Cá cược game - Game Thể Thao 24H

Thông báo Việc làm Hỏi đáp chuyên ngành

Doanh nghiệp

Thái Nguyên: Gia hạn, giãn nợ thuế cho doanh nghiệp

14/04/2020 - 08:13 SA

Trước bối cảnh đại dịch Covid-19 đang ảnh hưởng ngày càng trầm trọng đến các nước trên thế giới, trong đó có Việt Nam, khiến hoạt động sản xuất, kinh doanh bị đình trệ, nhiều doanh nghiệp mong muốn Chính phủ và UBND tỉnh Thái Nguyên sớm có những biện pháp hỗ trợ kịp thời, thiết thực, trong đó có việc gia hạn, giãn, hoãn số thuế phải nộp của năm 2020 nhằm giúp doanh nghiệp giảm bớt khó khăn.
Sản xuất vật liệu xây dựng là một trong số những ngành nghề bị ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên nhiều doanh nghiệp đã gửi kiến nghị đến các cơ quan chủ quản để xin được gia hạn, giãn, hoãn số thuế phải nộp của năm 2020.


Sản xuất tấm lợp tại nhà máy Xi măng Lưu Xá.

Dịch Covid-19 đã tác động tiêu cực đến hoạt động của đại đa số doanh nghiệp, ngành nghề, đặc biệt là du lịch, lưu trú, vận tải, dịch vụ ăn uống, hàng nông sản… Tuy nhiên, do số doanh nghiệp hoạt động trong những lĩnh vực này trên địa bàn tỉnh có số đóng góp vào ngân sách nhà nước (NSNN) không nhiều, còn đối với các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh khác nhờ có sự chủ động trong dự trữ nguồn nguyên vật liệu từ cuối năm 2019 nên giai đoạn đầu, mức độ ảnh hưởng đến doanh thu chưa quá lớn. Theo báo cáo của Cục Thuế tỉnh, tổng thu ngân sách trên địa bàn trong quý I do ngành Thuế thực hiện vẫn đạt 2.980 tỷ đồng, bằng 24% dự toán năm tỉnh giao, tăng 5% so với cùng kỳ năm 2019. Loại trừ tiền sử dụng đất ước đạt 2.800 tỷ đồng, bằng 26,5% dự toán tỉnh giao.

Song, theo ông Đỗ Trọng Nghĩa, Phó Cục trưởng Cục Thuế tỉnh: Dự báo trong các tháng 4, 5, 6, hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp, hộ, cá nhân kinh doanh sẽ gặp nhiều khó khăn. Ngoài các doanh nghiệp vận tải, ăn uống, xăng dầu…, các doanh nghiệp trọng điểm của tỉnh trong lĩnh vực sản xuất linh kiện điện tử, may mặc, khai thác khoáng sản, sản xuất vật liệu xây dựng… cũng khó tránh khỏi việc giảm sản lượng tiêu thụ, do nguồn nguyên liệu đầu vào từ nước ngoài bị gián đoạn. Điều này làm chậm tốc độ sản xuất, kinh doanh và giảm doanh thu tiêu thụ sản phẩm. Còn đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa, hộ kinh doanh cá nhân, phần nhiều cũng sẽ thu hẹp quy mô hoặc tạm ngừng hoạt động. 

Trước thực trạng này, Cục Thuế tỉnh Thái Nguyên đã chủ động tham mưu cho các cơ quan có thẩm quyền ban hành những chính sách nhằm kịp thời tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, hộ kinh doanh cá nhân, đồng thời chủ động trong điều hành thu ngân sách. Ông Đỗ Trọng Nghĩa chia sẻ thêm: Từ đầu tháng 3, Cục Thuế đã nhận được văn bản ý kiến, kiến nghị của các Hiệp hội và hội doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh, liên quan đến việc xin gia hạn, giãn, hoãn số thuế phải nộp của năm 2020. Bản thân ngành Thuế, kể từ khi dịch bệnh xuất hiện, cũng đã luôn cập nhật tình hình và trực tiếp làm việc với một số doanh nghiệp lớn để nắm bắt tình hình nên rất hiểu những khó khăn mà doanh nghiệp gặp phải. Có 2 nhóm vấn đề đang được các doanh nghiệp tập trung kiến nghị.

