Quan điểm của Kế hoạch là phát triển bền vững ngành vật liệu xây dựng phù hợp với Quy hoạch tỉnh An Giang, chiến lược vật liệu xây dựng toàn quốc; áp dụng khoa học công nghệ mới trong sản xuất vật liệu xây dựng; tiết kiệm tài nguyên khoáng sản, tiết kiệm năng lượng, giảm phát thải khí nhà kính; gắn sản xuất vật liệu xây dựng với tái chế, tái sử dụng các chất thải công nghiệp, nông nghiệp, xử lý rác thải và bảo vệ môi trường; đẩy mạnh sản xuất các chủng loại vật liệu xây dựng có giá trị kinh tế cao; nâng cao năng lực cạnh tranh của các sản phẩm vật liệu xây dựng trên thị trường trong nước và quốc tế.
Xây dựng các giải pháp phù hợp nhằm thúc đẩy, chuyển đổi công nghệ sản xuất vật liệu xây dựng theo hướng hiện đại, sử dụng tiết kiệm nguyên liệu và năng lượng, thân thiện với môi trường; khuyến khích phát triển sản xuất và sử dụng vật liệu xây dựng mới, có tính năng cao; có cơ chế chính sách bảo đảm các cơ sở sản xuất thực hiện đúng cam kết về sử dụng công nghệ, tuân thủ các quy định về bảo vệ môi trường và các cam kết khác.
Mục tiêu chung của Kế hoạch trong việc phát triển sản xuất vật liệu xây dựng nhằm khai thác có hiệu quả các tiềm năng, thế mạnh của tỉnh. Đưa công nghệ tiên tiến, hiện đại vào sản xuất vật liệu xây dựng để nâng cao chất lượng và sản lượng các loại vật liệu xây dựng, thỏa mãn nhu cầu vật liệu xây dựng ngày càng tăng trên thị trường trong tỉnh và có thể cung cấp một số loại vật liệu xây dựng ra ngoài tỉnh; gia tăng giá trị sản xuất công nghiệp, góp phần tăng nguồn thu ngân sách và chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, nâng cao vị thế của ngành sản xuất vật liệu xây dựng trong nền kinh tế của tỉnh; thu hút một lực lượng lao động lớn, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người lao động, cải thiện đời sống nhân dân, thu hẹp khoảng cách so với các tỉnh lân cận.
Tính đến năm 2030, đầu tư chiều sâu, mở rộng, nâng cao năng suất, đổi mới công nghệ, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, tiết kiệm năng lượng và bảo vệ môi trường đối với nhà máy Xi măng An Giang thuộc Công ty Cổ phần Xây lắp An Giang lên công suất 600.000 - 1.000.000 tấn/năm; Duy trì năng lực sản xuất đáp ứng nhu cầu nội tỉnh, tỷ lệ gạch đất sét nung còn khoảng 30 - 40% trong tổng sản lượng vật liệu xây và tỷ lệ sản phẩm gạch nung trang trí, mỏng, rỗng... giá trị gia tăng cao chiếm 80%. Giảm mức tiêu hao nhiệt, mức phát thải CO
2 từ 20 - 30% so với giai đoạn 2021 - 2030; Phát triển đầu tư sản xuất và sử dụng vật liệu xây không nung thay thế gạch đất sét nung đạt tỷ lệ 35 - 40% vào năm 2025; 40 - 45% vào năm 2030.
Phát triển công nghệ sản xuất ngói có sử dụng 20 - 30% chất thải công nghiệp thay thế nguyên liệu đất sét; tối ưu hóa chất lượng các sản phẩm vật liệu lợp thông minh, tiết kiệm năng lượng, vật liệu lợp sử dụng các loại sợi an toàn với sức khoẻ con người, thân thiện môi trường, bền trong môi trường biển đảo; Phát triển sản xuất vật liệu ốp lát có tính năng đặc biệt, chống bám bẩn, có khả năng tự làm sạch, ngăn ngừa sự phát triển của rêu mốc, bền màu; chú trọng phát triển các sản phẩm có giá trị kinh tế cao.
Đầu tư phát triển sản xuất các loại đá ốp lát nhân tạo có tính năng và thẩm mỹ vượt trội, đa dạng về mẫu mã thay thế đá ốp lát tự nhiên; Tăng cường phát triển các sản phẩm cát nhân tạo đáp ứng nhu cầu sử dụng; phấn đấu đạt mục tiêu sử dụng cát nghiền, cát tái chế từ phế thải công nghiệp và xây dựng để thay thế cho 40% lượng dùng cát thiên nhiên trong xây dựng; Phát triển và áp dụng rộng rãi các loại bê tông cường độ cao trên 100 MPa, bê tông bền môi trường biển, bê tông chịu nhiệt, bê tông thích ứng với biến đổi khí hậu, bê tông in 3D….
Để đạt được các mục tiêu trên, giải pháp đặt ra là xây dựng cơ chế chính sách, sửa đổi, hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật theo hướng khuyến khích đầu tư mới, đầu tư nâng cấp, chuyển đổi công nghệ sản xuất vật liệu x6ay dựng theo hướng gia tăng năng suất, chất lượng; Có chính sách ưu đãi và hỗ trợ đầu tư cho các tổ chức, cá nhân nghiên cứu phát triển, ứng dụng khoa học và công nghệ, đầu tư sản xuất vật liệu sản xuất tiết kiệm năng lượng, thân thiện với môi trường; Đẩy mạnh công tác điều tra, khai thác tài nguyên khoáng sản đảm bảo hiệu quả, tiết kiệm; Nghiên cứu phát triển sản phẩm mới, công nghệ mới, công nghệ sạch, thân thiện với môi trường, sử dụng phế thải làm nguyên liệu, nhiên liệu thay thế; Thực hiện xã hội hóa công tác đào tạo nghề, đa dạng hóa các loại hình đào tạo nghề trong đó chú trọng đào tạo cho người lao động ngay tại các cơ sở sản xuất. Kết hợp đào tạo chuyên môn, kiến thức quản lý kinh tế với bồi dưỡng nhận thức pháp luật, phẩm chất lao động, đạo đức xã hội, ngoại ngữ, quản trị kinh doanh, maketing.
Bảo vệ môi trường trong sản xuất, chú trọng đến công tác quản lý như không phê duyệt, cấp phép đầu tư mới, đầu tư mở rộng đối với các dự án đầu tư khi chưa có đánh giá tác động môi trường; kiểm tra, giám sát môi trường thường xuyên; giám sát chặt chẽ việc đánh giá tác động môi trường, cam kết bảo vệ môi trường và an toàn lao động của các cơ sở khai thác nguyên liệu và sản xuất; Các cơ sở khai thác nguyên liệu cần phải đầu tư công nghệ tiên tiến, hiện đại; Trồng cây xanh xung quanh khai trường, hạn chế sự phát tán của bụi; Tiến hành hoàn nguyên môi trường bằng cách hoàn trả lại mặt bằng đã khai thác, xử lý nước thải, trồng lại thảm thực vật…
VLXD.org (TH/ CTT An Giang)