Năm 2021, giá trị tăng thêm của ngành Xây dựng ước tính tăng 0,2 - 0,5% so với năm 2020; chỉ số giá xây dựng tăng 4,34% so với năm 2020; diện tích nhà ở bình quân cả nước ước đạt 25 m²/người. Lĩnh vực phát triển đô thị, hạ tầng đô thị đạt được nhiều kết quả quan trọng như: Tỷ lệ đô thị hóa toàn quốc năm 2021 ước đạt 40,5%; tỷ lệ dân cư khu vực thành thị được cung cấp nước sạch qua hệ thống cấp nước tập trung ước đạt 92% (tăng 2% so với năm 2020); tỷ lệ thất thoát thất thu nước sạch giảm còn 17,2% (giảm 0,8% so với năm 2020).
Trong lĩnh vực sản xuất
vật liệu xây dựng, năm 2021, sản lượng
xi măng tiêu thụ ước đạt 105,6 triệu tấn (tăng 2% so với năm 2020); kính xây dựng đạt khoảng 186 triệu m² (tăng khoảng 24%); sứ vệ sinh khoảng 16 triệu sản phẩm, (tăng khoảng 7%)…
Bộ Xây dựng đã trình và được Chính phủ ban hành 8 Nghị định; Thủ tướng Chính phủ ban hành 6 Quyết định, 1 Chỉ thị. Bộ Xây dựng cũng đã ban hành theo thẩm quyền 14 Thông tư; cắt giảm, đơn giản hóa một số thủ tục hành chính, điều kiện đầu tư kinh doanh nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động đầu tư xây dựng.
Ngay từ đầu năm 2022, Bộ Xây dựng đã chủ động tiếp tục đảy mạnh nghiên cứu, xây dựng, hoàn thiện đồng bộ thể chế, phát triển và nâng cao hiệu quả thực thi pháp luật; đẩy mạnh công tác quản lý đầu tư xây dựng, giám sát chất lượng công trình, quản lý quy hoạch, kiến trúc, quản lý phát triển đô thị; chú trọng công tác cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh gắn với xây dựng Chính phủ điện tử, công tác tái cơ cấu, cổ phần hóa các doanh nghiệp Nhà nước do Bộ làm đại diện chủ sở hữu.
Đáng chú ý, để thực hiện tốt các mục tiêu đề ra năm 2022, Bộ Xây dựng sẽ tập trung thực hiện 3 khâu đột phá: Hoàn thiện thể chế pháp luật về xây dựng để tăng cường công tác quản lý Nhà nước để tạo môi trường thuận lợi, thông thoáng, phân cấp mạnh cho địa phương; hoàn thành quy hoạch, quản lý phát triển đô thị; siết chặt quản lý phát triển nhà ở, thị trường bất động sản, trong đó, chú trọng phát triển nhà ở xã hội, nhà cho phân khúc thu nhập thấp, thu nhập trung bình, nhằm đảm bảo thị trường bất động sản phát triển ổn định, bền vững.
Tạo môi trường thông thoáng, nhưng không buông lỏng quản lý xây dựng
Nhấn mạnh các nhiệm vụ trong năm 2022, Bộ trưởng Bộ xây dựng Nguyễn Thanh Nghị khẳng định, ngay trong quý I/2022, Bộ Xây dựng sẽ trình Chính phủ Nghị định sửa đổi các Nghị định để tháo gỡ vướng mắc trong các lĩnh vực quản lý Nhà nước của Bộ Xây dựng phù hợp thực tiễn và phân cấp mạnh hơn nữa cho các địa phương trong quy hoạch, kiến trúc, phát triển đô thị, hoạt động xây dựng, thẩm định thiết kế, dự toán… và ban hành các chính sách quy định nội dung, tiêu chí, quy trình kiểm tra, kiểm soát, tăng cường quản lý Nhà nước thuộc lĩnh vực xây dựng. Đây sẽ là một trong những đổi mới về thể chế để tháo gỡ khó khăn, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh ngành Xây dựng; hỗ trợ các doanh nghiệp sớm ổn định hoạt động sản xuất kinh doanh.
Theo đó, Bộ Xây dụng sẽ tập trung sửa đổi Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh bất động sản; đôn đốc các bộ, ngành, địa phương tập trung triển khai có hiệu quả Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia đến năm 2030 vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt thông qua những chính sách tháo gỡ khó khăn để phát triển
nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, nhà ở phân khúc thu nhập thấp và trung bình, khắc phục việc mất cân đối cung cầu và cơ cấu sản phẩm nhà ở.
Bên cạnh đó, để tiếp tục khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi hỗ trợ doanh nghiệp phát triển, Bộ Xây dựng cũng sẽ tập trung cải cách thủ tục hành chính, môi trường đầu tư kinh doanh. Thực tế, kết quả cải cách thủ tục hành chính năm 2021 đã góp phần giảm 50% số lượng hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính gửi về Bộ Xây dựng xử lý, đi đôi với triển khai 41 thủ tục hành chính theo hướng ứng dụng dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 tại bộ phận một cửa.
Ngoài ra, Bộ Xây dựng sẽ tập trung xây dựng Nghị định quy định cơ sở dữ liệu quốc gia về hoạt động xây dựng, nhằm quản lý thống nhất thông tin, dữ liệu về hoạt động xây dựng từ Trung ương đến địa phương. Từ đó, bảo đảm hành lang pháp lý trong triển khai thực hiện trên thực tiễn, đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số ngành Xây dựng, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp, nâng cao năng lực và hiệu quả quản lý Nhà nước về hoạt động xây dựng.
Đồng thời, tuyên truyền, phổ biến sâu rộng hiệu quả của việc ứng dụng dịch vụ công trực tuyến tới các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp hoạt động đầu tư xây dựng và tăng cường đối thoại với người dân, doanh nghiệp, đảm bảo kịp thời tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị về vướng mắc, bất cập trong quy định pháp luật thuộc lĩnh vực quản lý Nhà nước ngành Xây dựng.