Cá cược game - Game Thể Thao 24H

Thông báo Việc làm Hỏi đáp chuyên ngành

Văn bản - Chính sách

Giảm thiểu sử dụng cát sông san lấp cho công trình xây dựng

13/09/2024 - 01:31 CH

Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Phạm Thiện Nghĩa vừa ký ban hành Chỉ thị số 05/CT-UBND thực hiện giải pháp giảm thiểu sử dụng cát sông san lấp cho công trình xây dựng trên địa bàn tỉnh. Theo đó, tỉnh Đồng Tháp yêu cầu giảm nhu cầu sử dụng cát sông dùng để san lấp mặt bằng, làm nền đường, tôn nền.

Khai thác cát ở Đồng Tháp.

Chỉ thị UBND tỉnh Đồng Tháp cho biết: Trong những năm qua, vốn đầu tư xây dựng cơ bản trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp ngày càng tăng (tăng trung bình trên 18%/năm), nhiều công trình xây dựng hoàn thành và đưa vào khai thác sử dụng đã phát huy hiệu quả, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế cho tỉnh Đồng Tháp. Tuy nhiên, vốn đầu tư xây dựng cơ bản tăng đã kéo theo nhu cầu sử dụng cát san lấp cho các công trình xây dựng tăng cao, trong khi đó nguồn cung ứng cát san lấp ngày càng khan hiếm.

Mặt khác, giải pháp về quy hoạch, giải pháp thiết kế các công trình trong thời gian qua có phần lạm dụng, chỉ tập trung việc sử dụng cát san lấp. Do đó, đã góp phần làm tăng nhu cầu sử dụng cát san lấp, làm cho tình hình khan hiếm cát ngày càng nghiêm trọng, điển hình như: Xác định cao độ nền chưa hợp lý (công trình xây dựng sau thường cao hơn công trình xây dựng trước), chưa khoa học, chưa quan tâm đến việc cân bằng giữa khối lượng đào và khối lượng đắp; chọn cao trình thiết kế các công trình giao thông (bao gồm giao thông nông thôn), các khu đô thị, khu dân cư, khu cụm công nghiệp, khu cây xanh, công viên, thể dục thể thao đều cao hơn đỉnh lũ năm 2000 từ 0,5m trở lên là chưa phù hợp với quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về Quy hoạch xây dựng; thiết kế cao trình đỉnh đường trong cùng khu vực xã, phường, thị trấn nhưng có sự chênh cao rất lớn; hoặc thiết kế đào đất ở lòng đường để đắp lề và sau đó bù cát san lấp vào…

Ngoài ra, việc triển khai kế hoạch khai thác cát sau khi Quy hoạch tỉnh được duyệt còn chậm, nhiều thủ tục, ảnh hưởng đến tiến độ thi công, giải ngân vốn trên địa bàn tỉnh. Do đó, để giảm thiểu sử dụng cát sông san lấp cho công trình xây dựng trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Thủ trưởng các Sở, ban, ngành tỉnh, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố thực hiện đồng bộ các giải pháp sau:

Nhóm giải pháp giảm nhu cầu sử dụng cát sông dùng để san lấp mặt bằng, làm nền đường, tôn nền

Theo đó, Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các Sở: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Xây dựng, Giao thông vận tải, Công Thương; UBND các huyện, thành phố và các đơn vị có liên quan xây dựng, cập nhật và tổ chức thực hiện Kế hoạch hành động ứng phó với biến đổi khí hậu (BĐKH); thực hiện việc lồng ghép nội dung BĐKH trong các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch trên địa bàn tỉnh; xây dựng các giải pháp ứng phó với BĐKH trên địa bàn thuộc phạm vi quản lý.

Tổ chức hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện các quy trình, thủ tục pháp lý có liên quan đến việc khai thác đất để phục vụ đắp nền đường, san lấp mặt bằng, tôn nền theo quy định. Tham mưu UBND tỉnh đẩy nhanh công tác đấu giá quyền khai thác khoáng sản để tạo nguồn cung ứng cát cho các công trình (bao gồm công trình đầu tư công, công trình dân sinh, công trình sử dụng vốn khác).

