Cá cược game - Game Thể Thao 24H

Thông báo Việc làm Hỏi đáp chuyên ngành

Doanh nghiệp

Để doanh nghiệp Việt không “thua trên sân nhà”

15/10/2012 - 01:02 CH

Từ chuyện doanh nghiệp (DN) thép thua đau trên sân nhà, nhiều chuyên gia kinh tế TP Hồ Chí Minh cũng như nước ngoài cho rằng  dù Việt Nam sớm có chủ trương chủ động hội nhập và nâng cao năng lực cạnh tranh trên cả ba cấp (nhà nước, DN và các sản phẩm - dịch vụ), song do xuất phát điểm thấp, cộng tâm lý "ăn xổi ở thì" đã khiến nhiều DN đứng trước bờ vực thẳm...
Năng lực cạnh tranh: Yếu tố sống còn

Ông Lê Phước Vũ - Phó Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam, Chủ tịch Tập đoàn Hoa Sen cảnh báo: "Chỉ cần một lượng nhỏ thép của Trung Quốc tràn sang, ngành thép của Việt Nam đã điêu đứng". Thực tế đã chứng minh khi lượng hàng tồn của các DN thép trong nước hiện rất lớn (cuối tháng 9-2012 khoảng 330 nghìn tấn) và đang có xu hướng gia tăng. Trong khi đó, theo thống kê từ Tổng cục Hải quan, tính đến hết tháng 8-2012, Việt Nam đã nhập gần 5 triệu tấn thép các loại, riêng thép Trung Quốc là gần 1,4 triệu tấn, chiếm 28% sản lượng thép nhập khẩu. Rõ ràng, thép Trung Quốc đang gia tăng sức cạnh tranh với thép Việt Nam, mà yếu tố cơ bản là giá rẻ.
 

Thua thiệt trên sân nhà của các DN trong nước là điều nhãn tiền.

Ông Đặng Đức Thành, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP Hồ Chí Minh nhận định, ngoài ngành thép, các ngành mũi nhọn khác như đường, thủy sản cũng đang đối mặt với nguy cơ thua thiệt. Bốn vấn đề nhức nhối nhất của các DN trong nước hiện nay là "vốn, công nghệ, nhân lực và quản trị doanh nghiệp". Tại Việt Nam, hiện có trên 500.000 DN còn rất non trẻ, nội lực rất yếu so với các công ty quốc tế.

Yếu điểm khác, theo TS Alan Phan, Chủ tịch Quỹ đầu tư Viasa, thói quen cố hữu của các DN trong nước là hễ không cạnh tranh được sản phẩm này thì tìm cách chuyển sang kinh doanh sản phẩm khác, khiến cho tuổi đời của những sản phẩm chỉ đếm được trên đầu ngón tay. Trong khi đó Nhật Bản phải mất gần 40 năm mới tạo dựng được thương hiệu "Made in Japan", Trung Quốc cũng phải gần 35 năm mới xây dựng được thương hiệu quốc gia. Mặc dù sản phẩm "Made in Vietnam" chưa bị "bôi đen" trên thị trường thế giới nhưng hầu hết hàng hóa của chúng ta không để lại ấn tượng.

Bàn về khả năng cạnh tranh của hàng Việt, nhiều chuyên gia đặt vấn đề: Liệu trong quy trình sản xuất, chúng ta đã bỏ công sức làm tốt về mọi mặt: thiết kế mẫu hàng, cải thiện sản xuất, chất lượng tin tưởng, giá cả hợp lý và phát triển thị trường thành công? Theo ông Từ Minh Thiện, nguyên Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại và Đầu tư TP Hồ Chí Minh: "Chiến lược cạnh tranh của hàng Việt Nam chưa chủ động ở cả hai phía: Nhà nước và DN. Ở nước khác, ý thức xâm nhập thị trường rất rõ dựa vào những ngành nghề mà họ có lợi thế cạnh tranh. Trong khi đó, DN  trong nước chưa ý thức được điều này".

Cái khó ló cái khôn

Nhiều người cho rằng, một trong những yếu tố khiến hàng Việt khó cạnh tranh là giá thành cao. Lý giải về nguyên nhân này, ông Từ Minh Thiện cho rằng, do chi phí sản xuất không rõ ràng, tức ngoài chi phí thực tế còn có chi phí không thực tế (chi phí ngầm). Ngoài ra, thủ tục hành chính cũng là một nút thắt lớn thể hiện ở chiến lược phát triển từng ngành chưa phù hợp, đơn cử như ngành công nghiệp nặng hay công nghiệp phụ trợ đến giờ vẫn mù mờ không biết phát triển theo hướng nào. Sự không đồng bộ giữa các chính sách trong phát triển một ngành nghề cũng khiến các DN cạnh tranh không lành mạnh, chỉ thấy cái lợi trước mắt mà không có tầm nhìn chiến lược. Mặt khác, nhiều ngành vẫn còn tâm lý ỷ lại vào chính sách bảo hộ của nhà nước. Mỗi nước có các chính sách bảo hộ hàng trong nước riêng phù hợp với điều kiện thực tế. Tại Việt Nam, chính sách bảo hộ vẫn chưa mang lại tác dụng tích cực. "Đôi khi vì chính sách bảo hộ không linh hoạt đã gây ra mặt trái của nó như làm cho DN ỷ lại, không đầu tư con người, khoa học công nghệ, năng lực quản trị hay chiến lược marketing", ông Từ Minh Thiện nhận định.

Vậy DN làm gì để thích nghi và vượt qua khủng hoảng? Theo ông Đặng Đức Thành, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP Hồ Chí Minh, khó khăn, khủng hoảng vừa là nguy cơ vừa là cơ hội để lãnh đạo DN  rà soát, xác định chiến lược kinh doanh, tổ chức và cấu trúc lại. "Càng khó khăn càng không thể "giậu đổ bìm leo", nhất thời vì lợi nhuận mà bất chấp chữ tín, bất chấp đạo đức kinh doanh, làm ăn chụp giật, gian trá…".

Ai cũng biết lợi thế của Việt Nam hiện nay là lực lượng lao động dồi dào, kỹ năng lao động tốt và môi trường đầu tư ổn định. Tuy nhiên, để biến những lợi thế này thành năng lực cạnh tranh lại không hề đơn giản. DN cần phải có một kế hoạch - lộ trình rõ ràng, trong đó hoạch định lại các khoản đầu tư; đổi mới khoa học công nghệ; thay đổi tư duy quản trị mà cụ thể là tận dụng những con người mới, đủ tài và đức; phải xem xây dựng thương hiệu là một kế hoạch đầu tư chiến lược chứ không còn là một khoản chi phí phụ nữa.

Theo HNM

Ý kiến của bạn

Thương hiệu vật liệu xây dựng