Cá cược game - Game Thể Thao 24H

Thông báo Việc làm Hỏi đáp chuyên ngành

VLXD hoàn thiện tường, trần

Thị trường tôn mạ, miếng ngon khó giữ một mình

04/05/2016 - 04:16 CH

Thị trường tôn mạ Việt Nam được xem là “miếng ngon” trong nhóm hàng vật liệu xây dựng, nhưng trước nay chỉ có một số ít doanh nghiệp chia phần. Tuy nhiên, hiện đã có thêm những tên tuổi mới đáng gờm dòm ngó.
Trong thời gian thị trường bất động sản đóng băng, các nhóm hàng vật liệu xây dựng như sắt xây dựng, xi măng, gạch ốp lát, sứ vệ sinh…, đều khốn khó theo, ngoại trừ tôn mạ vẫn phát triển đều đều.

Dù là lĩnh vực được đánh giá là “ngon” nhất trong khối vật liệu xây dựng, nhưng lại chỉ có rất ít doanh nghiệp hoạt động và thị phần chủ yếu nằm trong tay 5 doanh nghiệp.

Cụ thể, kết thúc năm 2015, Tôn Hoa Sen vẫn đứng đầu thị trường tôn mạ với thị phần 39,3%, Tôn Đông Á đứng thứ 2 với 13,8%, tiếp đó là Tôn Phương Nam 10,44%, Chinasteel Sumikin Việt Nam 10,37%, Thép Nam Kim 9,68% và các doanh nghiệp khác 16,41%.

Thế nhưng, chiếc bánh ngon này đang được một tên tuổi lớn trong ngành thép dòm ngó là Hòa Phát. Theo thông tin của Đầu tư Bất động sản, Hòa Phát đang đầu tư 4.000 tỷ đồng xây dựng nhà máy tôn mạ màu có công suất 400.000 tấn/năm tại Khu công nghiệp Phố Nối (Hưng Yên).

Lãnh đạo Tập đoàn Hòa Phát cho biết, đã sắp xếp xong nguồn vốn và dự kiến khởi công dự án vào tháng 5/2016, hoàn thành sau 18 tháng và đưa vào sử dụng năm 2018. Đến thời điểm này, chưa có dự án nhà máy tôn mạ nào vượt Hòa Phát về tổng mức đầu tư và khả năng cạnh tranh của Hòa Phát trên thị trường là rất khả quan.


Thị phần tôn mạ hiện nay chủ yếu do 5 đơn vị chi phối, trong đó lớn nhất là Tôn Hoa Sen.

Hiện Hoa Sen vẫn là thương hiệu số 1 trên thị trường tôn mạ khi không chỉ chiếm thị phần “áp đảo”, gần 40%, mà kết quả kinh doanh của doanh nghiệp này vẫn rất khả quan. Theo báo cáo vừa được Tập đoàn Hoa Sen công bố, trong niên độ tài chính 2014-2015 (từ 1/10/2014 đến 30/9/2015), tập đoàn này đạt 17.700 tỷ đồng doanh thu, tổng lợi nhuận sau thuế đạt 650 tỷ đồng, vượt xa mục tiêu đề ra.

Niên độ 2015 - 2016, Hoa Sen đề ra kế hoạch doanh thu 14.200 tỷ đồng, lợi nhuận là 660 tỷ đồng. Hoa Sen cũng sở hữu hàng loạt nhà máy lớn, công nghệ hiện đại và đầu năm 2016 tập đoàn này đã khởi công xây dựng thêm nhà máy tại TP. Phủ Lý (Hà Nam) với tổng mức đầu tư 3.000 tỷ đồng.

Ngoài Hoa Sen, trên thị trường tôn mạ, không thể không nhắc đến Tôn Đông Á và Tôn Phương Nam. Đây cũng là 2 thương hiệu đình đám trên lĩnh vực tôn mạ. Trong 3 năm liên tiếp, Tôn Đông Á ghi nhận doanh thu và lợi nhuận tăng ấn tượng. Doanh thu của doanh nghiệp này đã tăng từ 3.081 tỷ đồng năm 2013, lên 4.303 tỷ đồng năm 2015 và lợi nhuận gộp tăng từ 139 tỷ đồng, lên 482 tỷ đồng. Công ty cũng vừa khởi động giai đoạn 2 Chi nhánh Tôn Đông Á tại TP. Thủ Dầu Một (Bình Dương) với tổng mức đầu tư 2.000 tỷ đồng, dự kiến năm 2018, tất cả các nhà máy của Tôn Đông Á sẽ đi vào hoạt động, nâng tổng công suất sản phẩm tôn Đông Á lên từ 0,8 - 1 triệu tấn/năm.

Cùng nằm trong nhóm ngành thép, nhưng các doanh nghiệp tôn mạ được đánh giá là “tốt đều” khi đạt được kết quả kinh doanh khả quan, tăng trưởng tốt, dù kinh tế có gặp khó khăn. Đặc biệt, Tập đoàn Hoa Sen là công ty duy nhất ở Việt Nam được chọn vào danh sách các doanh nghiệp tăng trưởng toàn cầu năm 2015 do Diễn đàn kinh tế Thế giới bình chọn. Việc đầu tư, mở rộng sản xuất của các doanh nghiệp tôn mạ cho thấy đầu tư kinh doanh lĩnh vực tôn mạ đang phát triển khá tốt.

Dù chưa có tên trong danh sách các nhà sản xuất chiếm thị phần lớn trên lĩnh vực tôn mạ, nhưng Hòa Phát là cái tên đáng gờm. Năm 2015, Hòa Phát đạt mức doanh thu 1,25 tỷ USD và lợi nhuận 3.500 tỷ đồng. Thị phần trong ngành thép, Hòa Phát đứng thứ 2 với 21,3% sau Tổng công ty thép (21,76%), nhưng thực chất, Hòa Phát đứng số 1 về thị phần, vì Tổng công ty thép là phép cộng của nhiều doanh nghiệp.

Về mảng ống thép, Hòa Phát đứng đầu về thị phần, Hoa Sen ở vị trí số 2. Còn xét về hệ thống mạng lưới tiêu thụ, thì Hòa Phát không thua bất kỳ doanh nghiệp nào. Hơn nữa, sở hữu trong tay nhà máy từ luyện đến cán thép, Hòa Phát luôn chủ động được đầu vào cho sản phẩm. Với nhiều lợi thế, các doanh nghiệp ngành tôn mạ sẽ phải chột dạ khi Hòa Phát nhảy vào lĩnh vực này.

Theo Đầu tư BĐS
 

Ý kiến của bạn

Thương hiệu vật liệu xây dựng