Cá cược game - Game Thể Thao 24H

Thông báo Việc làm Hỏi đáp chuyên ngành

Thị trường xi măng

Lối ra nào cho sản phẩm xi măng?

23/04/2011 - 05:22 CH

Làm thế nào tiêu thụ được sản phẩm trong tình trạng cung vượt quá cầu như hiện nay có thể coi là vấn đề nóng của các doanh nghiệp trong ngành xi măng. Để giải quyết bài toán dư thừa sản lượng này, Bộ xây dựng và các doanh nghiệp sản xuất xi măng đều phải vào cuộc là một điều tất yếu.
Bài toán cung- cầu:

Hiện nay, ngành công nghiệp xi măng Việt Nam đã và đang phát triển mạnh mẽ. Theo dự báo, năm 2011 sẽ có khoảng 7 dự án xi-măng đưa vào hoạt động cùng với số lượng hơn 100 nhà máy xi măng đang hoạt động, lượng cung vượt cầu sẽ tăng khoảng từ 5 đến 10 triệu tấn. Điều đó đặt ra cho ngành xi măng không những gặp khó khăn khi các nguyên liệu đầu vào tăng giá hàng loạt như than, điện, xăng dầu,…mà còn phải đối mặt với bài toán cung- cầu đang mất cân bằng.

Trước thực trạng đó, nhằm bình ổn thị trường xi măng, Bộ xây dựng cũng đã đưa ra một số giải pháp quy hoạch phát triển ngành xi măng Việt Nam đến năm 2020 như:

Đưa xi măng vào các công trình nông thôn như công trình thủy lợi, nội đồng, đường quốc lộ,…
Tăng các dự án đầu tư vào vật liệu xây dựng không nung thay thế cho gach, ngói đất sét nung.
Tăng cường xuất khẩu clinker đồng thời giảm lượng nhập khẩu clinker.

Tại cuộc hội thảo quốc tế về “Đầu tư đường bê tông xi măng tại Việt Nam” được tổ chức từ năm 2009, các chuyên gia trong và ngoài nước đều cho rằng đường bê tông có nhiều ưu điểm, Việt Nam có đủ điều kiện có thể để thực hiện và coi đây là giải pháp kích cầu hiệu quả.

Bản thân các doanh nghiệp sản xuất xi măng cũng đã có những động thái tích cực nhằm tiêu thụ sản phẩm của mình. Đối với Vicem, một doanh nghiệp sản xuất xi măng lớn nhất Việt Nam hiện nay cũng đã có những định hướng phát triển thị trường cụ thể như: duy trì vị trí số 1 tại thị trường Việt Nam, điều tiết sản lượng linh hoạt giữa các khu vực tối ưu hóa cung cầu trong bối cảnh mất cân đối cung- cầu. Bên cạnh đó, Vicem còn có chiến lược phân phối và marketing thống nhất trong toàn bộ tổ chức của Vicem với một thương hiệu lớn của Vicem, có phân đoạn về sản phẩm để thu được lợi ích tối đa của lợi thế phối hợp về chi phí và doanh thu, sắp xếp tối ưu hóa hệ thống phân phối và lực lượng bán hàng. Thống nhất chính sách để xuất khẩu xi măng trong bối cảnh dư thừa xi măng trong nước.


Xi măng Vicem xuất cảng

Nếu như trước đây, các doanh nghiệp chỉ chú trọng đến thị trường trong nước mà chưa chú ý đến thị trường xuất khẩu thì hiện nay hướng đầu tư đó đã có chiều thay đổi. Cụ thể như Công ty xi măng Cẩm Phả đã xuất được lô hàng thứ hai sang thị trường Trung Đông cho đối tác là Công ty Peakward Enterprises (Holding) Ltd. Bên cạnh đó, Công ty cổ phần xi măng Vinakansai(Ninh Bình) cũng đã xuất khẩu gần 100.000 tấn clinker sang thị trường khó tính nhất châu Á là Singapore và 70.000 tấn clinker sang Ấn Độ.

Gần đây nhất, ngày 28/1/2011, tại Quảng Ninh Công ty cổ phần xi măng Thăng Long đã xuất khẩu lô hàng 25.000 tấn xi măng đầu tiên trong hợp đồng xuất khẩu 50.000 tấn sang thị trường châu Phi.

Tuy nhiên, những động thái trên cũng chưa đủ mạnh để giải quyết bài toán cung- cầu của ngành xi măng, mà đòi hỏi phải có một chiến lược cụ thể, sâu rộng hơn nữa đối với ngành kinh tế đặc thù này.

