Đồng thời, một số thị trường khác cũng đang được mở ra cho loại sản phẩm mới này, như: Trung Quốc, Thái-lan, Campuchia, Afganistan và cả Hoa Kỳ.
Đây là loại vật liệu xây dựng mới, có kết cấu vỏ ba chiều (3D), lõi có cốt thép cường độ cao. Tiết diện rỗng (hai lớp). Lớp polystyrene ở giữa có tác dụng cách âm, cách nhiệt. Lớp này sẽ có vai trò cốp pha để làm khuôn lót cho hai lớp vữa bê-tông ở hai bên. Kỹ thuật phun vữa hoặc bê-tông mini tại chỗ tạo ra khối kết cấu có tính toàn khối cao (minolithic).
EVG 3D-Panels có xuất xứ công nghệ từ CH áo, do hãng Entwicklings und Verwertungs Gesellschaft M.B.H (viết tắt là EVG) làm chủ phát minh (patent) và sản xuất từ giữa thập niên 80 của thế kỷ trước. EVG đã được đăng ký bản quyền công nghệ ở các nước tiên tiến như Tây Âu, Mỹ, Nhật Bản.
Lần đầu tiên được du nhập vào nước ta cách nay gần chín năm (xây dựng hai ngôi nhà mẫu tại huyện Bình Chánh, TP Hồ Chí Minh), sau đó EVG đã đăng ký độc quyền sáng chế tại Việt Nam từ năm 1998. Năm 2002, EVG đã chuyển giao công nghệ và cung cấp thiết bị cho Công ty cổ phần Thế kỷ mới để tổ chức sản xuất tại Việt Nam. Nhà máy EVG-3D Panels (Thừa Thiên-Huế) có vốn đầu tư 9 triệu USD, công suất mỗi năm khoảng 2 triệu m2 panel, đủ để đáp ứng nhu cầu xây dựng 500.000 m2 nhà ở. Tuy mới được khởi công từ giữa tháng 7-2002, nhưng đến nay nhà máy đã hoạt động, sản phẩm được nhiều công trình xây dựng có quy mô lớn tại nhiều địa phương trong cả nước đã và đang tiếp cận sử dụng và tham gia xuất khẩu.
Theo các chuyên gia ngành xây dựng, sở dĩ sản phẩm EVG 3D Panels nhanh chóng được quan tâm sử dụng là do có nhiều ưu điểm cơ bản, như: đạt các chuẩn xây dựng quốc tế ACI (Mỹ), DIN (Đức), BS (Anh)...; công trình sử dụng kết cấu 3D chống được gió bão hơn 360 km/giờ; chịu được động đất đến 7,5 độ richter; cách âm; cách nhiệt và chống cháy. Điều này đã được kiểm chứng bởi các thử nghiệm do Viện nghiên cứu thử nghiệm hàng không áo, Viện kiểm soát chất lượng Singapore, Cơ quan kiểm định Hoa Kỳ. Và thực tế với hàng loạt công trình được thực hiện bằng EVG 3D-Panels trên khắp thế giới, trong đó có từ nhà ở, trường học, nhà thờ, chùa, đến cả khách sạn 5 sao Hyatt, các trung tâm thương mại, chung cư cao đến trên 30 tầng ở Mỹ, Đài Loan, Philippines và khoảng 40 nước khác.
Riêng các sản phẩm EVG 3D-Panels sản xuất tại Việt Nam, Viện khoa học công nghệ xây dựng đã thí nghiệm thử tải các tấm tường và tấm sàn EVG 3D, cho thấy khả năng chịu tải của các tấm panels EVG 3D là rất cao, vượt trội hoàn toàn so với các loại vật liệu xây dựng truyền thống khác. Cụ thể chịu được tải trọng đến 70 tấn/mét dài, trong khi tường xây 220 chỉ đạt 20 tấn/mét dài, nghĩa là khả năng chịu lực của EVG 3D gấp 3,5 lần so với tường gạch 220 (tường 110 không được coi là tường chịu lực).
Tại các cuộc Hội thảo khoa học về vật liệu xây dựng, nhiều chuyên gia kỹ thuật và nhà khoa học cũng xác nhận: EVG tạo nên một công nghệ xây dựng mới, tiết kiệm nguyên vật liệu (nhất là gỗ và đất) vì gần như hoàn toàn không sử dụng đến cốp pha, không dùng gạch đất nung. Điều này góp phần bảo vệ môi trường sinh thái. Các công trình xây dựng dùng EVG 3D-Panels rất dễ tạo dáng kiến trúc, phù hợp với những thiết kế phức tạp như biệt thự, nhà nghỉ mát, nhà thi đấu thể thao... Đáng chú ý nhất là vật liệu EVG 3D-Panels có thể được dùng là vật liệu duy nhất (tất nhiên có thêm vữa xi-măng) để tạo nên một ngôi nhà, nghĩa là có thể sử dụng làm tường, làm sàn, và cả làm mái. Chính ưu điểm này làm giản tiện đến mức cao nhất việc chuẩn bị vật liệu xây dựng cho cả chủ đầu tư và nhà thầu xây dựng.
TS Mai Văn Bảy đánh giá: các tấm EVG 3D-Panels rất thích hợp trong việc xây dựng nhà ở cho đồng bào, nhất là tại các vùng ngập lụt ở khu vực ĐBSCL. Do việc vận chuyển rất dễ dàng bằng các phương tiện ghe, xuồng của dân cư trong vùng, vì tấm có kích thước 3m x 1,2 m chỉ nặng 16 kg; ngoài ra còn phù hợp cho việc xây dựng các kiểu nhà nông thôn Nam Bộ truyền thống, có thể kết hợp xây nhà mái bằng để làm sân phơi lúa hay các loại nông sản khác.
Kỹ sư Phan Phùng Sanh, Phó chủ tịch Hội xây dựng TP Hồ Chí Minh, cho rằng tấm EVG 3D-Panels do chất lượng tốt, xây dựng nhanh, giá thành rẻ hơn công nghệ truyền thống nên rõ ràng là vật liệu lý tưởng để xây dựng các chung cư cao tầng, phục vụ cho người lao động tại các KCN, các đô thị đang chỉnh trang để phát triển.
Ông Sanh cũng đề xuất: từ nay đến năm 2010, tất cả các doanh nghiệp xây dựng thuộc các thành phần kinh tế sử dụng công nghệ EVG 3D để xây dựng các chung cư cao tầng nên được Nhà nước cho miễn hoặc giảm các loại thuế trong hoạt động xây dựng, vì hiện nay giá thành panel EVG 3D còn khá cao.
Theo Xây dựng