Thực hiện nghiêm túc nhiệm vụ KHCN
Năm 2016,
VIBM thực hiện 88 nhiệm vụ KHCN, cơ bản thực hiện đúng tiến độ, tình trạng chậm tiến độ thực hiện các đề tài, dự án đã được giải quyết dứt điểm, chất lượng các nhiệm vụ KHCN được thực hiện nghiêm túc, đạt được mục tiêu đề ra, 100% số nhiệm vụ đã thông qua hội đồng nghiệm thu cấp cơ sở được đánh giá đạt yêu cầu, mục tiêu nghiên cứu bám sát nhu cầu thực tế, có thể áp dụng trong sản xuất và sử dụng.
Thực hiện các nhiệm vụ phục vụ trực tiếp công tác quản lý nhà nước, VIBM đã phối hợp với Vụ Vật liệu xây dựng hình thành đề án “Đẩy mạnh xử lý, sử dụng
tro xỉ, thạch cao từ sản xuất nhiệt điện, phân bón hóa chất làm nguyên liệu
sản xuất VLXD và sử dụng trong các công trình xây dựng giai đoạn 2016 - 2020, tầm nhìn đến năm 2030”; Thực hiện các dự án quy hoạch phát triển
kính xây dựng đến năm 2020 và tầm nhìn đến 2030, quy hoạch
khoáng sản làm
VLXD chủ yếu ở Việt Nam đến năm 2025 và định hướng đến năm 2023; Xây dựng, soát xét các tiêu chuẩn, quy chuẩn về VLXD; Xây dựng tiêu chí và quy trình chứng nhận sản phẩm xanh cho ngành sản xuất VLXD; Xây dựng tiêu chí đánh giá, phân loại các cơ sở sản xuất
tấm lợp amiăng xi măng và xây dựng lộ trình hoàn thiện công nghệ sản xuất, giảm tác động tới môi trường, sức khỏe người lao động; Kiểm tra công tác bảo vệ môi trường các đối tượng thuộc phạm vi chức năng quản lý của ngành Xây dựng, đề xuất biện pháp xử lý triệt để các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.
Phục vụ công tác quản lý ở các địa phương, VIBM thực hiện các dự án quy hoạch phát triển VLXD cho 12 tỉnh Nam Định, Thanh Hóa, Lai Châu, TT - Huế, Phú Yên, Khánh Hòa, An Giang, Hậu Giang, Bình Dương, Tây Ninh, Bình Phước, TP.HCM...
VIBM cũng thực hiện công tác đánh giá chứng nhận hợp chuẩn hợp quy cho các đơn vị sản xuất và nhập khẩu VLXD theo quy định của QCVN 16:2014/BXD và tiêu chuẩn chất lượng như TCVN, ASTM, ISO, BSEN. Giấy chứng nhận của VIBM được đánh giá là có uy tín. Trong thời gian tới, VIBM có kế hoạch mở rộng lĩnh vực chứng nhận, như chứng nhận hệ thống quản lý năng lượng cho các đơn vị sản xuất VLXD theo ISO 5001:2011, nhằm đáp ứng yêu cầu về Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, đây là hướng mới cho các đơn vị sản xuất trong ngành Xây dựng.
Phân tích thí nghiệm hóa học tại Phòng Thí nghiệm của VIBM.
Phát triển 3 lĩnh vực hoạt động chính
Sau 2 năm tự chủ tài chính, hoạt động dịch vụ KHCN của VIBM đang từng bước đi vào ổn định, tạo ra sự kết nối giữa kết quả của nghiên cứu KHCN với thực tế sản xuất VLXD, không những mang lại nguồn thu nâng cao đời sống CBVC mà còn tạo nguồn tài chính phục vụ tái đầu tư phát triển của VIBM.
Hiện VIBM đang phát triển 3 lĩnh vực hoạt động chính: Tư vấn, chuyển giao công nghệ, kiểm định; sản xuất và cung cấp sản phẩm VLXD đặc biệt, thi công xử lý và phục hồi chất lượng công trình. Trong đó, nghiên cứu, chuyển giao công nghệ theo đơn đặt hàng của các DN. Phân tích kiểm định sản phẩm VLXD, chứng nhận sản phẩm VLXD phù hợp tiêu chuẩn, chứng nhận hợp quy các sản phẩm VLXD. Tư vấn lập dự án đầu tư và thiết kế các nhà máy sản xuất bê tông khí chưng áp, vật liệu không nung, vôi công nghiệp. Tư vấn lập phòng thí nghiệm chuyên ngành xây dựng và đào tạo thí nghiệm viên.
