CTCP Tập đoàn Hòa Phát (mã HPG) vẫn chiếm "ngôi vương" khi mang về doanh thu thuần hơn 6.845 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế hơn 1.032 tỷ đồng, chiếm lần lượt 29,5% và 77,75% tổng doanh thu, lợi nhuận của 18 doanh nghiệp niêm yết.
Hai sản phẩm chiến lược của Hòa Phát là thép xây dựng và ống thép đều mạnh sản lượng. Sản lượng bán hàng thép xây dựng tăng 40%, từ 242.000 tấn lên 340.000 tấn. Trong khi đó sản lượng ống thép tăng 48% lên 114.000 tấn. Doanh thu riêng từ sản xuất và kinh doanh thép đạt 5.326 tỷ đồng, tăng hơn 16% so với cùng kỳ. Biên lợi nhuận của mảng này cũng được cải thiện từ 12,1% lên 13,7% nhờ giá nguyên liệu đầu vào giảm sâu.
Ngoài mặt hàng thép, mảng nội thất, điện lạnh, kinh doanh máy xây dựng đều tăng trưởng.
Cũng có một kỳ kinh doanh khá ấn tượng, CTCP Tập Đoàn Hoa Sen (mã HSG) thu về gần 3.938 tỷ đồng doanh thu, giảm nhẹ 2,35% so với cùng kỳ. Tuy vậy, biên lãi gộp đã tăng gấp rưỡi từ 12,34% lên 18,85% nhờ sự sụt giảm của chi phí nguyên liệu đầu vào. Lãi gộp do đó tăng 49,14 % so với quý III/2014, đạt 742,35 tỷ đồng.
Dù các chi phí đều tăng nhưng nhờ giá vốn giảm mạnh nên lợi nhuân riêng quý IV vẫn tăng 29,4% so với cùng kỳ, đạt 166,5 tỷ đồng.
Kết thúc niên độ tài chính 2013-2014, Tập Đoàn Hoa Sen thu về 17.469,89 tỷ đồng doanh thu, tăng 16,4% và 651,24 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, tăng 20,4% cùng kỳ. So với kế hoạch đề ra, HSG đã vượt 44,72% mục tiêu lợi nhuận.
Như vậy, chỉ tính riêng hai "ông lớn" HPG và HSG đã chiếm tới 46,5% tổng doanh thu và 90,3% tổng lợi nhuận của các doanh nghiệp thép niêm yết.
POM và MHL cũng là hai cái tên đáng chú ý trong kỳ với khả năng lội ngược dòng ngoạn mục khi bất ngờ báo lãi lần lượt 34,2 tỷ đồng và 3,7 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm trước, 2 doanh nghiệp này đều báo lỗ.
Trong khi đó, CTCP Sản xuất và Kinh doanh Kim khí (mã KKC) là doanh nghiệp thép duy nhất báo lỗ. Nguyên nhân là do giá vốn chiếm tới 111 tỷ đồng trong khi doanh thu chỉ ở mức 105 tỷ đồng khiến lỗ gộp 6 tỷ đồng. Cộng thêm các loại chi phí khác, KKC lỗ ròng 11 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ vẫn có lãi 1,6 tỷ đồng.
Có thể nói, trong hoàn cảnh giá nguyên liệu giảm trong khi lại vấp phải cạnh tranh gay gắt với thép giá rẻ nhập từ Trung Quốc, kết quả mà các doanh nghiệp thép đạt được vẫn khá tích cực.
Theo đánh giá của Hiệp hội thép Việt Nam (VSA), một nhân tố quan trọng đã hỗ trợ ngành thép là do thị trường bất động sản có dấu hiệu ấm lên, nhu cầu vật liệu xây dựng tăng mạnh. Bên cạnh đó, tốc độ đô thị hóa diễn ra nhanh cộng với nhu cầu xây dựng các công trình hạ tầng cơ bản ngày càng lớn cũng đã góp phần thúc đẩy lượng thép bán ra cho tất cả các thành viên thuộc VSA thời gian qua.
Theo Bizlive