Ca sản xuất tại Nhà máy gạch Mường Bon.
Là nhà máy gạch đầu tiên trên địa bàn tỉnh ứng dụng công nghệ 4.0, công suất 4 triệu viên/năm. Với ưu điểm nổi bật là sử dụng công nghệ bán khô, trên 90% công đoạn sản xuất được tự động hóa, nên việc sản xuất của Nhà máy gạch Mường Bon rất thân thiện với môi trường, không có nước thải, khói bụi và tiếng ồn, tốc độ làm việc nhanh, chính xác. Hiện, Nhà máy đang tạo việc làm cho gần 60 công nhân là người địa phương với công việc duy nhất là bốc xếp gạch lên xe. Sau gần 2 năm đi vào hoạt động, sản phẩm của Nhà máy đã tạo ra lợi thế cạnh tranh lớn về giá cả, chất lượng và nhanh chóng chiếm lĩnh thị trường vật liệu xây dựng trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, từ đầu năm đến nay, tình hình dịch Covid-19 đã ảnh hưởng đến sản xuất, kinh doanh của Nhà máy.
Ông Đặng Xuân Phúc, Giám đốc Nhà máy thông tin: Do lĩnh vực xây dựng cơ bản giảm mạnh, mặc dù Nhà máy đã phải cắt giảm sản lượng, nhưng mức tiêu thụ vẫn rất chậm, chỉ bằng khoảng 60% so với năm ngoái. Với phương châm duy trì sản xuất và sản lượng ở mức hợp lý, nhưng vẫn phải giữ ổn định việc làm, bảo đảm thu nhập từ 5 - 7 triệu đồng/người/tháng và mọi chế độ theo quy định cho người lao động. Nhà máy đã tập trung thực hiện nghiêm túc các biện pháp phòng chống dịch bệnh, tuyên truyền, hướng dẫn công nhân tự phòng tránh. Đặc biệt, trong những tháng thực hiện giãn cách xã hội, Nhà máy bố trí làm việc theo ca, mỗi ca khoảng 20 công nhân và luôn bảo đảm giữ khoảng cách theo quy định, kể cả trong giờ ăn ca tại nhà ăn tập trung.
Chúng tôi cùng Giám đốc Đặng Xuân Phúc vào trong Nhà máy, mặc dù đang trong ca sản xuất, nhưng chỉ có tiếng ồn phát ra từ băng tải nguyên liệu và tiếng xe ô tô vào bốc gạch, môi trường lao động sạch sẽ, mọi công đoạn đều được tự động hóa, chỉ thấy mấy công nhân xếp gạch và đang làm vệ sinh. Anh Nguyễn Quốc Trung, nhà ở thị trấn Hát Lót, làm công nhân lái xe nâng từ khi Nhà máy bắt đầu đi vào hoạt động đến nay, với mức lương 7 triệu đồng/tháng và được đóng đủ các loại bảo hiểm theo quy định. Anh Trung cho biết: Từ đầu năm đến nay, mặc dù sản xuất gặp nhiều khó khăn, nhưng Nhà máy vẫn bảo đảm đủ việc làm và thu nhập cho công nhân.
Bên cạnh đó, Nhà máy luôn tích cực tham gia các hoạt động an sinh xã hội, hỗ trợ địa phương xây dựng nông thôn mới. Gần hai năm qua, Nhà máy đã đóng góp hàng trăm triệu đồng ủng hộ xã Mường Bon sửa chữa, nâng cấp các công trình giao thông nông thôn, thủy lợi, sửa chữa lớp học, nhà văn hóa, xóa nhà tạm cho hộ nghèo. Gia đình chị Lò Thị Hà, bản Bon, xã Mường Bon, trước khi vào làm công nhân thuộc diện hộ nghèo đặc biệt khó khăn, ở trong ngôi nhà xiêu vẹo, cả nhà 4 nhân khẩu trông chờ vào hơn 1.000 m² ruộng lúa. Đầu năm 2019, cả hai vợ chồng chị được nhận vào làm công nhân bốc xếp gạch với mức thu nhập của hai người từ 10 - 12 triệu đồng/tháng và được đóng đủ các loại bảo hiểm. Chị Hà chia sẻ: Năm ngoái, thấy hoàn cảnh gia đình khó khăn, Nhà máy đã hỗ trợ hơn 200 triệu đồng xây dựng nhà kiên cố, bây giờ thu nhập của hai vợ chồng không những đủ chi tiêu cho cả gia đình, mà hằng tháng còn tiết kiệm được một khoản.
Hiện nay, trước tình hình dịch Covid-19 đang tiếp tục có những diễn biến phức tạp, cùng với chấp hành nghiêm túc các quy định về phòng chống dịch bệnh, Nhà máy gạch Mường Bon đang tập trung thực hiện các biện pháp duy trì sản xuất ở mức hợp lý, vừa đáp ứng nhu cầu vật liệu xây dựng của thị trường, vừa bảo đảm việc làm, hạn chế đến mức thấp nhất ảnh hưởng của dịch bệnh đến đời sống của người lao động.
VLXD.org (TH/ Báo Sơn La)