, đưa sân bay Vân Đồn xứng danh là một biểu tượng kiến trúc không chỉ của Việt Nam mà còn ghi dấu ấn trên bản đồ kiến trúc thế giới.
Tính đến tháng 12/2020, sau 2 năm đi vào hoạt động, sân bay quốc tế Vân Đồn đã phục vụ hơn 3.300 chuyến bay cất hạ cánh an toàn, với hơn 400.000 lượt hành khách, trong đó có hơn 50.000 lượt khách quốc tế. Năm 2020 khi dịch Covid-19 bùng phát, sân bay Vân Đồn đã gánh trách nhiệm quốc gia nặng nghĩa tình, đó là đón người Việt từ các vùng dịch về nước an toàn, với gần 100 chuyến bay và hơn 22.000 lượt khách.
Sân bay Vân Đồn giành giải đặc biệt thế giới về kiến trúc ngoại thất.
Hiện tại, tuy chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19, Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn vẫn đang khai thác ổn định đường bay quốc nội Vân Đồn – Thành phố Hồ Chí Minh, đón công dân Việt Nam từ các nước có dịch về nước và đưa đón chuyên gia, lao động chất lượng cao của các tập đoàn kinh tế lớn trên thế giới đến Việt Nam làm việc. Tất cả các chuyến bay đến – đi từ sân bay Vân Đồn đều được đánh giá an toàn nhờ quy trình phòng dịch đặc biệt.
Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn sẽ tiếp tục phối hợp với các hãng hàng không trong nước và quốc tế xúc tiến mở lại các đường bay khác trong thời gian tới, khi dịch bệnh được khống chế.
VLXD.org (TH/ Xây dựng)