>> Việt Nam có nguy cơ trở thành thị trường tiêu thụ thép nhập khẩu
>> Việt Nam sử dụng sản phẩm thép nhiều nhất trong khu vực
Sau khi chính thức ra lò các mẻ thép cán nóng đầu tiên vào tháng 2 thì vào tháng 6 tới đây, dự án siêu khủng Formosa Hà Tĩnh dự kiến sẽ vận hành thử lò cao số 1 với công suất lên đến 4 triệu tấn/năm, cung cấp đa dạng các sản phẩm thép thiết yếu như thép cuộn cán nóng, thép dẹt…
Nếu lò cao thứ hai của giai đoạn 1 (tổng trị giá 10 tỷ USD) được vận hành thì công suất của Formosa Hà Tĩnh sẽ lên đến 7,5 triệu tấn/năm, trở thành DN sản xuất thép lớn nhất Việt Nam.
Không chỉ dừng lại ở đó, Formosa Hà Tĩnh còn dự kiến mở rộng thêm dự án trong các năm sau để nâng tổng công suất lên đến 22,5 triệu tấn/năm - tức gần như đủ sức bao tiêu toàn bộ nhu cầu tiêu thụ của thị trường Việt Nam và có thể còn dư ra chút ít để xuất khẩu.
Công nghệ lạc hậu dẫn đến mất thị trường
Để tiện so sánh, công suất của
doanh nghiệp thép hàng đầu Việt Nam hiện nay là Hòa Phát chỉ đạt khoảng 2 triệu tấn/năm. Do đó, một khi Formosa vận hành đầy đủ, cán cân trên thị trường nhiều khả năng sẽ thay đổi nhanh chóng và tầm kiểm soát sẽ không còn trong tay các DN Việt nữa.
Trình độ
công nghệ của các DN thép Việt vẫn bị đánh giá là rất kém, nhiều DN vì không đủ năng lực tài chính nên vẫn vận hành các lò điện cũ kỹ, hao tốn nhiên liệu và chi phí cao. Công suất nhỏ cũng khiến nhiều DN Việt khó lòng phát huy được lợi thế về quy mô để tạo ra các sản phẩm cạnh tranh với DN nước ngoài, bất chấp được hưởng lợi về mặt địa lý (tức thị trường tiêu thụ ngay trong nước giúp giảm giá vận chuyển).
Nhưng không chỉ có Formosa Hà Tĩnh, các DN thép nội địa còn phải đối mặt với lượng hàng nhập khẩu
sắt thép vào Việt Nam từ Trung Quốc, Hàn Quốc và thậm chỉ cả Nhật Bản, nhất là khi các hiệp định thương mại giữa Việt Nam với các quốc gia này dần có hiệu lực. Việc tăng trưởng chậm lại của một số quốc gia như cũng khiến việc xuất khẩu hàng tồn kho sang các nước khác tăng mạnh, trong đó có Việt Nam.
Và thực tế cũng cho thấy điều này. Theo Tổng cục Hải quan, lượng sắt thép các loại nhập khẩu vào Việt Nam từ Trung Quốc trong quý I/2016 lên đến 2,9 triệu tấn, tăng 70,5% so cùng kỳ. Trong khi đó, lượng sắt thép các loại từ các thị trường khác vào Việt Nam như Nhật Bản cũng tăng 50,8% với gần 745.000 tấn và từ Hàn Quốc là 429.000 tấn, tức tăng 10,4% so cùng kỳ.
Thậm chí ngay cả
phôi thép (nguyên liệu đầu vào cho các sản phẩm thép khác), lĩnh vực mà Hòa Phát có ưu thế khi có thể tận dụng các mỏ quặng lớn trong nước từ lệnh cấm xuất khẩu
khoáng sản của Chính phủ, cũng không thể so bì với lượng nhập khẩu giá rẻ phôi thép từ các DN Trung Quốc, bởi giá thành cao hơn.
Mới đây,
Hòa Phát cùng một số DN thép khác đã đề nghị Chính phủ xem xét áp dụng biện pháp tự vệ thương mại đối với mặt hàng phôi thép, thép dài nhập khẩu vào Việt Nam trong các tháng đầu năm. Yêu cầu này đã được chấp nhận khiến cho giá cổ phiếu của Hòa Phát cũng như một số DN thép khác quay đầu tăng mạnh. Nhưng liệu đợt tăng giá này sẽ được duy trì trong thời gian dài?