Cộng đồng kinh tế ASEAN sẽ mang đến nhiều cơ hội và thách thức cho Việt Nam. Ảnh minh họa.
Việt Nam đang bước vào giai đoạn mới đòi hỏi nền kinh tế phải có một bước chuyển căn bản về chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh để hội nhập thành công và phát triển bền vững. Chính phủ đang quyết liệt tái cơ cấu nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng, không thể tiếp tục tư duy, cách làm cũ, không thể chỉ phát triển dựa trên khai thác tài nguyên thiên nhiên hay lao động giá rẻ. Việt Nam cần phát triển ở trình độ cao hơn, bước lên nấc thang cao hơn trong chuỗi giá trị toàn cầu. Đó là sự phát triển chủ yếu dựa trên đổi mới sáng tạo, dựa trên công nghệ tiên tiến và năng suất cao. Để làm được điều này, các doanh nghiệp Việt Nam phải đóng vai trò nòng cốt, tận dụng được những thời cơ thuận lợi do hội nhập quốc tế, làn sóng toàn cầu hóa và cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư mang lại.
(*)
Trên thực tế, cơ hội thuận lợi do hội nhập mang lại tự nó không chuyển thành sức mạnh kinh tế, lợi ích và khả năng cạnh tranh trên thị trường mà phải thông qua nỗ lực và hiệu quả hoạt động hướng đích của các chủ thể, mà ở đây là Nhà nước, người dân và doanh nghiệp. Mỗi doanh nghiệp phải dũng cảm chấp nhận cạnh tranh và chủ động, sáng tạo để không ngừng nâng cao sức cạnh tranh của hàng hóa, dịch vụ do mình cung ứng.
Để tham gia được vào chuỗi giá trị toàn cầu, đòi hỏi
doanh nghiệp phải hoạt động sản xuất, kinh doanh bài bản, chuyên nghiệp, đúng pháp luật, năng động bắt nhịp được những chuẩn mực của khu vực và quốc tế; đòi hỏi doanh nhân phải năng động sáng tạo, có kiến thức, có bản lĩnh chính trị và dám đương đầu với hội nhập để vươn ra biển lớn; hình thành được các sản phẩm, thương hiệu Việt danh tiếng, mang tầm khu vực và thế giới.
(*)
Hội nhập vào sân chơi toàn cầu, Việt Nam tham gia vào bản đồ thế giới phẳng, một thế giới mà ở đó không còn nhiều rào cản thương mại. Bằng cách này hay cách khác các doanh nghiệp nước ngoài ồ ạt cập bến bờ Việt Nam, chọn Việt Nam trở thành thị trường, thành phân xưởng của họ. Điều này đã và đang ngày càng thách thức sức sáng tạo hơn, cạnh tranh hơn của các doanh nhân, doanh nghiệp Việt. Sáng tạo, khác biệt và độc đáo sẽ là lợi thế cạnh tranh cho các doanh nghiệp Việt Nam trong thời kỳ hội nhập.
Trong những năm qua, ngành VLXD đã có những đóng góp không nhỏ và công cuộc xây dựng và phát triển đất nước.
Với
ngành VLXD nói riêng, hội nhập quốc tế khiến cho sự cạnh tranh trên
thị trường VLXD sẽ quyết liệt hơn. Việc nhiều dòng thuế được cam kết cắt giảm về mức thuế suất 0%; đầu tư trong nước ồ ạt, dàn trải và thiếu định hướng chiến lược dẫn đến cung vượt cầu; trong khi đó, ngày càng nhiều
sản phẩm VLXD nội địa lại bị hàng ngoại chèn ép ngay trên sân nhà; hàng loạt các vụ kiện phòng vệ thương mại tại các thị trường nước ngoài... đang là những thách thức hiện hữu mà các
doanh nghiệp VLXD phải đối mặt.
Để giải bài toán cung vượt cầu, giảm tồn kho trước sức ép cạnh tranh, thời gian qua, nhiều doanh nghiệp trong ngành VLXD đã chủ động trước thời cơ và thách thức: nâng cao khả năng cạnh tranh bằng chất lượng sản phẩm; không ngừng đổi mới, cải tiến công nghệ, sáng tạo trong sản xuất, nâng cao năng suất để giảm chi phí và giá thành sản phẩm.
