Cá cược game - Game Thể Thao 24H

Thông báo Việc làm Hỏi đáp chuyên ngành

Doanh nghiệp

Doanh nghiệp ngành thép sụt giảm trong quý 2

08/08/2019 - 08:15 SA

Không chỉ liên tục chịu nhiều vụ kiện phòng vệ thương mại, điều tra bán phá giá, nguồn gốc xuất xứ, các doanh nghiệp thép còn phải đối mặt với giá nguyên liệu đầu vào tăng cao. Báo cáo tài chính quý 2/2019 của hàng loạt doanh nghiệp ngành thép ghi nhận lợi nhuận sụt giảm.
Đồng loạt báo lỗ

Tập đoàn Hoà Phát (HPG) cho biết doanh thu quý 2 đạt 15.300 tỉ đồng và lợi nhuận sau thuế đạt 2.050 tỉ đồng, giảm 7% so với cùng kỳ năm ngoái. Lũy kế sáu tháng đầu năm 2019, Hòa Phát đạt doanh thu thuần gần 30.061 tỉ đồng tăng hơn 10 % so với cùng kỳ năm trước nhưng lợi nhuận sau thuế hơn 3.860 tỉ đồng, giảm gần 13%.

Kết thúc quý 2/2019, doanh thu thuần của Công ty cổ phần Thép Nam Kim (NKG) ghi nhận ở mức gần 2.964 tỉ đồng, giảm gần 31% so với cùng kỳ năm trước. Dù tổng các chi phí tài chính, bán hàng, quản lý doanh nghiệp giảm đáng kể, NKG vẫn lỗ thuần hơn 8 tỉ đồng từ hoạt động kinh doanh.


Tuy nhiên, nhờ khoản thu nhập khác lên đến 180 tỉ đồng, NKG báo lãi ròng gần 136 tỉ đồng trong quý 2/2019. Tổng kết sáu tháng đầu năm, NKG đạt doanh thu thuần hơn 5.907 tỉ đồng và gần 34 tỉ đồng lợi nhuận ròng, giảm 25% và 85% so với kết quả cùng kỳ 2018, qua đó thực hiện lần lượt khoảng 38% và 12% kế hoạch đề ra cho năm 2019.

Ống Thép Việt Đức (VGS) ghi nhận doanh thu thuần gần 1.614 tỉ đồng trong quý 2/2019, giảm gần 10% so với cùng kỳ do giảm giá bán. VGS lãi ròng hơn 18 tỉ đồng trong quý 2/2019, tăng hơn 23% so với kết quả cùng kỳ. Lũy kế sáu tháng đầu năm, VGS ghi nhận doanh thu thuần hơn 3.463 tỉ đồng, sụt giảm nhẹ 1,3% so với cùng kỳ năm trước nhưng lãi ròng ghi nhận hơn 28 tỉ đồng, giảm hơn 13%.

Gang Thép Thái Nguyên (TIS) ghi nhận doanh thu thuần gần 2.676 tỉ đồng và lãi ròng hơn 29 tỉ đồng trong quý 2/2019, giảm lần lượt hơn 15% và  gần 2% so với quý 2/2018. Tổng kết sáu  tháng đầu năm 2019, công ty đạt doanh thu thuần hơn 5.486 tỉ đồng, giảm 5,4% so với cùng kỳ năm 2018 nhưng lợi nhuận sau thuế giảm đến 10,5%, còn 38 tỉ đồng.

Trong khi đó, thép Pomina (POM) báo lỗ quý thứ hai liên tiếp. Riêng trong quý 2, POM đạt doanh thu thuần hơn 3.063 tỉ đồng, giảm gần 15%, lợi nhuận gộp gần 86 tỉ đồng, giảm 66% so với mức hơn 258 tỉ đồng cùng kỳ năm trước. Các chi phí bán hàng, quản lý doanh nghiệp đều tăng, đặc biệt là chi phí lãi vay tăng tới 78% lên mức hơn 98 tỉ đồng. Điều này khiến công ty báo lỗ hơn 49 tỉ đồng, khoản chênh rất lớn so với lợi nhuận hơn 164 tỉ đồng cùng kỳ năm 2018.

Lũy kế sáu tháng đầu năm, doanh thu thuần của POM đạt được hơn 6.184 tỉ đồng, giảm gần 7% so với cùng kỳ năm trước, thực hiện gần 46% kế hoạch cả năm, lỗ ròng hơn 133 tỉ đồng, kéo giãn khoảng cách tới mục tiêu lợi nhuận 400 tỉ đồng đề ra hồi đầu năm.

Còn nhiều khó khăn

Theo các doanh nghiệp thép, giá nguyên liệu đầu vào đã tăng đến 70% từ đầu năm đến nay ảnh hưởng lớn đến kết quả kinh doanh. Thực tế hiện nay, sản xuất thép trong nước phụ thuộc nhiều vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu (70% thép vụn, 40-50% phôi thép phải nhập khẩu…). 

Việc thiếu chủ động nguồn nguyên liệu cùng những biến động về giá trong bối cảnh căng thẳng thương mại, khiến các doanh nghiệp thép khó khăn trong việc dự báo, điều chỉnh giá dẫn đến lợi nhuận biến động.

Hơn nữa, một loạt chi phí sản xuất như giá điện, xăng dầu liên tục gia tăng khiến tình hình kinh doanh càng thêm khó khăn. Theo ước tính của Hiệp hội Thép, giá điện tăng 8,36% thì giá thép có thể tăng trên dưới 100.000 đồng/tấn. Thép là ngành công nghiệp sử dụng nhiều năng lượng trong đó có điện năng. Do đó, giá điện tăng thì chi phí sản xuất sẽ tăng lên. 

Tác động của việc tăng giá điện đối với từng doanh nghiệp sẽ khác nhau. Doanh nghiệp sử dụng lò điện hồ quang sẽ chịu tác động nhiều nhất, sau đó là đến các doanh nghiệp sản xuất gang thép liên hợp và cuối cùng là các cơ sở sản xuất cán và sau cán.

Theo Bộ Công Thương, thép Việt là một trong những ngành chịu nhiều áp lực nhất từ phòng vệ thương mại, những tác động từ cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung sẽ gây khó khăn cho doanh nghiệp thép trong nước. Do đó, các doanh nghiệp cần nâng cao năng lực cạnh tranh, tự chủ các nguồn nguyên liệu sản xuất trong nước, nhất là cảnh giác với việc hàng có xuất xứ Trung Quốc núp bóng thị trường Việt Nam để “né thuế”, xuất khẩu sang Mỹ.

VLXD.org (TH/ CafeLand)

Ý kiến của bạn

Thương hiệu vật liệu xây dựng