….Bài toán đang cần lời giải:

Nhìn ra thế giới, việc giải quyết bài toán ngành xi măng đã hướng đến đầu tư vào phát triển xây dựng mặt đường bê tông từ rất sớm. Ngay từ những năm 40 của thế kỉ trước người ta đã xây dựng hàng triệu m2 đường bê tông xi măng các loại phục vụ chiến tranh, đến thời điểm này hầu hết các nước phát triển trên thế giới đều đã tập trung xây dựng loại mặt đường này.Tỷ lệ các đường trục của các nước như Mỹ, Pháp, Nhật, Đức đều chiếm 20-30% bằng bê tông xi măng.

Việt Nam cũng đã đề ra giải pháp đưa bê tông vào làm đường nông thôn nhưng trên thực tế vẫn chưa có những điều chỉnh đồng bộ mà mới chỉ dừng ở mức độ nội bộ các địa phương tự triển khai.

Việc xây dựng giao thông nói chung, giao thông nông thôn, giao thông nội đô nói riêng đang “ngốn” một nguồn ngân sách khổng lồ mà kinh phí phần lớn được chi cho việc nhập khẩu. Giao thông nông thôn hiện nay đa phần là rải nhựa. Năm 2010 có 33 dự án làm đường giao thông nông thôn bằng nhựa thâm nhập do Ngân hàng thế giới WB cấp tín dụng với suất đầu tư cao gần gấp đôi đường bê tông xi măng, hiệu quả kinh tế thấp.

Cả nước nên đầu tư làm đường bê tông xi măng trong các khu công nghiệp, khu đô thị mới, đường giao thông nông thôn, quốc lộ để cải thiện mạng lưới giao thông nước ta phát triển bền vững. Xét về mặt kinh tế, xã hội, làm đường bê tông xi măng sẽ chủ động nguyên vật liệu, không phải bỏ ngoại tệ nhập nhựa đường, góp phần giảm nhập siêu đồng thời thúc đẩy ngành xi măng và các ngành phụ trợ phát triển. Thời gian vừa qua Bộ xây dựng đề ra những giải pháp tương tự nhưng cách quản lí thực hiện và hiệu quả đến đâu vẫn chưa được kiểm chứng và đánh giá đúng mực. Có sự quan tâm đúng đắn thì đây sẽ là một hướng kích cầu nhanh chóng và đặc biệt có hiệu quả nhất đối với ngành xi măng trong nước.


Bê tông xi măng, một mũi tên trúng hai đích

Đối với thị trường xuất khẩu:

Không nên coi xuất khẩu xi măng là một giải pháp tình thế mà là chiến lược lâu dài. Tuy nhiên cũng cần tìm hiểu rõ thị trường ngoại địa và xét đến năng lực của bản thân để đạt hiệu quả nhất. Đối với những nước phát triển như như châu Âu, Mỹ,… thì cơ sở hạ tầng gần như đã hoàn thiện nên việc đầu tư vào thị trường này là rất khó khăn. Hơn nữa thị trường Âu, Mỹ còn có những đòi hỏi rất khắt khe không chỉ yếu tố chất lượng. Trong khi đó những thị trường mới như châu Phi hay các nước đang phát triển (Trung Đông, Bangladesh, Lào,…) cơ sở hạ tầng còn thiếu thốn và đây chính là thị trường tiềm năng cần đẩy mạnh khai thác.

Bên cạnh đó, Trung Quốc cũng là một thị trường đầy triển vọng, bởi ưu thế Việt Nam có được về mặt địa lí và giao thông vận chuyển. Theo báo cáo của Hiệp hội xi măng Trung Quốc nhu cầu sử dụng xi măng tăng lên 12% mỗi năm và đạt gần 2.1 tỷ tấn vào năm 2011. Minh chứng cho điều này là các dự án cấp thoát nước và các dự án thủy điện mới rất được Chính phủ quan tâm đầu tư. Đầu năm nay, Chính phủ Trung Quốc đã công bố ý định sẽ tăng gấp đôi mức đầu tư hàng năm vào các dự án nước, tức là tăng lên đến 4.000 tỷ nhân dân tệ trong giai đoạn tiếp theo. Điều đó trở thành động lực  thúc đẩy mạnh mẽ việc tiêu thụ xi măng.

Có thể đánh giá những thách thức mà ngành xi măng Việt Nam đang phải đối mặt là rất lớn song cũng không thiếu những cơ hội cho ngành khẳng định mình. Điều cốt yếu các doanh nghiệp phải phát huy được nội lực tạo sự cạnh tranh cả thị trường trong nước và thị trường xuất khẩu để vượt qua giai đoạn này.

Phương Thanh



Ý kiến của bạn

Thương hiệu vật liệu xây dựng