Sáng tạo là chìa khóa nâng cao năng lực cạnh tranh. Với một nền sản xuất chung, một thị trường chung như kỳ vọng trong AEC, với một thị trường mở rộng cho các đối thủ cạnh tranh lớn tới từ Hoa Kỳ, EU... môi trường cạnh tranh mà doanh nghiệp VLXD phải làm ăn và phát triển trong đó, đang và sẽ rộng lớn hơn nhiều lần, quyết liệt hơn bội phần so với trước đây. Sáng tạo, nắm bắt thị trường ngách, tận dụng triệt để lợi thế “sân nhà, người nhà” để cạnh tranh đang là bí quyết hội nhập của một số doanh nghiệp VLXD hiện nay.
Diễn đàn sẽ diễn ra vào 7h30 - thứ Bảy, ngày 07/01/2017 tại Bảo tàng Hồ Chí Minh.
Với mục đích tạo cơ hội để các đơn vị, doanh nghiệp, cá nhân hoạt động sản xuất, kinh doanh trong ngành
vật liệu xây dựng được giới thiệu và cùng nhau trao đổi thông tin, chia sẻ kinh nghiệm, tăng cường hợp tác... để hỗ trợ cùng nhau phát triển; góp phần thúc đẩy đưa
thương hiệu của các doanh nghiệp ngày càng lớn mạnh đủ sức cạnh tranh và đứng vững khi hội nhập, vào ngày 7/1/2017 tới đây, tại hội trường lớn tầng 1 - Bảo tàng Hồ Chí Minh, số 19, phố Ngọc Hà, Q.Ba Đình, TP.Hà Nội, Hội Vật liệu Xây dựng Việt Nam sẽ tổ chức
"Diễn đàn Doanh nghiệp vật liệu xây dựng năng động, sáng tạo trong cạnh tranh và hội nhập 2016" (BMF 2016).
Diễn đàn sẽ có sự tham gia của đại diện một số cơ quan quản lý nhà nước trong ngành xây dựng như: Bộ Xây dựng, Tổng Hội Xây dựng Việt Nam; các Hội, Hiệp hội chuyên ngành như: Hội Bê tông Việt Nam, Hiêp hội xi măng Việt Nam, Hiệp hội Gốm sứ xây dựng, Hiệp hội Kính và Thủy tinh…; các chuyên gia đầu ngành về lĩnh vực VLXD; cùng đại diện của các doanh nghiệp VLXD… sẽ góp mặt và tham gia trao đổi, thảo luận xoay quanh các chủ đề: Xu hướng sử dụng các loại vật liệu mới, vật liệu xanh, vật liệu thân thiện môi trường trong xây dựng; Sáng tạo trong xử lý môi trường để đảm bảo hiệu quả sản xuất kinh doanh; Sức ép hội nhập và hướng đi cho các doanh nghiệp ngành VLXD...
Ngoài ra, trong khuôn khổ các hoạt động tại Diễn đàn, Ban Tổ chức sẽ công bố danh sách 26 doanh nghiệp với 28 chủng loại sản phẩm đạt danh hiệu
"Sản phẩm vật liệu xây dựng tiêu biểu năm 2016" nhằm mục đích ghi nhận các thành tựu của các doanh nghiệp trong ngành VLXD đã đạt được, đồng thời biểu dương sức mạnh trí tuệ, tâm huyết, sự năng động của doanh nghiệp, doanh nhân trong ngành... qua đó động viên, khuyến khích các doanh nghiệp, doanh nhân tích cực phát triển sản xuất, sẵn sàng trong cạnh tranh và hội nhập quốc tế. Lễ công bố sẽ được truyền hình trực tiếp trên kênh H1 - Đài PT-TH Hà Nội. Mời các bạn chú ý đón xem.
_______________
(*) - Trích phát biểu của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại Lễ phát động phong trào thi đua “Doanh nghiệp Việt Nam hội nhập và phát triển” ngày 13/10/2016.
VLXD.org