Cũng chính sự hình thành, kiến tạo địa chất như vậy nên Đồng bằng sông Cửu Long là vùng đất có nguy cơ ngập lụt sâu do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu. Để đối phó, ứng phó chống tác hại của biến đổi khí hậu, mà hiện nay là sự xâm nhập của nước biển vào sâu trong nội địa, miền Tây cần có nhiều giải pháp, trong đó giải pháp xây dựng đóng vai trò quan trọng. Đồng bằng sông Cửu Long cần hệ thống hạ tầng giao thông kiên cố, hệ thống đường bộ cao tốc, đường thủy thông thoáng chống sạt lở, hệ thống đê biển vững bền và nhiều giải pháp xây dựng, trong đó cần phát triển nhanh hệ thống đô thị thông minh, hệ thống kết nối du lịch…
Nhu cầu vật liệu xây dựng cho miền Tây ngày càng cao và cần có nhiều chủng loại thân thiện môi trường chống các tác hại xấu của khí hậu biển, nước biển.
Vai trò của miền Tây trong sự phát triển chung của kinh tế đất nước ngày càng được khẳng định, mặc dù trước đây đã có lúc nông nghiệp bị đánh giá thấp. Để phát triển Đồng bằng sông Cửu Long thì vai trò xây dựng là đặc biệt quan trọng, trong đó vật liệu xây dựng là bánh mì của xây dựng.
Trước hết, cần đầu tư, đánh giá hết tiềm lực tài nguyên khoáng sản tự nhiên làm vật liệu xây dựng hiện có trên địa bàn, song song với việc nghiên cứu nguồn tài nguyên nhân tạo có khả năng sửa dựng làm vật liệu xây dựng và làm nguyên liệu sản xuất vật liệu xây dựng.
Cần đánh giá nguồn đá vôi còn lại ở các tỉnh Kiên Giang, huyện Kiên Lương, đá vôi, đá bazan ở Bà Rịa - Vũng Tàu, đá vôi ở An Giang. Đánh giá về phần lộ thiên và phần ngầm sâu trong lòng đất. Cùng với việc đánh giá khối lượng, chất lượng cần đánh giá về hiệu quả sử dụng trong nhiều thập kỷ qua cũng như đánh giá những tồn tại trong công tác quản lý. Cần tách bạch giữa đá vôi làm đường cấp phối và đá vôi để sản xuất .
Nguồn sét cũng cần được nghiên cứu, đánh giá cả về nguồn, chất lượng, phân bổ về địa lý cũng như công nghệ sản xuất, sản phẩm sử dụng. Khi chủ trương phát triển thay thế gạch đất sét nung kéo theo sự thay đổi nguyên liệu để sản xuất vật liệu xây. Nguồn sét trước đây chủ yếu để sản xuất gạch nung thì nay cần có những giải pháp chuyển đổi công nghệ, chuyển đổi loại hình sản phẩm cho phù hợp với tình hình mới. Ngoài sét dẻo để sản xuất gạch ngói nung, đồng bằng sông Cửu Long cũng cần nghiên cứu nguồn sét lâu dài cho sản xuất xi măng. Cần nghiên cứu thay đổi công nghệ tạo hình gạch ngói đất sét nung, giảm bớt độ dẻo, giảm bớt hàm ẩm, sử dụng cả những loại sét bán dẻo, đá sét. Có thể áp dụng các công nghệ nghiền kho siêu mịn thay cho nghiền ướt hiện nay.
Cát xây dựng cũng là bài toán lớn cho Đồng bằng sông Cửu Long. Nguồn cát phục vụ cho miền Tây chủ yếu là cát sông. Nơi đây đã từng nổi lên nạn khai thác cát không phép, trái phép và được đánh giá là nguyên nhân gây nên sạt lở bờ sông. Cần tận dụng nguồn cát sông, đồng thời cũng phải nghiên cứu cách thức khai thác để tránh sạt lở bờ. Cát miền Tây có chất lượng thay đổi, phụ thuộc vào mức độ phù sa, phụ thuộc vào việc lẫn bùn sét, lẫn chất hữu cơ vì vậy cần xem xét, xử lý sàng, tuyển, rửa đảm bảo có cát sạch cho xây dựng. Miền Tây là vùng có nhiều đảo lớn như Phú Quốc rất cần vật liệu xây dựng, nguyên liệu làm vật liệu xây dựng. Nhu cầu cát xây dựng cho Phú Quốc, cho các vùng ven biển là rất lớn. Để đáp ứng được nhu cầu lớn này, ngoài cát ngọt, rất cần đẩy mạnh việc xử lý sàng, tuyển, rửa từ cát mặn tạo nên cát ngọt với chính công nghệ đã được người miền Tây là Công ty Phan Thành ở Cần Thơ nghiên cứu, tạo dựng đến quy mô dây chuyền công nghiệp.
Sơ qua đôi nét cho thấy, cần đầu tư cho việc xem xét, đánh giá nguồn tài nguyên thiên nhiên của miền Tây cả về chất lượng, trữ lượng và hiệu quả sử dụng.
Miền Tây ngày nay cũng đang nổi lên là vùng có nguồn tro, xỉ nhiệt điện khá lớn. Theo nguồn tin chưa đầy đủ, vùng Đồng bằng sông Cửu Long có 13,6 triệu tấn tro, xỉ của 9 nhà máy nhiệt điện. Đây là nguồn nguyên liệu lớn từ phế thải có thể sử dụng hiệu quả cho ngành vật liệu xây dựng. Nếu sử dụng công nghệ thích hợp, nguồn tro, xỉ này sẽ giúp cho miền Tây xử lý tạo ra khối lượng vật liệu xây dựng lớn, trong đó có cả vật liệu xây dựng thân thiện với môi trường.
Miền Tây có nguồn phế thải từ nông nghiệp, từ vỏ dừa, vỏ hạt điều, trấu và nhiều phế thải khác có thể sử dụng làm nhiên liệu thay thế trong công nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng.
Nhu cầu vật liệu xây dựng chắc chắn sẽ tăng cao theo chương trình phát triển Kinh tế - Xã hội, đô thị hóa của các tỉnh Tây Nam Bộ. Điều này đòi hỏi sự đáp ứng của ngành vật liệu xây dựng với khối lượng lớn, chất lượng cao và đa dạng chủng loại phù hợp với phong tục, tập quán, văn hóa của vùng và sự hội nhập sâu rộng quốc tế. Điều này đặt ra cho miền Tây yêu cầu sản xuất vật liệu xây dựng tại chỗ, kết hợp với việc du nhập vật liệu từ các vùng miền trong nước và cả nhập khẩu từ nước ngoài, nhưng trước hết phải tận dụng tối đa nguồn lực nội tại. Miền Tây không giàu tài nguyên, khoáng sản để sản xuất vật liệu xây dựng nhưng nếu có chính sách đúng đắn trong khảo sát, khai thác, sử dụng thì nguồn tài nguyên thiên nhiên và nhân tạo của miền Tây sẽ đóng góp rất nhiều cho sự phát triển vật liệu xây dựng của vùng đất này. Rất cần sự vào cuộc của Nhà nước, chính quyền các tỉnh và doanh nghiệp. Vật liệu xây dựng miền Tây sẽ khởi sắc, sánh vai với các vùng kinh tế khác.
VLXD.org (TH/ TC VLXD)