Kinh doanh truyền thống không còn là lợi thế
Với sự bùng nổ của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra trên toàn cầu, kinh doanh thương mại sẽ là lĩnh vực chịu sự tác động trực tiếp và mạnh mẽ nhất. Tuy nhiên, thực tế lại cho thấy, nhiều doanh nghiệp (DN) Việt Nam đang lúng túng trong việc lựa chọn kênh, hình thức kinh doanh phù hợp trước những xoay chuyển, thách thức của thời cuộc, trong đó nổi bật là ngành gạch ốp lát.
Ứng dụng công nghệ trong kinh doanh thương mại của doanh nghiệp là hướng đi phù hợp với xu hướng phát triển mạnh mẽ của cách mạng công nghiệp 4.0.
Theo đó, phương thức kinh doanh gạch ốp lát tại thị trường Việt Nam chủ yếu thông qua hình thức “B2B”, tức là bán qua hệ thống các công ty, đại lý (F1). Tiếp theo, các công ty, đại lý này mới tiếp tục phân phối sản phẩm đến mạng lưới F2, tức các chuỗi cửa hàng vật liệu xây dựng (VLXD) bán lẻ. Đây là hình thức kinh doanh khá phổ biến và đóng vai trò rất lớn trong việc tăng doanh thu cũng như khả năng cạnh tranh của DN.
Tuy nhiên, theo thời gian và sự phát triển của thị trường, hình thức này cũng dần bộc lộ những nhược điểm. Theo các chuyên gia kinh tế, hình thức kinh doanh này mới chỉ thiên về bên bán hoặc bên mua chứ chưa chú trọng nhiều tới đối tượng khách hàng mua lẻ, tức những người sử dụng sản phẩm cuối cùng. Chưa kể, nhiều DN gạch ốp lát còn chưa chú trọng việc xây dựng và đẩy mạnh thương hiệu khiến khách hàng chưa biết nhiều về các thương hiệu gạch ốp lát, đa phần chỉ lựa chọn theo cảm tính hoặc định hướng của người bán lẻ.
Việc mở một đại lý phân phối, bán lẻ trong thời điểm hiện nay sẽ gặp nhiều khó khăn. Ông Vương Đình Đạt, Chủ cửa hàng VLXD trên đường Lý Thường Kiệt, quận 10, TP. Hồ Chí Minh cho biết, gạch ốp lát là sản phẩm cần rất nhiều vốn đầu tư nhưng lợi nhuận thu về lại thấp, nếu không có kinh nghiệm và tính toán kỹ sẽ rất dễ thua lỗ. Đặc biệt, chi phí thuê, trưng bày mặt bằng, chi phí bốc xếp, vận chuyển và kho bãi tốn kém hơn các sản phẩm khác... “Đó là chưa kể, chi phí marketing để bán hàng cũng “ngốn” một khoản không nhỏ mà nếu không biết cách làm, cũng sẽ thành “xôi hỏng bỏng không”, nợ lại chồng thêm nợ. Do đó, nhiều người kinh doanh ngại “nhảy” vào lĩnh vực này” - ông Đạt nhấn mạnh.
Công nghệ 4.0 mở ra hướng phát triển mới
Theo báo cáo của Bộ Xây dựng, trong những năm gần đây, ngoài việc cho ra đời các sản phẩm mới, phù hợp với nhu cầu thị trường, nhiều hãng sản xuất sứ vệ sinh lớn như Inax, Viglacera, Hảo Cảnh… đã ứng dụng công nghệ 4.0 vào kinh doanh. Đơn cử là trường hợp của Tập đoàn Gạch men Hoàng Gia.
Gần đây doanh nghiệp này đã kịp “trình làng” ứng dụng mua sắm, thiết kế trên các thiết bị di động thông minh với tên gọi: Royal House, có thể chạy trên cả hai hệ điều hành Android và IOS. Đây cũng là doanh nghiệp VLXD đầu tiên ứng dụng thành công công nghệ thực tế ảo và thực tế ảo tăng cường (AR, VR) vào việc kinh doanh và nắm bắt tâm lý khách hàng.
Điểm khác biệt và nổi bật khác mà cho đến nay chưa có một ứng dụng nào làm được là Royal House có thể giúp các kiến trúc sư tiết kiệm được hàng trăm giờ làm việc bị lãng phí do sự khác biệt về gu thẫm mỹ với khách hàng. Bằng một vài thao tác chuyên biệt, kiến trúc sư có thể gửi bản thiết kế của mình tới cho khách hàng để họ có thể tự mình ướm thử các sản phẩm gạch ốp lát phù hợp với sở thích, phong thủy, tính cách của cá nhân ngay trên ứng dụng này.
Theo Hội Vật liệu xây dựng Việt Nam, ứng dụng Royal House là sản phẩm đầu tiên trong ngành VLXD ứng dụng thành công công nghệ thực tế ảo và thực tế ảo tăng cường (AR, VR)... ứng dụng này có thể áp dụng cho tất cả mọi đối tượng khách hàng từ người tiêu dùng, kinh doanh cho đến các nhà thiết kế. Ứng dụng Royal House được kỳ vọng sẽ thay đổi hành vi mua, mua bán lẻ VLXD cũng như trang thiết bị nội thất.
Ứng dụng công nghệ trong kinh doanh thương mại của doanh nghiệp là hướng đi phù hợp với xu hướng phát triển và lan tỏa mạnh mẽ của cách mạng công nghiệp 4.0 hiện nay. Trong tương lai, những ứng dụng công nghệ còn được sử dụng nhiều hơn, không chỉ trong lĩnh vực kinh tế, quản lý mà còn trên tất cả mọi lĩnh vực của đời sống xã hội.
VLXD.org (TH/ Công thương)