Thị trường Việt Nam cũng được đánh giá là khá rộng lớn cho các công ty trong nước và quốc tế tham gia, nhưng đây cũng là thị trường còn khá nhiều rào cản cho việc tiếp nhận các công nghệ xanh hóa.
Tại Hội thảo “Kinh nghiệm phát triển thị trường tiết kiệm năng lượng và nước” diễn ra hôm 19/9, bà Nieken Stam, chuyên gia phát triển kinh doanh của Dự án MEET-BIS cho biết, theo nghiên cứu của dự án này đối với 172 doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam, có tới 69% doanh nghiệp cho rằng, có nhiều việc khác phải làm; 43% thiếu các thông tin đáng tin cậy; 41% lo ngại về các chi phí triển khai các biện pháp mới và 8% cho rằng, có quá nhiều thông tin, không biết đâu là giải pháp tốt nhất.
Doanh nghiệp sản xuất thép có khả năng chi trả để tiếp nhận
công nghệ xanh hoá
Điều này lý giải vì sao sau gần 5 năm hoạt động tại thị trường Việt Nam, MEET-BIS đã giới thiệu các giải pháp tiết kiệm năng lượng và nước tới 3.852 doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam, nhưng chỉ có 423 doanh nghiệp đầu tư các giải pháp tiết kiệm năng lượng và nước.
Dự án MEET-BIS do Ủy ban châu Âu tài trợ, được thực hiện từ năm 2009, với tổng vốn đầu tư 1,9 triệu euro, mục tiêu là hỗ trợ các nhà cung cấp thiết bị tiết kiệm năng lượng và nước cho doanh nghiệp nhỏ và vừa của Việt Nam.
Chia sẻ tại Diễn đàn Công nghệ Xanh Việt Nam - Ba Lan, ông Hoàng Trần Đồng, Chủ tịch HĐQT, kiêm Tổng giám đốc Công ty TNHH CTE Carbotech Engineering Việt Nam (công ty liên doanh Việt Nam - Ba Lan duy nhất tại Việt Nam trong lĩnh vực liên quan tới công nghệ môi trường) cũng tỏ ra khá băn khoăn, bởi sau 1 năm hoạt động tại Việt Nam, những kế hoạch triển khai thiết kế, chuyển giao công nghệ xử lý nước thải, chất thải rắn đô thị, chất thải công nghiệp, chất thải y tế... cho các dự án tại Việt Nam vẫn chỉ thực hiện trên giấy.
Lý do được ông Đồng đưa ra là các doanh nghiệp Việt Nam hiện rất thiếu vốn. “Nếu như các dự án đấu thầu mà CTE thực hiện tại nước ngoài rất minh bạch về vốn hay những dự án công cũng có quỹ tài chính cụ thể, thì những dự án tại Việt Nam lại tạo cho chủ đầu tư tâm lý rủi ro về tài chính và không biết đầu tư theo cách nào, có thu được vốn về không sau khi chuyển giao công nghệ, thiết bị hay không”, ông Đồng cho biết.
Tại Diễn đàn Công nghệ Xanh Việt Nam - Ba Lan, Thứ trưởng Bộ Môi trường Ba Lan, ông Janusz Zaleski đã khẳng định, bộ này đã có kế hoạch tăng cường hợp tác với Việt Nam trong phạm vi bảo vệ môi trường. 3 năm trở lại đây, các doanh nghiệp Ba Lan cũng liên tiếp sang tham dự hội chợ liên quan tới công nghệ xanh được tổ chức tại Hà Nội và TP.HCM, nhằm tìm kiếm các cơ hội hợp tác cho doanh nghiệp hai nước. Nhưng hiện tại, vẫn chưa có doanh nghiệp Ba Lan nào đặt trụ sở tại thị trường Việt Nam.
Mặc dù nhận định, Việt Nam là thị trường rộng lớn cho các doanh nghiệp cung cấp các thiết bị liên quan tới phát triển môi trường bền vững, với trên 90% tổng số các doanh nghiệp là doanh nghiệp nhỏ và vừa, nhưng với kinh nghiệm hoạt động tại Việt Nam, bà Stam khuyến cáo các doanh nghiệp khi cung cấp các thiết bị năng lượng nên tập trung vào những doanh nghiệp có khả năng chi trả cao và đang tiêu tốn nhiều năng lượng, như các doanh nghiệp thuộc các lĩnh vực khách sạn, nhà hàng, tòa nhà văn phòng, dệt may, da giày, sản xuất thép và giấy.
Theo baodautu.vn