Nhóm vấn đề thứ nhất đã được Cục Thuế thực hiện, đó là ban hành một số văn bản, trong đó đề cập đến hai nội dung, gồm: Gia hạn nộp thuế theo quy định của luật và không tính tiền chậm nộp - tức là trong giai đoạn dịch bệnh, doanh nghiệp gặp khó khăn, chưa kịp nộp tiền thuế, sinh ra tiền chậm nộp, nếu doanh nghiệp chứng minh được sự khó khăn thì sẽ được miễn tiền chậm nộp. 

Nhóm hai là thực hiện theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và bộ, ngành liên quan, thì ngày 26/3, Bộ Tài chính mới trình Chính phủ dự thảo Nghị định về gia hạn thời hạn nộp thuế và tiền thuê đất để hỗ trợ các doanh nghiệp bị ảnh thưởng trực tiếp của dịch Covid-19. Trước đó, ngày 10/3, Bộ này đã có văn bản xin ý kiến các bộ, ngành, UBND các tỉnh, thành phố… để xin ý kiến rộng rãi doanh nghiệp, người dân. Theo đó, các nhóm đối tượng được giãn, hoãn nộp thuế bao gồm: Các doanh nghiệp, cá nhân trong lĩnh vực sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản; sản xuất trong lĩnh vực thực phẩm, trang phục, giầy, cao su, lắp ráp điện tử, máy tính; kinh doanh các ngành kinh tế vận tải, dịch vụ lưu trú, ăn uống, du lịch; hoạt động sáng tác, nghệ thuật, giải trí, công viên vui chơi, chiếu phim... 
 

Các doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh sắt thép cũng bị ảnh hưởng gián tiếp bởi dịch Covid-19, nhiều doanh nghiệp và người dân hạn chế việc đầu tư, xây dựng trong giai đoạn này.

Theo dự thảo, các đối tượng này sẽ được hưởng những chính sách như: Giãn thuế GTGT 5 tháng đối với doanh nghiệp. Đối với hộ cá nhân kinh doanh sẽ được giãn nộp đến trước ngày 15/12/2020 (hiện nguồn thu này của tỉnh khoảng hơn 100 tỷ đồng). Về tiền thuê đất, doanh nghiệp được gia hạn thời hạn nộp tiền thuê đất 5 tháng (bình thường nộp vào tháng 5 và tháng 10). Nếu tình hình dịch bệnh diễn biến khó khăn hơn nữa, ngành Thuế sẽ tiếp tục tham mưu và đưa ra kiến nghị phù hợp… Tổng gói hỗ trợ Bộ Tài chính trình là 80 nghìn tỷ đồng, thay vì 30 nghìn tỷ đồng như trước đó, do bổ sung thêm đối tượng được giãn, hoãn. Tuy nhiên, kết luận tại Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3 chiều 1/4, Thủ tướng nhấn mạnh: Cần kích thích tài khóa thông qua giảm, giãn thuế, phí, tăng chi tiêu công, không phải chỉ 30 nghìn tỷ đồng mà nâng lên 150 nghìn tỷ đồng, thậm chí lớn hơn để hỗ trợ trong lúc khó khăn này…

Vẫn biết, trước những khó khăn đang gặp phải thì các doanh nghiệp đều mong muốn sẽ nhận được sự hỗ trợ sớm nhất từ phía Chính phủ và các cơ quan liên quan. Tuy nhiên, để việc hỗ trợ đạt hiệu quả, đảm bảo sự công bằng, khách quan, thì cần phải có thời gian để triển khai các bước cần thiết. Hơn nữa, ngoài đối tượng là doanh nghiệp, còn rất nhiều đối tượng, phần việc khác mà Chính phủ cũng phải ưu tiên, quan tâm thực hiện trong lúc này, nhất là việc ứng phó với dịch bệnh. Vì thế, trong giai đoạn này, rất cần sự chia sẻ, cảm thông và chung sức của mỗi doanh nghiệp, để chúng ta đồng thời thực hiện thành công nhiệm vụ kép đó là phát triển kinh tế và phòng chống dịch bệnh.

VLXD.org (TH/ Báo Thái Nguyên)

Ý kiến của bạn

Thương hiệu vật liệu xây dựng