Sản xuất và cung cấp các sản phẩm VLXD đặc biệt: Các loại xi măng giếng khoan cho dầu khí, xi măng bền sunfat cho các môi trường xâm thực; các loại vữa không co, vữa chịu hóa chất, vữa cho gạch bê tông nhẹ, vữa ốp lát gạch ceramic…; các loại phụ gia bê tông, phụ gia tạo bọt để sản xuất bê tông nhẹ, phụ gia chống thấm; các loại bê tông chịu lửa, vữa chịu lửa, vữa chống cháy; các loại men màu cho sản xuất gạch ceramic. Lập thiết kế kỹ thuật và biện pháp thi công, áp dụng công nghệ và vật liệu mới, vật liệu đặc biệt để thi công xử lý và phục hồi chất lượng các công trình dân dụng, công nghiệp, thủy lợi và thủy điện, như chống thấm cho các công trình thuỷ điện, công nghiệp và dân dụng, chống dính cho các si lô chứa xi măng, chống thấm và chống rêu mốc cho các công trình mỹ thuật.
Thực chiến lược phát triển Viện đến năm 2020, VIBM đã lập dự án đầu tư xây dựng Cơ sở 2 của VIBM tại Hà Nam với mục tiêu chuyển hoạt động của xưởng thực nghiệm tại 235 Nguyễn Trãi, Hà Nội về địa phương có ngành công nghiệp VLXD phát triển, xây dựng đồng bộ hệ thống xưởng thực nghiệm phục vụ công tác nghiên cứu và xưởng sản xuất các sản phẩm VLXD đặc biệt. Dự án có quy mô khoảng 28.500m2 với tổng vốn đầu tư khoảng 150 tỷ đồng.
Tăng cường năng lực nghiên cứu
Bên cạnh đó, nhằm tăng cường năng lực cho CBVC, VIBM đầu tư cho các phòng thí nghiệm với việc triển khai Dự án Tăng cường năng lực nghiên cứu và đầu tư chiều sâu cho các phòng thí nghiệm giai đoạn 2016 - 2018, cụ thể là đầu tư hệ thống các phòng thí nghiệm chuyên ngành với các thiết bị phục vụ công tác nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ lĩnh vực VLXD. Tổng kinh phí cho dự án này ước tính gần 30 tỷ đồng.
Nhờ được Ban lãnh đạo VIBM quan tâm đặc biệt, công tác đào tạo, bồi dưỡng CBVC của VIBM trong năm 2016 có nhiều khởi sắc, chuyển dần từ đào tạo, bồi dưỡng theo tiêu chuẩn ngạch sang kết hợp bồi dưỡng kỹ năng thực thi nhiệm vụ, tăng cường bồi dưỡng kỹ năng chuyên môn nghiệp vụ với nội dung và phương pháp đào tạo tiên tiến. Chương trình đào tạo, bồi dưỡng đã bám sát và cụ thể hóa chủ trương chính sách của Bộ Xây dựng và chiến lược phát triển của VIBM.
VIBM cũng chủ động liên kết với các đơn vị, cá nhân có uy tín mở các lớp đào tạo, bồi dưỡng theo chỉ đạo của Viện trưởng như: Bồi dưỡng các phương pháp phân tích hiện đại, bồi dưỡng kỹ năng lãnh đạo, quản lý, đào tạo ngoại ngữ…
Trong năm qua, VIBM đã tổ chức đón tiếp hơn 15 đoàn khách quốc tế là các chuyên gia nghiên cứu, là đại diện của các Viện nghiên cứu, các trường đại học, các Hiệp hội ngành nghề, DN sản xuất, kinh doanh, cung cấp dịch vụ trong lĩnh vực xây dựng và VLXD đến từ các quốc gia: Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Nga, Thụy Sĩ… nhằm trao đổi chuyên môn khoa học kỹ thuật, thông tin về các kết quả nghiên cứu khoa học cũng như tìm hiểu năng lực và nhu cầu của các bên trong công tác đào tạo, nghiên cứu, sản xuất và kinh doanh, từ đó kết nối, xây dựng các chương trình hợp tác cụ thể.
Ông Lương Đức Long - Viện trưởng VIBM, là người luôn đề cao tinh thần tự chủ cho biết, kết quả tự chủ tài chính ban đầu còn hạn chế so với tiềm năng cũng như kỳ vọng đặt ra, bởi nó còn phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố khác nhau của kinh tế thị trường. Tuy nhiên, việc phải luôn hoàn thành tốt những nhiệm vụ nghiên cứu KHCN, những nhiệm vụ phục vụ công tác quản lý nhà nước của ngành Xây dựng, đã và đang là tiền đề tốt trong quá trình tự chủ tài chính của VIBM.
Theo Báo Xây dựng