Tăng theo tỷ giá USD
Tổng Công ty Thép Việt Nam (văn phòng phía Nam) đã điều chỉnh giá thép
tăng 300.000 đồng/tấn kể từ ngày 16-11. Theo đó, thép cuộn có giá bán
giao tại nhà máy là 14,52 - 14,81 triệu đồng/tấn (chưa bao gồm VAT),
thép cây là 14,57 - 15,27 triệu đồng/tấn (tăng gần 1 triệu đồng/tấn so
với thời điểm tháng 8-2010). Cùng thời điểm, các hãng thép Vina Kyoei,
Pomina... cũng điều chỉnh giá tăng lên 300.000 đồng/tấn. Đây là lần tăng
giá thứ 2 kể từ đầu tháng 11-2010 đến nay, với tổng mức tăng sau hai
lần điều chỉnh khoảng 500.000 đồng/tấn.
Theo Phó Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam, Nguyễn Tiến Nghi, giá thép
trong nước tăng do bị tác động bởi tỷ giá USD đang ở mức khá cao khiến
chi phí đầu vào của sản xuất thép tăng theo, buộc các nhà sản xuất phải
tăng giá bán thép thành phẩm mới bù đủ chi phí sản xuất. Sự tăng giá
mạnh của USD so với VND trong thời gian qua đã khiến giá phôi thép từ
mức 12 triệu đồng/tấn tăng lên 13 triệu đồng/tấn. Cộng thêm 1,5 - 1,7
triệu đồng chi phí gia công, hiện giá thành của mỗi tấn thép khoảng 14,5
triệu đồng. Đến thời điểm này, sau 2 lần tăng giá, thép xây dựng đang
được các nhà máy bán ra phổ biến ở mức 13,3 - 13,9 triệu đồng/tấn (giá
chưa tính 10% thuế VAT).
Cũng theo ông Nghi, sau khi chạm đáy vào tháng 6, giá thép từ tháng
7-2010 bắt đầu tăng khá mạnh. Nguyên nhân do giá phôi thép trên thị
trường thế giới sau thời gian giảm xuống dưới 500 USD/tấn, bắt đầu tăng
trở lại mức 570 - 590 USD/tấn, thép phế cũng đạt tới 490 - 510 USD/tấn.
Thêm vào đó, lượng thép tồn kho của các nhà phân phối cũng cạn dần, buộc
phải nhập khẩu hàng khiến nhu cầu tăng lên, đẩy giá thép tăng theo.
Về phía nhà sản xuất, đại diện một công ty thép nhận định: Nếu thời
gian tới, tỷ giá USD trên thị trường vẫn giao động quanh mức 21.000
đồng/USD, cộng với giá phôi thép thế giới đang tăng, thêm các chi phí
đầu vào của ngành thép như quặng, than… tăng nên giá thép có thể tăng
nữa.
Ghi nhận tại các cửa hàng bán vật liệu xây dựng ở quận Thủ Đức và Bình
Tân, giá thép nhập các loại cũng tăng với mức dao động từ 200.000 -
300.000 đồng/tấn. Trong đó thép Việt - Hàn loại cả cây và cuộn hiện có
giá 14,45 triệu đồng/tấn (đã bao gồm VAT); thép Việt - Úc giá 14,8 triệu
đồng/tấn (đã bao gồm VAT)…
Xi măng, gạch, cát... cũng tăng
2 tháng cuối năm là cao điểm mùa xây dựng, trên thị trường vật liệu xây
dựng, xi măng, gạch, cát, đá… cũng bắt đầu tăng giá 5-10% so với đầu
tháng 10. Tại các cửa hàng vật liệu xây dựng ở quận Thủ Đức, xi măng Hà
Tiên 1 tăng giá từ 70.000 đồng lên 73.000 đồng/bao 50kg, xi măng Holcim
tăng giá 69.000 đồng lên 70.000 đồng/bao 50kg. Gạch xây dựng tăng từ
7%-10%, hiện nay giá dao động 1.100 - 1.200 đồng/viên, gạch lát giá
trung bình hiện nay đối với loại 30cm khoảng 105.000 đồng/hộp 11 viên,
loại 40cm có giá khoảng 75.000 - 85.000 đồng/hộp 6 viên (tăng 10% so với
tháng trước).
Ngoài ra, mặt hàng cát xây dựng gồm cát xây tô có giá khoảng 650.000
đồng/xe (loại 5m³/xe), cát trộn bê tông khoảng 950.000 đồng/xe. Đá xây
dựng gồm hai loại, đá 1-2 (dùng đổ bê tông) có giá khoảng 1,45 triệu
đồng/xe (loại chất lượng tốt), còn loại chất lượng kém hơn có giá khoảng
1,15 triệu đồng/xe; loại đá 5-7 (dùng đổ móng) giá khoảng 1,3 triệu
đồng/xe…
Theo nhận định của một số chủ cửa hàng vật liệu xây dựng tại TPHCM,
hiện nhu cầu tiêu thụ vật liệu xây dựng đang tăng cao, dự báo từ nay đến
cuối năm giá các mặt hàng vật liệu xây dựng còn tăng khoảng 20% so với
các tháng trước đó.
Theo Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), mặt hàng thép rất khó dự báo
giá trong dài hạn, nhất là hiện nay, nước ta vẫn phải nhập tới 70%
lượng phôi thép và 47% thép phế cho sản xuất. Phân tích của VSA cho
thấy, giá thành 1 tấn thép khoảng 650 USD/tấn, trong trường hợp tỷ giá
USD tăng thêm 1.000 đồng/USD thì chi phí sản xuất thép đội thêm 650.000
đồng/tấn. Nếu giá thép phế, phôi nhập khẩu tiếp tục tăng, cộng với tỷ
giá USD biến động, khả năng giá thép trong nước tăng theo từ nay đến
cuối năm có thể xảy ra.