Sau gần 2 năm sản xuất cầm chừng do đại dịch, đến đầu năm 2022, Công ty TNHH Minh Hiếu, xã Nguyên Lý (Lý Nhân) bắt đầu sản xuất ổn định trở lại. Trong 5 tháng đầu năm, bình quân mỗi tháng công ty duy trì sản xuất khoảng 1,5 - 2 triệu viên gạch các loại, tăng 30 - 50% công suất so với cùng kỳ năm trước. Hiện nay, Công ty đang giải quyết việc làm cho khoảng 60 lao động, với mức thu nhập từ 8 - 10 triệu đồng/người/tháng.
Ông An Minh Hiếu, Giám đốc Công ty TNHH Minh Hiếu cho biết, thời gian đại dịch bùng phát doanh nghiệp gặp không ít khó khăn khi nhu cầu xây dựng nhà ở của người dân hạn chế. Vào thời điểm đó sản phẩm gạch sản xuất ra không tiêu thụ được, tồn kho nhiều, trong khi đó lò vẫn phải hoạt động, tiêu tốn nhiên liệu. Vào thời gian cao điểm (từ tháng 6 đến hết năm 2021) công ty phải cho một dây chuyền tạm dừng hoạt động và bố trí cho công nhân làm việc luân phiên. Ngay sau khi Chính phủ triển khai thực hiện Nghị quyết 128/NQ-CP ngày 11/10/2021, về ban hành quy định tạm thời thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19, nhu cầu mua gạch xây nhà của người dân tăng nhanh. Toàn bộ hàng trong kho của doanh nghiệp đã tiêu thụ hết. Trong 5 tháng đầu năm, Công ty đã nâng công suất thêm một dây chuyền hoạt động.
Công nhân Công ty TNHH Minh Hiếu ở xã Nguyên Lý (Lý Nhân) bốc xếp gạch mới ra lò.
Cũng như Công ty TNHH Minh Hiếu, từ đầu năm đến nay, hơn 20 doanh nghiệp sản xuất gạch tuynel trên địa bàn tỉnh bắt đầu khôi phục sản xuất sau đại dịch. Theo nhận định của các chuyên gia trong ngành xây dựng, hiện nay hầu hết nhà máy gạch tuynel gặp khó khăn khi nhiều công trình sử dụng vốn ngân sách xây dựng bằng gạch không nung, nhằm bảo vệ môi trường và tận dụng nguồn tài nguyên sẵn có.
Hơn nữa, tại tỉnh Hà Nam có lợi thế về vùng tài nguyên đất bãi ven sông Hồng, sông Đáy, đất đồi rất phù hợp với việc phát triển gạch nung nên nhiều năm qua tỉnh đã cấp phép cho hàng chục dự án sản xuất gạch tuynel đầu tư vào địa bàn, trong đó có những dự án lớn lên tới 50 - 60 triệu viên/năm. Thời điểm dịch bệnh bùng phát, kinh tế của người dân gặp khó khăn, sản phẩm gạch nung sản xuất ra không tiêu thụ được đã ảnh hưởng đến doanh thu của tất cả các doanh nghiệp.
Trước những khó khăn đó, nhiều doanh nghiệp đã phải cạnh tranh bằng cách hạ giá thành sản phẩm, chuyển đổi công nghệ để duy trì sản xuất nhằm giữ chân người lao động và trả nợ ngân hàng. Trong giai đoạn này, nhiều doanh nghiệp đã tăng cường khâu tiếp thị, nâng cao chất lượng sản phẩm để cạnh tranh trên thị trường. Bởi theo nhiều doanh nghiệp khi gạch trong bãi nhiều, vào mùa mưa đến để lâu sẽ mọc rêu, rất khó khi tiêu thụ.
Cũng theo nhận định của các chuyên gia trong ngành xây dựng, về lâu dài, ngành sản xuất vật liệu gạch nung sẽ có nguy cơ giảm dần, khi gạch không nung chiếm thị phần xây dựng các công trình lớn. Sản phẩm gạch nung chủ yếu phục vụ cho các công trình xây dựng như nhà ở của dân và một phần công trình sử dụng vốn ngân sách. Tại tỉnh Hà Nam, gạch nung chỉ cung ứng trong địa bàn và một số vùng lân cận do cạnh tranh về giá cước vận chuyển.
Để bảo vệ môi trường và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp sản xuất gạch tuynel trong tỉnh nhanh chóng phục hồi sản xuất, quan điểm chỉ đạo của tỉnh không thu hút các doanh nghiệp sản xuất gạch tuynel và không cho phép các doanh nghiệp đang hoạt động mở rộng sản xuất gạch tuynel. Bởi thực tế hiện nay công suất hoạt động của các nhà máy gạch tuynel trong tỉnh đã đủ sản lượng phục vụ xây dựng trên địa bàn và một số vùng lân cận.
Trong thời điểm dịch bệnh bùng phát, các ngành chức năng và ngân hàng thương mại cũng vào cuộc tích cực hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất gạch tuynel nhanh chóng phục hồi sản xuất nhằm tạo việc làm và góp phần thúc đẩy kinh tế phát triển.
VLXD.org (TH/ Báo Hà Nam)