Tại công văn trên, Bộ Xây dựng yêu cầu UBND cấp tỉnh chịu trách nhiệm tổ chức xác định, công bố giá xây dựng công trình và chỉ số giá xây dựng tại địa phương bảo đảm kịp thời với những biến động giá trên thị trường xây dựng.
Bộ Xây dựng yêu cầu công bố giá các loại vật liệu xây dựng, thiết bị công trình, chỉ số giá xây dựng trên địa bàn tỉnh theo định kỳ hàng quý hoặc sớm hơn khi cần thiết.
Bộ Xây dựng cho biết, Nghị định số 10/2021/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý chi phí đầu tư xây dựng quy định rõ, UBND cấp tỉnh phân cấp, ủy quyền cho Sở Xây dựng công bố giá các loại vật liệu xây dựng, thiết bị công trình, chỉ số giá xây dựng trên địa bàn tỉnh theo định kỳ hàng quý hoặc sớm hơn khi cần thiết.
Tuy nhiên, dù giá cả vật liệu xây dựng chủ yếu đang có nhiều biến động tăng, khó dự báo ảnh hưởng tiêu cực đến các hoạt động đầu tư xây dựng, nhưng vẫn còn một số địa phương xác định giá xây dựng, chỉ số giá xây dựng theo quý, công bố chậm, chưa bám sát diễn biến thị trường hoặc chưa sát với giá thị trường. Nhiều danh mục công bố còn thiếu một số vật liệu xây dựng chủ yếu.
Bộ Xây dựng cho biết, tình trạng này kéo dài sẽ gây khó khăn, vướng mắc cho công tác lập, quản lý chi phí đầu tư xây dựng, hợp đồng xây dựng của các chủ thể liên quan, ảnh hưởng tiến độ thực hiện và công tác giải ngân của các dự án.
Bộ Xây dựng đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo Sở Xây dựng tập trung thực hiện chức năng, nhiệm vụ theo quy định để công bố chỉ số giá xây dựng, giá vật liệu xây dựng, thiết bị công trình trên địa bàn.
Bộ cũng lưu ý các địa phương chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan thường xuyên theo dõi, bám sát diễn biến của thị trường xây dựng để kịp thời cập nhật, điều chỉnh công bố giá vật liệu xây dựng, chỉ số giá xây dựng cho phù hợp mặt bằng giá thị trường, tránh các hiện tượng “đầu cơ, thổi giá”.
Đối với các loại vật liệu chủ yếu, có biến động nhiều, tổ chức xác định, công bố giá vật liệu xây dựng, hàng tháng, đáp ứng yêu cầu quản lý chi phí đầu tư xây dựng, hợp đồng xây dựng trên địa bàn theo đúng quy định của pháp luật.
Ngoài ra, Bộ cũng yêu cầu các địa phương tăng cường, nâng cao chất lượng công tác dự báo về khả năng cung - cầu trên địa bàn, về biến động giá nhất là đối với các loại vật liệu xây dựng chủ yếu, chiếm tỷ trọng lớn trong chi phí đầu tư xây dựng đối với các dự án đang hoặc sẽ thực hiện trên địa bàn của tỉnh trong năm 2022 và các năm tiếp theo; khắc phục các trường hợp thiếu hụt nguồn cung trên địa bàn, tránh tình trạng lợi dụng khả năng cung - cầu để đầu cơ, tăng giá, trục lợi.
Tác động bởi các rủi ro lạm phát, cùng với cuộc xung đột Nga - Ukraine dẫn đến giá nhiên liệu tăng kéo theo giá thép và nhiều vật liệu xây dựng khác "phi mã". Riêng thị trường thép, chỉ trong 3 tháng đầu năm đã chứng kiến 7 lần tăng giá khiến doanh nghiệp xây dựng đứng trước nguy cơ lỗ nặng.
Đáng chú ý, Chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu Nguyễn Quốc Hiệp cho biết, giá vật liệu xây dựng tăng, trong khi đó đơn giá vật liệu do sở xây dựng địa phương công bố thường "lạc hậu" so với biến động giá thị trường. Nguyên nhân một phần do các sở cũng có cái khó, công bố điều chỉnh giá theo thị trường thì đơn giá thanh toán cao sẽ hụt ngân sách tỉnh, nên nhiều khi họ "cố tình" đưa ra thấp.
Hầu hết các nhà thầu xây dựng đang rơi vào tình thế tiến thoái lưỡng nan, nhận thầu công trình rồi nhưng giá thép tăng đột biến nên "làm cũng chết, không làm cũng chết". Nếu thi công công trình thì càng làm càng lỗ, ngược lại không tiếp tục thi công sẽ bị phạt tiến độ, thậm chí không được thanh toán phần khối lượng đã thi công, ông Nguyễn Quốc Hiệp chia sẻ.
Theo đó, đại diện Hiệp hội Nhà thầu kiến nghị cần cập nhật kịp thời giá vật liệu xây dựng, không để ảnh hưởng tới tiến độ của các dự án đầu tư công.
Mặt khác, ông Hiệp cũng kiến nghị Bộ Xây dựng là cơ quan trung gian đứng ra khảo sát, công bố đơn giá vật liệu theo vùng, khu vực, đảm bảo giá vật liệu sát với thị trường hơn.
VLXD.org (TH/ DĐDN)