Hải Dương khuyến khích sử dụng vật liệu không nung trong các công trình xây dựng
không phân biệt nguồn vốn, không phân biệt khu vực đô thị, không phân biệt số tầng.
Chỉ thị nêu rõ, đối với các công trình xây dựng được đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước bắt buộc phải sử dụng vật liệu xây không nung theo lộ trình: Tại các đô thị loại III trở lên phải sử dụng 50% vật liệu xây không nung năm 2014, từ năm 2015 trở đi phải sử dụng 100% vật liệu xây không nung; Các khu vực còn lại phải sử dụng tối thiểu 30% vật liệu xây không nung kể từ năm 2014 đến hết năm 2015, từ năm 2016 phải sử dụng 100% gạch không nung.
Đối với các công trình xây dựng 9 tầng trở lên không phân biệt nguồn vốn, từ năm 2014 phải sử dụng tối thiểu 30%, và sau năm 2015 phải sử dụng tối thiểu 50% vật liệu xây không nung loại nhẹ trong tổng vật liệu xây (tính theo thể tích khối xây).
Ngoài ra khuyến khích sử dụng vật liệu không nung trong các công trình xây dựng không phân biệt nguồn vốn, không phân biệt khu vực đô thị, không phân biệt số tầng.
Chỉ thị cũng nêu rõ, trong điều kiện và trường hợp tại thời điểm thiết kế, thi công xây dựng công trình mà nguồn cung cấp vật liệu xây không nung trên địa bàn tỉnh Hải Dương không đủ hoặc chất lượng sản phẩm chưa đảm bảo theo quy định và yêu cầu thiết kế để đưa vào công trình xây dựng, chủ đầu tư có văn bản báo cáo Sở Xây dựng thẩm định trình UBND tỉnh xem xét quyết định cho phép sử dụng hoặc thay thế vật liệu xây bằng gạch đất sét nung.
Hiện tại, trên địa bàn tỉnh Hải Dương mới có 3 doanh nghiệp sản xuất gạch không nung với tổng công suất thiết kế khoảng 359 triệu viên gạch và 60 nghìn tấn vữa bê-tông nhẹ/năm. Ngoài ra, có 2 doanh nghiệp đang triển khai dự án sản xuất vật liệu không nung với công suất thiết kế 213,3 triệu viên/năm.
Chỉ thị cũng nêu rõ, đối với các tổ chức, cá nhân sản xuất gạch, ngói sét nung phải chấp hành nghiêm chỉnh các quy định của tỉnh, chủ động, tích cực thực hiện chủ trương của Chính phủ xây dựng lộ trình chuyển đổi dần công nghệ sản xuất từ gạch đất sét nung sang vật liệu xây không nung; tiếp cận chính sách ưu đãi trong đầu tư phát triển vật liệu xây không nung; sử dụng thiết bị công nghệ tiên tiến, nghiên cứu cải tiến kỹ thuật nâng cao năng suất chất lượng, giảm giá thành sản phẩm, bảo đảm tiêu chuẩn kỹ thuật phù hợp với điều kiện khí hậu của địa điểm công trình xây dựng, đáp ứng nhu cầu thị trường thay thế dần gạch đất sét nung.
QN - Báo Xây dựng