Nửa cuối năm 2016, nhiều đại gia ngoại ngành
vật liệu xây dựng bắt đầu công bố tình hình kinh doanh cũng như dự án mới của mình tại Việt Nam.
SCG - một tập đoàn đa ngành của Thái Lan nhưng có thế mạnh chủ yếu ở mảng vật liệu xây dựng, cho biết doanh thu từ hoạt động bán hàng ở Việt Nam không tăng nhiều so với cùng kỳ năm trước, nhưng nhìn chung rất tích cực. Cụ thể, doanh thu bán hàng tại Việt Nam 3 quý đầu năm đạt gần 500 triệu đôla. Cùng với đó, khối tài sản mà tập đoàn này sở hữu tại Việt Nam tăng thêm 5%, lên 902 triệu đôla.
Không dừng lại ở mảng
VLXD, với các sản phẩm chủ lực như: ngói bê tông, tấm sợi xi măng,
xi măng trắng,
gạch men, phụ kiện nhà tắm..., tập đoàn này đang lấn sân sang mảng bao bì nhờ vị thế đã ổn định trong mảng vật liệu xây dựng. Ngay trung tuần tháng 11, Kraft Vina, một công ty con của SCG đã vận hành thêm dây chuyền sản xuất giấy thứ 2 với công suất 243.500 tấn mỗi năm tại Bình Dương.
Không chia sẻ con số cụ thể về doanh thu nhưng Tập đoàn Saint-Gobain (Pháp) cũng khẳng định Việt Nam đang là điểm sáng trong tổng doanh thu 3 tỷ đôla tại châu Á năm qua. Cũng mới đầu tháng 11, tập đoàn này đã vận hành thêm một nhà máy mới để sản xuất dòng
keo dán gạch, keo chà ron và sản phẩm chống thấm với công suất 100.000 tấn sản phẩm mỗi năm tại Nhà Bè, TP HCM.
“Việc xây dựng nhà máy này cho thấy chúng tôi hoàn toàn tin tưởng vào niềm năng phát triển của
thị trường VLXD Việt Nam và các sản phẩm keo dán gạch nói riêng", ông Javier Gimeno - Tổng đại diện khu vực Châu Á - Thái Bình Dương kiêm Tổng giám đốc mảng Vật liệu xây dựng, khu vực Châu Á - Thái Bình Dương của Saint-Gobain nhận định.
Một tên tuổi khác là sơn Sherwin-Williams (Mỹ). Hiện tại, sản phẩm của tập đoàn này được kinh doanh tại Việt Nam thông qua nhà phân phối là TDD Việt Nam. Tuy nhiên, một nguồn tin cho hay, Sherwin-Williams cũng đã có kế hoạch vận hành một nhà máy mới để sản xuất trực tiếp tại Việt Nam trong thời gian tới. Nhiều dự đoán cho rằng, tập đoàn này sẽ tung ra các chiến dịch truyền thông mạnh mẽ vào năm sau để mở rộng thị phần cho mình.
Để bước vào giai đoạn hái quả ngọt và tăng đầu tư cho các dòng sản phẩm mới nhằm khai thác tối đa hiệu quả thị trường vật liệu xây dựng đang phục hồi nhờ
bất động sản thăng hoa, các đại gia ngoại trước đó đã có hàng loạt vụ thâu tóm để chuẩn bị thị phần và năng lực sản xuất cho mình. Ngay từ 2011, SCG đã chi 5,5 triệu USD để mua lại 99% cổ phần và nâng cấp Nhà máy Xi măng Bửu Long (Đồng Nai). Sau đó, tập đoàn này còn mua lại 85% cổ phần Tập đoàn Prime, thương hiệu sản xuất
gạch ốp lát của Việt Nam với 20% thị phần. Cũng trong giai đoạn đó, Tập đoàn Semen Gresik (Indonesia) mua lại 70% cổ phần Xi măng Thăng Long từ Công ty CP Xuất nhập khẩu tổng hợp Hà Nội (Geleximco), tương đương giá trị 230 triệu USD. Đến 2015, Saint Gobain (Pháp) hoàn toàn nắm quyền kiểm soát thạch cao Vĩnh Tường khi chính thức tăng tỷ lệ cổ phần sở hữu của công ty này từ 14,8% lên hơn 57%.
“Thứ nhất, nền kinh tế Việt Nam tăng trưởng lành mạnh. Thứ hai, quá trình đô thị hóa ở Việt Nam đang diễn ra rất mạnh, nhiều người từ nông thôn chuyển ra thành thị sinh sống, các đô thị mới mọc lên tạo ra nhu cầu lớn về nhà ở, trường học, bệnh viện. Thứ ba, số người Việt Nam gia nhập tầng lớp trung lưu phát triển rất nhanh, họ có những nhu cầu cao hơn về nhà ở, dựa trên các tiêu chí như sự tiện nghi, chất lượng sống, mức độ bảo vệ môi trường. Saint-Gobain muốn tận dụng những ưu thế đó, chúng tôi muốn trở thành công ty dẫn đầu ở thị trường này”, ông Javier Gimeno hào hứng chia sẻ.
Ông Roongrote Rangsiyopash - Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc điều hành SCG dự báo, nhu cầu về vật liệu xây dựng tại khu vực ASEAN vẫn đang trên đà phát triển ổn định, nhất là về xi măng. “Nhu cầu xi măng trong khu vực ASEAN vẫn tiếp tục tăng, do việc mở rộng và tăng trưởng của ngành công nghiệp xây dựng. Hiện tại, kế hoạch đầu tư của SCG ở nước ngoài diễn ra theo đúng kế hoạch”, vị này tuyên bố hồi đầu cuối tháng 10-2016.