Sở Xây dựng: Tổ chức hướng dẫn lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch đô thị, nông thôn. Theo đó, ngoài việc phải đảm bảo theo quy định của pháp luật về quy hoạch và pháp luật khác có liên quan mà còn phải tôn trọng, phát huy tối đa lợi thế tự nhiên như: Ao hồ, kênh, rạch; tổ chức không gian hợp lý cho các hoạt động của đô thị, trong đó có kết hợp với phương án, kế hoạch phòng, chống thiên tai, thích ứng với BĐKH và mực nước biển dâng (MNBD) của tỉnh; quy hoạch cao độ san lấp, tôn nền hợp lý, khoa học nhằm giảm thiểu việc sử dụng cát sông để san lấp, tôn nền nhưng vẫn đảm bảo không ngập úng; tăng cường phát triển các điểm dân cư tập trung, nhà cao tầng vì có điều kiện thuận lợi để phát triển hạ tầng dùng chung và sử dụng hiệu quả diện tích đất đã được san lấp; tăng diện tích hồ điều hòa, hồ trữ nước ngọt một cách hợp lý nhằm tăng cường năng lực cung cấp và tiêu thoát nước, bên cạnh đó còn tận dụng phần đất đào để san lấp...

Tổ chức rà soát, đánh giá hiệu quả Đề án chuẩn hóa cao độ trên địa bàn tỉnh. Theo đó, đề xuất giải pháp thực hiện các bước tiếp theo của Đề án nhằm khắc phục tình trạng cao độ thiết kế san nền, đỉnh đường trong cùng khu vực nhưng có độ chênh cao lớn hoặc tình trạng cao độ thiết kế san nền, đỉnh đường tại một số khu đô thị hình thành sau cao hơn đô thị hình thành trước nên làm gia tăng nhu cầu sử dụng cát san lấp cho những công trình này.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: Phối hợp với các Sở, ngành, UBND huyện, thành phố tham mưu UBND tỉnh kế hoạch thực hiện quy hoạch tỉnh thuộc lĩnh vực thủy lợi theo hướng đa mục tiêu, bảo đảm tính đồng bộ có xem xét đến điều kiện thích ứng với BĐKH và MNBD.

Trong đó, phương án triển khai, thiết kế phải gắn với phát triển giao thông thủy, giao thông nông thôn, giao thông nội đồng, sắp xếp phân bố dân cư, tạo cảnh quan phục vụ du lịch, bảo vệ môi trường...; nghiên cứu giảm diện tích đất sản xuất lúa vụ 3 một cách hợp lý thông qua việc luân phiên sản xuất lúa vụ 3 nhằm tăng cường lấy phù sa, rửa độc, cải tạo đất, đồng thời tăng khả năng tiêu, thoát lũ, hạn chế mực nước sông dâng cao làm ngập tại các đô thị, công trình giao thông, khu công nghiệp, vườn cây ăn trái trong mùa lũ.

Tổ chức rà soát, đề xuất quy hoạch sông Tiền, sông Hậu đảm bảo thực hiện tốt chức năng cung cấp nước tưới tiêu, đặc biệt là chức năng thoát lũ, đảm bảo không gây sạt lở bờ, bảo vệ an toàn khu dân cư, cơ sở sản xuất và cơ sở hạ tầng ven sông trong điều kiện BĐKH và MNBD.

Ưu tiên xây dựng công trình bảo vệ bờ sông, chỉnh trị sông kết hợp với tôn tạo cảnh quan, môi trường để phục vụ đời sống văn hóa, tinh thần của nhân dân, đồng thời tạo điều kiện phát triển kinh tế - xã hội cho địa phương, đặc biệt là phát triển dịch vụ, du lịch; phối hợp Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Giao thông vận tải đề xuất phương án khai thác cát sông, bãi bồi, cồn nổi phải kết hợp với chỉnh trị dòng chảy sông để tạo lòng dẫn sông ổn định, tránh tạo thành các dòng chảy xiên, xoáy nguy hiểm, uy hiếp an toàn cho các công trình xây dựng trên sông, không gây khó khăn cho hoạt động giao thông vận tải thủy.
 
VLXD.org (TH)

Thương hiệu vật liệu xây dựng