Ông Đỗ Duy Thái, Phó chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Thép Pomina (mã POM) cho biết, năm 2019, POM đặt kế hoạch tăng trưởng doanh thu xuất khẩu khoảng 10%, tăng trưởng doanh thu nội địa tương đương năm 2018.
"Về lợi nhuận, năm qua POM đạt 400 tỷ đồng, nên kế hoạch năm nay có thể cao hơn đôi chút. Dù vậy, kế hoạch đặt ra là để phấn đấu, bởi ngành thép trong nước vẫn đang đối mặt với không ít khó khăn như thị trường căn hộ chung cư, dự án tiêu thụ thép lớn gần như đóng băng, các dự án vướng thủ tục nên không thể triển khai. Đó là chưa kể giá điện tăng sẽ ảnh hưởng đến chi phí đầu vào của doanh nghiệp thép, đặc biệt là doanh nghiệp sản xuất lò điện như POM”, ông Thái chia sẻ.
Một khó khăn khác là cạnh tranh từ hàng nhập khẩu. Theo ông Thái, POM nhận được nhiều lời chào nhập khẩu phôi từ Malaysia với mức giá rất cạnh tranh, thậm chí có thời điểm còn rẻ hơn giá sản xuất trong nước. Tuy nhiên, do phải duy trì hoạt động nhà máy phôi công suất lớn 1,5 triệu tấn/năm để đảm bảo việc làm cho người lao động nên POM không nhập phôi. Trong khi đó, nhiều doanh nghiệp khác sẵn sàng nhập phôi thép về để cán. Điều này tác động tiêu cực tới giá thành phẩm.
Về mặt thuận lợi, theo lãnh đạo POM, đó là giá thép nguyên liệu đã tăng trở lại lên 350 USD/tấn, nên Công ty có lợi nhuận chứ không lỗ như cuối năm 2017 khi giá liên tục giảm. Dù vậy, do giá thép trong nước đang cạnh tranh rất gắt gao với thép nhập khẩu, việc giá bán thép xây dựng không tăng tương ứng với mức độ phục hồi của giá nguyên liệu khiến tỷ suất lợi nhuận của doanh nghiệp thép không cao.
Theo giới phân tích, các khó khăn mới phát sinh trong ngành thép là nguyên nhân khiến Tập đoàn Hòa Phát (mã HPG) đặt kế hoạch lợi nhuận năm 2019 ở mức khiếm tốn là 6.700 tỷ đồng sau thuế. Con số này giảm 22,1% so với năm trước, trong khi doanh thu kế hoạch tăng 23%. Việc HPG thận trọng xuất phát từ lo ngại giá thép năm nay sẽ thấp hơn năm trước, khiến tỷ suất lợi nhuận giảm.
Thực tế, áp lực cạnh tranh từ thép nhập khẩu đã xuất hiện từ đầu năm 2019, khi thép từ các nước trong khu vực xuất sang với mức thuế 0% đối với phôi thép. Được biết, kể từ khi Trung Quốc bị một số quốc gia áp thuế chống bán phá giá, thuế tự vệ, nhà đầu tư nước này đã chuyển sang các quốc gia lân cận, trong đó có Việt Nam, để mở rộng thị trường. Thêm vào đó, Trung Quốc đã bỏ đánh thuế xuất khẩu trên phôi thép vuông từ ngày 1/1/2019 nhằm thúc đẩy xuất khẩu cũng là yếu tố tác động không nhỏ tới diễn biến giá thép.
Ngoài ra, kế hoạch kinh doanh của HPG còn chịu ảnh hưởng một phần bởi cạnh tranh trong mảng ống thép khi giá bán rất cao, gây áp lực giảm tỷ suất lợi nhuận ở mảng này để HPG có thể duy trì vị trí số 1 về thị phần.
Câu chuyện tương tự diễn ra với các doanh nghiệp kinh doanh tôn thép như Nam Kim, Hoa Sen... Dù giá thép cán nóng đã phục hồi trở lại, hiện ở quanh mức 560-570 USD/tấn, nhưng vì giá bán trong nước không tăng tương ứng nên lợi nhuận của các doanh nghiệp tôn thép trong quý I/2019 vẫn là dấu hỏi.
Ông Nguyễn Mạnh Hà, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Tập đoàn Thép Tiến Lên (mã TLH) chia sẻ, giá thép nguyên liệu tăng trở lại là một thuận lợi, song các doanh nghiệp sản xuất chính quy được hưởng lợi không nhiều bởi lực lượng đầu cơ đã thu gom từ trước đó, sau khi bán ra hàng giá rẻ. Còn ông Nguyễn Thanh Nghĩa, Chủ tịch Công ty cổ phần Đại Thiên Lộc (mã DTL) cho biết, giá nguyên liệu tăng 2 phần thì giá bán chỉ tăng 1 phần do cạnh tranh ở thị trường rất gay gắt, làm ảnh hưởng tới biên lợi nhuận.
Nhận định chung về ngành thép năm 2019, các doanh nghiệp đều cho rằng, tình hình hiện tại tuy đã bớt khó hơn so với cuối năm 2018 khi giá nguyên liệu hồi phục, nhưng cũng chưa thấy yếu tố thuận lợi rõ ràng, trong khi các yếu tố khó khăn có thể nhiều hơn trong năm nay.
VLXD.org (TH/ TNCK)