Là một trong những doanh nghiệp đi đầu của ngành thép Việt Nam, trong những năm qua, Công ty Cổ phần Thép Hòa Phát Hải Dương đã áp dụng nhiều giải pháp cơ bản để tiết kiệm năng lượng, như thay đổi công nghệ, đầu tư thiết bị tốt, lắp đặt các biến tần chạy cho các động cơ lớn có tải thay đổi nhiều… Cùng với hiệu quả về môi trường – xã hội, mỗi năm, các giải pháp đã làm lợi về kinh tế cho doanh nghiệp hàng trăm tỷ đồng.
Trước hết, phải kể đến giải pháp tận dụng hơi quá nhiệt cho các nhà bếp để nấu ăn cho 5.000 cán bộ,công nhân viên (CBCNV) công ty. Theo đó, hơi nước quá nhiệt được sản sinh ra trong công đoạn luyện thép và cán thép, lượng hơi nước này có nhiệt độ trên 150 – 200oC và áp lực 6.5 bar được dẫn tới bình tích. Từ đây, hơi nước được dẫn tới một số công đoạn nhằm phục vụ sản xuất như thiêu kết, vê viên…; đồng thời, còn được giảm áp lực xuống 4 bar để dẫn về 4 bếp ăn của khu liên hợp (KLH) và thay thế cho gas được sử dụng trước đó.
Công ty Cổ phần Thép Hòa Phát Hải Dương tự chủ 50% sản lượng điện phục vụ sản xuất.
Ông Đỗ Đức Đôn, Phó giám đốc Công ty Cổ phần Thép Hòa Phát Hải Dương chia sẻ, quá trình tận dụng này có nhiều ưu điểm như: An toàn trong quá trình vận hành, nấu nướng; không gây cháy nổ; đầu tư thiết bị ít; giảm chi phí sử dụng khí gas trong các bếp ăn… Qua thống kê, một tháng có thể tiết kiệm được khoảng 200 triệu đồng so với việc phải sử dụng khí gas.
Để giải quyết vấn đề tiêu hao nhiên liệu trong lò đốt cao mà nguyên nhân là do độ ẩm trong không khí cao, công ty đã đưa vào sử dụng bộ tách ẩm không khí trước khi đưa vào lò cao. Kết quả, độ ẩm không khí thông thường là 18.6g/Nm3 sẽ giảm xuống còn 12.4g/Nm3 và nhiên liệu đốt (than) đưa vào lò giảm 4kg/tấn sản phẩm (nước gang lỏng). Ngoài ra, khi lưu lượng gió lạnh được làm khô đưa vào lò, quá trình vận hành đốt lò sẽ thuận lợi hơn rất nhiều. Ứớc tính, với lượng tiết kiệm như vậy, sau 1,5 – 2 năm, có thể hoàn vốn đầu tư thiết bị.
Một giải pháp cũng mang lại hiệu quả cao cho công ty, đó là sử dụng khí nóng lò Coke chạy turbine máy phát điện. Hiện, công ty đầu tư và đưa vào vận hành 4 tổ máy phát điện nhiệt với tổng công suất thiết kế 60MW với cấp điện áp 6,3kV. Lượng điện phát này được hòa cùng nguồn điện cung cấp cho KLH. Do vậy, lượng phát điện có thể cung cấp được 1/3 lượng điện tiêu thụ của toàn KLH, tức lượng điện phát ra sau khi trừ đi tự dùng là khoảng 30 - 35MW. Nếu tính theo giá điện công nghiệp trung bình hiện tại, có thể quy ra số tiền từ việc phát điện này mỗi tháng ước đạt 40,3 tỷ đồng (Q = 35000*24*30*1600 = 40,3 tỷ /1tháng).
Đặc biệt, trong năm 2018, Công ty còn áp dụng chạy thử nghiệm bơm công suất tiết kiệm điện. Kết quả, sau khi thử nghiệm loại bơm tiết kiệm điện ở mức cùng lưu lượng và áp lực như nhau, cho ra kết quả tiết kiệm 15 - 18% so với loại bơm đang sử dụng. Năm 2019, Công ty đã áp dụng đại trà loại máy bơm này, ước tính đã tiết kiệm được hơn 3 triệu kWh điện/năm.
Ông Đỗ Đức Đôn, Phó Giám đốc Công ty Cổ phần Thép Hòa Phát Hải Dương chia sẻ, hiện nay, công ty đang tự chủ được khoảng gần 50% lượng điện cho KLH. Dự kiến, năm 2020, sau khi cải tạo và lắp thêm tổ máy phát điện 50MW bằng khí than và nhiệt lò coke, lượng điện sẽ tự chủ được 75 - 80% kế hoạch điện sử dụng. Ban giám đốc công ty cũng nhất trí với chương trình điều chỉnh phụ tải điện và phương án của Công ty TNHH MTV Điện lực Hải Dương đưa ra, đăng ký tiết giảm tối đa 13MW.
VLXD.org (TH/ NSCL)